trongdong
text logo

Chiêm bái Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Di tích Quốc gia đặc biệt

Tác giả bài viết: Ghi chép của Minh Đạo

Thứ hai - 01/07/2019 22:26
TTPT.VN - Vậy là Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đã kết thúc trên toàn quốc. Với tôi, dư âm không chỉ ở kỳ thi, mà trước đó, hàng ngàn lượt sĩ tử cùng giáo viên, phụ huynh ở các tỉnh, thành thành kính về chiêm bái Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - một trong hai Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đặc biệt của thành phố Hải Phòng, cũng tạo nên những ấn tượng đặc biệt về truyền thống hiếu học của người Việt Nam.
 
Bạch Vân am. Ảnh: M.Đạo
Bạch Vân am. Ảnh: M.Đạo
 
Cái nắng như đổ lửa xuống không gian thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo nhưng không suy chuyển dòng người tấp nập kéo về khu di tích. Một sức hút kỳ diệu. Dọc con đường hai chiều rất rộng, người và xe tập nập. Bước chân chậm lại, tâm thế an yên khi bước qua cổng tam quan có đề ba chữ Hán rất to “Đền Trung Am”. Bên phải là nhà sắp lễ, khá rộng rãi nhưng rất đông người, nhất là các bậc phụ huynh. Họ thành tâm bày lên mâm các loại trái cây và xôi gấc đậm màu. Lần lượt, không chen lấn, thật an nhiên, phụ huynh bưng mâm đi trước, học sinh theo sau vào các nơi thờ tự. Đặc biệt, vật dâng hương có rất nhiều bút viết, bó lại từng mấy chục cây cho từng lớp. Một cô giáo đến từ một trường THPT tại Hải Phòng cho tôi biết: “Những cây bút này để các em sử dụng đi thi, vừa là tinh thần, vừa như nhắc nhở cần phấn đấu theo các bậc tiền nhân, nuôi những ước mơ đẹp và cao vọng”. 
 
Bên tay trái là đền thờ Trạng Trình, hàng trăm lượt người lên xuống, vào ra. Ngôi đền có 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung, xây dựng lại từ nền nhà cũ của quan Trạng sau khi Trạng Trình mất (năm 1586). Ở đây là nơi đặt tượng thờ và bài vị của ông, còn mộ đến nay chưa tìm được. Phía sau và trên cao thâm nghiêm, bức tượng gỗ tạc Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngồi trên ngai, khoác áo rồng của vua ban thưởng, đầu đội mũ cánh chuồn, tay phải cầm cuốn sách giơ lên như đang giảng bài cho các học trò. Phía trước đền, 2 con rồng đá ngự bên bức bình phong, biểu tượng của trang sách mở ra, thể hiện sự tôn vinh về quá trình lĩnh hội tri thức của con người. Cùng đó là cây đa cổ thụ thân rất lớn, rễ buông mành; hồ Thái Nhâm trong xanh và nhiều cá, có chiếc cầu cong bằng đá chạm khắc tinh xảo và rất đẹp. Sau nghi thức dâng lễ, cắm hương (chỉ cắm tại lư hương lớn ở bên ngoài sân), nhiều học sinh đến khu vực cầu đá, gốc đa buông thư thái và để lòng mình thêm một lần lắng lại, chiêm nghiệm về truyền thống yêu nước của các bậc tiền nhân tài hoa...
 
Phía trước cổng tam quan. Ảnh: M.Đạo
Phía trước cổng tam quan. Ảnh: M.Đạo
 
Chúng tôi tiếp tục theo các đoàn đi ra phía sau đền. Ở đây có nhà thờ thân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm, được làm bằng gỗ, bao quanh là những cây xanh cắt tỉa công phu và rất nhiều hoa. Vòng ra phía cuối có một nếp nhà được lợp bằng cói xinh xắn, mô phỏng Bạch Vân am trước đây - thời gian Trạng Trình cáo quan về ở ẩn. Trước thềm là tượng Trạng Trình ngồi cầm cuốn sách, và nhiều tượng nhỏ đứng xung quanh dưới sân hướng lên. Đó là những đứa trẻ cùng bố mẹ đến Bạch Vân cư sĩ xin chữ, những vị quan đến vấn an thầy. Am xưa là nhà ở và trường dạy học của Trạng Trình. Tại đây, ông từng tiếp kiến sứ giả của nhà Mạc, nhà Trịnh, nhà Nguyễn đến tham vấn về việc quân quốc, trọng sự. Người đến thưởng lãm hôm nay, ai cũng cảm động trước những nét đẹp truyền thống “tôn sư trọng đạo” này. Chúng tôi chứng kiến rất nhiều học sinh đứng lặng, thành kính và ngưỡng mộ, như mong tiếp được thêm sức mạnh cho lần “vượt vũ môn” phía trước của bản thân. Một nhóm học sinh đến từ trường THPT ở tỉnh Hải Dương xúm lại và bày tỏ với tôi, rằng, kỳ thi tới đây, họ rất tự tin vì cảm nhận như được “tiếp lửa tri thức”. 
 
Tập trung rất đông là Khu nhà trưng bày. Các nhà trường tổ chức thành đoàn bài bản và mời hướng dẫn viên thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong khu nhà, rất nhiều hiện vật, tư liệu quý được sắp xếp khoa học: bút tích; những kiệt tác văn học với những bản in cổ; những lời sấm truyền đặc biệt của Trạng Trình và nhiều ảnh... Trong tủ kính trưng bày một số cổ vật, có giá trị, niên đại từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX như: bản chúc, bát bửu, long ngai, bài vị, câu đối, đại tự...; một tảng đá xanh hình khối chữ nhật, khắc 3 chữ Hán “Trường Xuân Kiều” (Cầu Trường Xuân), tương truyền do đích thân Nguyễn Bỉnh Khiêm viết khi khuyến khích nhân dân địa phương xây dựng cầu. Phía góc nhà, đặc biệt có tấm bia đá “Từ vũ bi kí...” thời Lê Trung Hưng, năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736), nội dung bia nhắc đến việc dựng lại đền Nguyễn Bỉnh Khiêm vào năm 1736...
 
Lời thuyết minh viên Vũ Thị Hương qua chiếc loa nhỏ cuốn hút đông đảo học sinh vì rất nhiều thông tin: Nơi các bạn đang đứng đây là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, được Nhà nước công nhận năm 1991, tổng diện tích 91.500,7 m². Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân cư sĩ, sinh năm Tân Hợi (1491), người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương (nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Khoa thi năm Ất Mùi, triều Mạc Đăng Doanh (1535), ông đỗ Tiến sĩ đệ nhất danh (tức Trạng nguyên), được trao chức Đông các hiệu thư, sau đó được tiếp tục thăng lên làm Hữu thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ. Ông là hàng đệ nhất công thần, được phong tước Trình tuyền hầu, đến Thượng thư Bộ Lại, Thái bảo, tước Trình Quốc công. Năm 1542, sau khi dâng sớ lên vua đề nghị chém 18 kẻ lộng thần, nhưng không được chấp thuận, ông treo mũ từ quan về quê nhà ở ẩn, dựng quán Trung Tân, lập am Bạch Vân làm trường dạy học, sáng tác thơ ca, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Am trở thành trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước, với nhiều tên tuổi lưu danh sử sách, như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Giáp Hải... Tuy Nguyễn Bỉnh Khiêm không tham dự quốc chính nữa, nhưng nhà Mạc vẫn thường hỏi ông đóng góp ý kiến về những việc trọng đại của đất nước. Ông mất ngày 28/11 năm Ất Dậu (tức là ngày 17/1/1586), thọ 95 tuổi. Các thế hệ học trò suy tôn ông là Tuyết Giang phu tử. Người dân Việt Nam biết ông là vị Trạng nguyên lỗi lạc, danh nhân văn hóa lớn của đất nước, là nhà nho yêu nước, nhà lý học đại tài được các học giả kính phục. Các nhà nho nổi tiếng của Việt Nam như Phan Huy Chú, Vũ Khâm Lân, Lê Quý Đôn cũng đã thừa nhận về tầm vóc của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà thơ lớn, để lại cho hậu thế trên 1.000 bài thơ, tiêu biểu như các tập thơ “Bạch Vân am thi tập” (chữ Hán), “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” (chữ Nôm). Tác phẩm của ông có giá trị nghệ thuật cao, bút pháp tinh thâm, đề cập đến tình yêu quê hương, đất nước, châm biếm đả kích bọn tham quan... Sử sách còn lưu truyền 300 câu sấm ký thông kim thấu cổ về tài tiên đoán hậu vận của Nguyễn Bỉnh Khiêm...
 
Rất đông sĩ tử lắng nghe lời thuyết minh của cán bộ Di tích. Ảnh: M.Đạo
Rất đông sĩ tử lắng nghe lời thuyết minh của cán bộ Di tích. Ảnh: M.Đạo
 
Cũng theo hướng dẫn viên, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm 9 hạng mục là: đền thờ xây dựng sau khi Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mất (khoảng năm 1586) với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước tượng trưng cho trời và đất. Còn tại đây là nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; phía sau đền là phần mộ cụ thân sinh (cụ Nguyễn Văn Ðịnh). Trong quần thể Di tích còn có tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía bên tay phải các bạn, bằng đá cao 5,7 m, nặng 8,5 tấn. Bên trái tượng đài là chùa Song Mai (nơi phu nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tu hành và có hai cây mai hai bên cửa). Tiếng chuông chùa ngân rung, lắng vào trời đất sự thanh tịnh, càng tạo nên không gian quần thể Di tích bình yên và sâu lắng... Đó còn là tháp bút Kình Thiên (cột chống trời), tổng diện tích là 845,5 m²; theo dân gian, công trình này được học trò của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng lên hơn 400 năm trước, nhằm thể hiện sự tôn kính, tấm lòng ca ngợi về một tài năng xuất chúng và nhân văn. Đó còn là hồ bán nguyệt rộng khoảng 1.000 m²; Nhà Tổ có tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Quán Trung Tân... Những công trình kiến trúc này vừa có tính lịch sử, văn hóa vừa mang đậm dấu ấn về sự độc đáo, cổ kính và giàu tính giáo dục. 
 
Không phải ngẫu nhiên mà Di tích Quốc gia Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có sức hút mạnh thập phương tứ chiếng. Ít nhiều du khách đều phần nào hiểu được một nhà nho ưu thời, mẫn thế, lấy chí trung là chí thiện. Một bậc nho sĩ tài hoa, ứng xử đặc biệt linh hoạt, ở ẩn trước khi làm quan: “Thánh 40 tuổi chẳng còn ngờ/ Ta tuổi 40 vẫn líu lô/ Ðảo lý nẻo xa đen như mực/ Văn chương nghề cũ xác như vờ”. Ở tuổi 45 mới đi thi, làm quan hàng đầu triều chính, chỉ 8 năm lại rũ áo về ở ẩn. Nhưng vẫn một lòng trung: “Xa vua đâu phải đã nguôi lòng”, vẫn “Phù trì xã tắc ngửa nghiêng/ Ruổi rong há chịu ngồi yên phận già”. Một đời thanh bạch và nhân văn, quan Trạng đến “Quá bảy mươi tư mới mừng được về nhà, thăm chốn xưa”. Song, ông đã đào tạo hàng trăm nhân tài cho đất nước Việt Nam. Vì vậy, khi xây dựng đền thờ ông, để tôn vinh, dân làng Trung Am đã trang trọng treo lên chính đền bức hoành phi “An nam Lý Học” (Về Lý Học, ở nước Nam có Trình Tuyền - tức Nguyễn Bỉnh Khiêm), cùng câu đối: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản/ Ðắc Quốc ưng tri tại đắc dân” (Xưa nay nước lấy dân làm gốc, được nước nên biết bởi được dân)...
 
Theo ông Lê Văn Kiều - Trưởng Ban quản lý Di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngoài dịp những ngày lễ hội, ngày thường cũng có hàng trăm lượt du khách ghé thăm nơi đây. Những ngày các cháu học sinh sắp thi cử thì hàng ngàn lượt người từ các tỉnh, thành đến chiêm bái dâng hương. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa là nơi để tri ân những công lao của một danh nhân văn hóa - giáo dục đối với lịch sử dân tộc, vừa là địa chỉ sinh hoạt về văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu được của cộng đồng người Việt.
 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây