trongdong
text logo

Quần thể di tích văn hóa Óc Eo ở Ba Thê, Nền Chùa và Gò Tháp

Tác giả bài viết: Nguyễn Toàn

Thứ tư - 22/04/2020 00:16
TTPT.VN - Quần thể Di tích Văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang), Khu di tích Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp) và Khu di tích Nền Chùa (tỉnh Kiên Giang) vừa được các cơ quan chức năng chọn làm điểm chính xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Kiến trúc nền gạch cổ tại Di tích Gò Tháp cách nay khoảng 1.500 năm.

Năm 1944, từ những phát hiện của người dân địa phương, nhà khảo cứu người Pháp Louis Malleret đã khai quật, phát hiện di tích của nền văn hóa bản địa và đặt tên là "Văn hóa Óc Eo". Địa danh phát lộ di tích đầu tiên ở chân núi Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, khai quật khảo cổ; đã có nhiều hội thảo chuyên sâu và hàng trăm lượt các nhà khoa học khảo cổ từ các nước (Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ý, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Úc, Thái Lan…) công bố nghiên cứu về văn hóa Óc Eo - nền văn hóa phát triển rực rỡ từ thế kỷ I đến VII, gắn liền lịch sử nước ta.


Tỉnh An Giang có Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, thuộc ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn; diện tích khoảng 433,2ha, gồm Khu A ở sườn và chân núi Ba Thê rộng 143,9ha, khu B ở cánh đồng Óc Eo rộng 289,3ha. Một số di tích tiêu biểu đã được khai quật và bảo tồn như: Khu A có Linh Sơn tự, Nam Linh Sơn Tự, Linh Sơn Bắc, Gò Cây Me, Gò Út Trạnh, Gò Sáu Thàng…; khu B có Gò Óc Eo, Gò Cây Thị A và B, Gò Giồng Cát…

Khu di tích Gò Tháp của tỉnh Đồng Tháp, thuộc ấp 1, xã Tân Kiều huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, khoảng 290ha, có một số điểm di tích tiêu biểu đã được khai quật và bảo tồn. Trong đó có 3 loại hình chính là di tích cư trú, di tích mộ táng và di tích kiến trúc. Di tích cư trú được phân bố rộng khắp ở vùng đất trũng (mặt ruộng thấp) được phát hiện ở tầng văn hóa tiếp giáp với đáy biển cổ. Cư dân cổ Gò Tháp tập trung sinh sống xung quanh rìa những giồng (gò) nhỏ và dọc theo những lung, kênh cổ; tạo nên tầng văn hóa trong lớp phù sa mới với các dấu tích nhà sàn, khu sản xuất thủ công và nhiều loại hình di vật, đặc biệt là đồ gốm. Ở một số khu vực, đặc biệt là vùng trung tâm, có các lớp kiến trúc. 

Di tích mộ táng được phát hiện ở các gò cát, trong cùng khu vực xuất lộ dấu tích cư trú, có nhiều mộ táng thuộc các thời kỳ, được chôn theo nhiều phong tục khác nhau. Trong đó vào thời kỳ Óc Eo, chủ yếu là hỏa táng, chôn tro trong vò và các di vật tùy táng như đồ gốm, đồ trang sức, công cụ sản xuất...

Di tích kiến trúc được xây dựng phần lớn trên các gò cao, nhiều công trình lớn đã được khai quật, chủ yếu là đền thờ, các kiến trúc gạch; ao, hồ chứa nước... Hầu hết các di tích kiến trúc được phát hiện nằm sâu trong lòng đất, có quy mô lớn, được xây dựng công phu làm nơi thờ phụng; các nền móng gạch chứa các bộ thánh tích phản ánh nghi lễ xây dựng các ngôi đền Hindu giáo, với các biểu tượng và văn khắc cổ nhất được biết đến ở miền Nam Việt Nam và Đông Nam Á. Kiến trúc các đền tháp của cả Hindu giáo và Phật giáo được xây dựng có quy mô lớn vào thời kỳ thịnh vượng của văn hóa Óc Eo (thế kỷ VI-VII). Di vật, hiện vật tìm thấy ở đây chủ yếu là các tượng thần Visnu, Siva bằng sa thạch, tượng Phật bằng gỗ với số lượng rất lớn, các cấu kiện kiến trúc bằng gỗ, bằng đá có mộng, có chốt, minh văn bằng đá…

Di tích Nền Chùa của tỉnh Kiên Giang, thuộc địa bàn ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, có diện tích khoảng 15ha. Trong di tích có lung Giếng Đá (hay còn gọi Lung Lớn) chạy cắt ngang nối liền với Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang) theo hướng Đông - Bắc khoảng 15km, đóng vai trò “tiền cảng” cho thành thị cổ Óc Eo. Với vị trí và tính chất đã được làm rõ qua các cuộc nghiên cứu, Nền Chùa được xem là một trong những trung tâm dân cư - kinh tế - tôn giáo lớn của văn hóa Óc Eo. Nếu Óc Eo - Ba Thê được xem là cảng thị thì Nền Chùa được xem là tiền cảng, là đầu cầu kết nối Óc Eo - Ba Thê với hệ thống thương mại quốc tế đường biển…

Những biểu hiện vật chất còn lại của quần thể di tích văn hóa Óc Eo nêu trên, đã minh chứng sự tồn tại của một nền văn hóa gắn liền với vương quốc Phù Nam - quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ VII. Các di tích văn hóa Óc Eo chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu cho một trong các nền văn minh cổ đã mất.

*

*   *

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và 3 địa phương An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới đối với nền văn hóa Óc Eo. Không gian phân bố của văn hóa Óc Eo tại Việt Nam ngày nay xuất hiện tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh, Đồng Nai, Sóc Trăng, Lâm Đồng… Trong đó, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang) và Khu di tích Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp) được xác định là trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của văn hóa Óc Eo, Khu di tích Nền Chùa (tỉnh Kiên Giang) được xác định là cảng thị quan trọng, nơi xuất nhập hàng hóa cho đô thị Óc Eo và các thị tứ trong vùng tứ giác Long Xuyên.

Các tượng thần bằng sa thạch thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Vì vậy, dự kiến khu vực đề cử di sản thế giới của Quần thể Di tích văn hóa Óc Eo gồm 3 nơi chính là: Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Khu di tích Gò Tháp và Khu di tích Nền Chùa, với hàng trăm điểm di tích, di chỉ khảo cổ đã được kiểm kê, xếp hạng và khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong đó, Nền Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2004, Óc Eo - Ba Thê và Gò Tháp đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012 và nhiều di tích khác đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hiện nay, các di tích này đang được đẩy mạnh nghiên cứu, khai quật và bảo tồn nhằm bảo vệ tính xác thực, tính toàn vẹn, cũng như phát huy giá trị tiêu biểu.

Từ năm 2017 đến nay, thực hiện Đề án nghiên cứu Khu di tích khảo cổ học Óc Eo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã khai quật trên quy mô lớn hàng chục di tích, di chỉ khảo cổ học Văn hóa Óc Eo, góp phần làm rõ giá trị di sản, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể Di tích Văn hóa Óc Eo. Kết quả của các đợt khai quật khảo cổ đã tiếp tục phát hiện các di vật, kiến trúc… cho thấy tính nguyên gốc của di tích vẫn được giữ cùng nhiều hiện vật khác còn trong lòng đất. Từ đây, các nhà khoa học có thể so sánh Quần thể Di tích Văn hóa Óc Eo với các di sản tương tự: Di sản Văn hóa Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; Di sản Văn hóa Thế giới Khu đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam, Việt Nam); Di sản Văn hóa Thế giới Khu di tích Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam, Việt Nam); Di sản Văn hóa Thế giới Ăngkor (Campuchia); Di sản Văn hóa Thế giới Khu đền thờ Borobudur (Indonesia)...

Căn cứ vào các tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới, đối với Quần thể Di tích Văn hóa Óc Eo, đã hội tụ đầy đủ các yếu tố: thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, hoặc công nghệ, nghệ thuật xây dựng đền tháp, quy hoạch thành phố hay thiết kế cảnh quan; chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc hết sức khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc đã diệt vong; là một ví dụ nổi bật về hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay khai thác biển cả, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ tổn thương do ảnh hưởng của những đổi thay không thể đảo ngược.

Nguồn tin: baocantho.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây