trongdong
text logo

Khám phá không gian văn hóa vùng biển xứ Thanh (Bài 3): Sự “chuyển mình” của di sản văn hóa ở thành phố biển

Tác giả bài viết: Thu Trang

Thứ tư - 31/07/2019 23:27
TTPT.VN - Không sở hữu những cánh đồng phù sa màu mỡ, khoáng sản tự nhiên hay lợi thế về sản xuất, nhưng, mẹ thiên nhiên vốn rất công bằng khi ưu ái ban tặng cho Sầm Sơn vùng biển trù phú. Nơi đây, đâu chỉ có nguồn lợi hải sản để những thế hệ cư dân Sầm Sơn (Thanh Hoá) bám biển mưu sinh, mà còn có bãi biển tuyệt đẹp mà lịch sử phát triển du lịch đã được khẳng định qua cả trăm năm. Về Sầm Sơn, hòa mình trong nắng gió và nước biển xanh mát và đắm mình trong không gian văn hóa với những di sản. Đó chắc chắn là một Sầm Sơn “lưu hương thắm sắc”.

Với tư cách là một đơn vị hành chính, Sầm Sơn có lẽ là một thành phố trẻ nhiều biến động về mặt địa giới. Theo đó, trước thế kỷ XX, đây vẫn là vùng đất bên bờ biển thuộc huyện Quảng Xương. Sau nhiều lần phân tách rồi sáp nhập, đến nay, với 11 xã phường, Sầm Sơn đã và đang khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của một thành phố du lịch biển. Tuy nhiên, sự hiện hữu đậm đặc của những di sản văn hóa nơi đây đã chứng minh Sầm Sơn hoàn toàn không phải vùng đất mới.

Không phải ngẫu nhiên mà du lịch biển Sầm Sơn nổi tiếng và hấp dẫn du khách đến vậy. Thẳng thắn nhìn nhận, trong hơn 102 km đường bờ biển ở xứ Thanh, Sầm Sơn sở hữu đường bờ biển và bãi tắm đẹp nhất với bờ cát mịn, thoải rộng, sóng biển không quá dữ dội, vừa đủ khiến con người cảm thấy dễ chịu khi hòa mình vào làn nước mát. Ở mỗi giai đoạn, lịch sử đều có lý lẽ nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, để khi nhìn lại, ta mới hiểu sự vận động “hữu ý” của nó. Đời người hữu hạn, nhưng thời gian thì vô hạn. Với Sầm Sơn, nhìn lại quãng đường hơn 100 năm được biết đến như một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng do người Pháp khởi dựng các công trình. Phải chăng, hậu thế hôm nay cũng nên gửi lời cảm ơn chân thành đến thế hệ đi trước.

Cái nắng chói chang của ngày hè như thôi thúc con người tìm về nơi có nắng gió, nước biển mát lành. Vậy nên, Sầm Sơn đương nhiên sẽ là lựa chọn được ưu tiên của đông đảo du khách. Nhìn dòng người chen chúc nối dài trên con đường Hồ Xuân Hương để ra bãi tắm, nếu là người lần đầu về với nơi đây, chắc chắn không khỏi cảm thấy choáng ngợp. Nhu cầu du lịch đã kéo theo sự phát triển và quy tụ của hệ thống dày đặc công trình nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ phụ trợ, đáp ứng tối ưu nhu cầu du khách. Bên cạnh sự hiện đại, tráng lệ ấy là hệ thống di sản văn hóa truyền đời của lớp lớp thế hệ người dân Sầm Sơn: đền Độc Cước; đền Cô Tiên; đền Cá Lập; lễ hội Cầu Phúc; lễ hội Cầu Ngư - Bơi chải... Tất cả tạo nên một không gian văn hóa - du lịch vô cùng đặc sắc.

Đền Độc Cước án ngữ trên hòn Cổ Giải thuộc dãy Trường Lệ là địa điểm tâm linh quan trọng
trong đời sống người dân biển Sầm Sơn.

Khi trò chuyện với người dân Sầm Sơn, tôi bắt đầu từ tên gọi địa danh. Thì ra, Sầm Sơn vốn có khởi nguồn từ dãy núi Gầm mà ngày nay vẫn thường được gọi bằng cái tên rất thơ: núi Trường Lệ! Cùng sự dịch chuyển, thay đổi, phát triển của lớp vỏ ngôn ngữ, Gầm Sơn dần trở thành từ cổ và thay vào đó là Sầm Sơn.

Bàn tay nghệ thuật của tạo hóa dường như “hữu ý” khi cố tình để dãy núi Trường Lệ nối dài và ăn sâu ra tận bờ biển, tạo nên một danh thắng tuyệt đẹp, kỳ vĩ và yên bình. Sau những giờ phút náo nhiệt với sóng biển, bạn còn chần chừ gì khi không cho phép bản thân dạo bộ trên con đường thoai thoải thông reo xanh mát và tĩnh lặng của dãy núi Trường Lệ. Chỉ trong bán kính chưa đầy cây số song có một sự khác biệt rõ ràng về không gian. Không chỉ đẹp, dãy núi Trường Lệ còn ấp ôm trong mình cả những huyền thoại linh thiêng, hấp dẫn.

Câu chuyện thần Độc Cước dũng cảm, oai phong tự xẻ đôi thân mình. Một nửa ở ngoài khơi xa bảo vệ ngư dân Gầm Sơn đánh đuổi quái thú, cho những tầu thuyền vươn khơi bình yên và một nửa ở trong đất liền dạy cho người dân đoàn kết làm ăn, xây dựng cuộc sống, phát triển xóm làng vẫn được cư dân Sầm Sơn tự hào kể lại. Để khi bình yên, thần Độc Cước đã hóa thân về trời. Nhưng nhân dân tin rằng, thần Độc Cước vẫn dõi theo, phù trợ và bảo vệ họ khỏi những tai ương, hoạn nạn. Bởi vậy, đền thờ thần Độc Cước đã được khởi dựng trên hòn Cổ Giải (đầu Rùa) của núi Trường Lệ. Trải qua thời gian hàng trăm năm đi qua, ngôi đền vẫn vững chãi, uy nghiêm hướng mình ra biển cả, trở thành điểm tâm linh, tham quan vãn cảnh cho nhân dân và du khách xa gần.

Cũng trên núi Trường Lệ, có một điểm đến cũng vô cùng hấp dẫn: đền Cô Tiên. Từ trên đền nhìn xuống phía dưới là lớp lớp những con sóng nối nhau vào bờ. Kia là “Vụng Ngọc, Vụng Tiên”. Theo hướng chỉ tay của người bạn đồng hành, tôi nhìn về phía những “vụng” nước gần ghềnh đá: chuyện kể rằng, vào những đêm trăng sáng, các nàng tiên nhà trời thường bay về đây nghỉ ngơi, tắm mát. Tin điều đó, muốn được một lần chiêm ngưỡng dung nhan của tiên nữ, các chàng trai biển đã không ngại ngần âm thầm buông câu, thả lưới nơi “vũng câu” để chờ đợi... Và đền Cô Tiên còn gắn liền với câu chuyện cảm động của đôi vợ chồng nghèo xưa. Cuộc sống những tưởng ấm êm thì ngày kia, người vợ trẻ bỗng dưng mắc căn bệnh lạ vô phương cứu chữa. Một cụ già xuất hiện, chỉ cho người chồng cách lên núi hái vị thuốc nam, xuống “Vụng Tiên” lấy nước mát về sắc thuốc cho vợ. Sự thần kì xảy đến khi bệnh tình của người vợ trẻ đã dần bình phục. Trước khi rời đi, cụ già còn gửi tặng cho đôi vợ chồng trẻ tay nải che mưa và chiếc giỏ mây đựng thuốc. Từ đó, họ cùng làm nghề bốc thuốc cứu người. Đến một ngày, trên đường chữa bệnh trở về, gặp trời tối, hai vợ chồng lấy tay nải che sương gió rồi thiếp đi khi đêm xuống. Đến khi tỉnh dậy, bỗng thấy mình đang ở trong ngôi nhà gỗ khang trang. Về sau, người dân thấy họ dắc tay nhau lên đỉnh núi mà không trở về. Nhớ ơn giúp đỡ và tin vào sự thần kì, nhân dân địa phương đã giữ gìn nguyên vẹn ngôi nhà và đặt tên là đền Cô Tiên. Năm 1960, nhân dân Sầm Sơn đã vinh dự đón Bác Hồ về đây cùng kéo lưới với ngư dân, nghỉ chân ở di tích.

Lại có một câu chuyện về tình yêu trai gái gắn liền với di tích hòn Trống Mái trên núi Trường Lệ. Đôi vợ chồng trẻ khi sống đã yêu thương, nguyện vì nhau mà cố gắng. Đến khi chẳng may gặp tai ương, họ vẫn sắt son lời thề trở thành đôi hòn Trống - Mái ở mãi bên nhau.

Đến hôm nay, trên dãy núi Trường Lệ, vẫn nguyên vẹn hệ thống di tích thấm đẫm những câu chuyện, huyền tích hấp dẫn khiến hậu thế ngưỡng vọng. Sẽ là “ngốc ngếch” nếu cố gắng đi tìm sự đúng, sai của truyền thuyết. Vậy nhưng lại nghĩ, người dân Sầm Sơn từ xa xưa hẳn đã có một đời sống tinh thần vô cùng phong phú, trong đó tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng thủy chung luôn được coi trọng, đề cao. Điều đó chẳng phải đã được họ gửi gắm trong những huyền tích cảm xúc và đầy nhân văn.

Lễ hội truyền thống bánh Chưng - bánh Giầy ở Sầm Sơn hấp dẫn du khách muôn phương.

Ngoài những di tích thấm đẫm chuyện tình, cư dân Sầm Sơn còn biết ơn tiền nhân đi trước đã có công khai phá, gây dựng sự nghiệp, dạy nhân dân mưu sinh. Sống nơi đầu sóng ngọn gió, mưu sinh dựa vào biển cả là sinh kế bao đời của người dân vùng biển. Bởi vậy, người dân Sầm Sơn luôn nhớ ơn người đã dạy họ đan lưới, dệt nhiễu đánh bắt hải sản: Bà Triều! Câu chuyện về vị tổ nghề dệt săm súc (đan lưới) đến nay vẫn được nhắc nhớ: một ngày xa xưa, nơi làng chài ven biển xuất hiện bà lão nghèo khó đi ăn xin. Bà đến nhà một cô bé mồ côi, dù rất đói song cô bé sẵn sàng nhường toàn bộ khẩu phần ăn của mình cho bà lão tội nghiệp. Cảm động trước hành động của cô gái bé nhỏ, bà lão đã ở lại túp lều nhỏ, dạy cô đan lưới, kéo cá. Như lộc trời ban, lưới do hai bà cháu đan mỗi khi buông chài thường đánh bắt được vô số hải sản. Tiếng lành đồn xa, nhân dân trong vùng đã kéo đến túp lều nhỏ để cầu xin bà lão dạy nghề. Từ đấy, cuộc sống của nhân dân vạn chài ven biển Sầm Sơn dần trở nên no đủ, khấm khá. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong vùng, sản phẩm dệt lưới của người dân Sầm Sơn còn nức tiếng xa gần, trở thành mặt hàng trao đổi, buôn bán. Ngày kia, khi biển cả đang nổi sóng dữ, người dân bỗng thấy bà lão trút bỏ vẻ ngoài già nua, trở thành cô gái xinh đẹp và hòa mình vào sóng biển trùng khơi. Vì bà lão ra đi vào lúc nước triều lên nên nhân dân đã gọi tên là Bà Triều, tôn làm bà tổ nghề dệt săm súc. Đồng thời, lập đền thờ tưởng nhớ, tên Bà Triều cũng được đặt tên cho ngôi làng cổ Triều Dương. Ngày nay, di tích đền Bà Triều vẫn được lưu giữ trên địa bàn hai phường Quảng Cư và Trung Sơn. Hàng năm, vào dịp lễ hội của cư dân biển Sầm Sơn, bên cạnh những nghi lễ quan trọng không thể thiếu phần thi dệt lưới giữa các cô gái trong làng.

Còn đó, cả những di tích gắn liền với các vị danh tướng triều đình có công với nhân dân Sầm Sơn: Tây phương đại tướng quân (đền Cá Lập); Tô Hiến Thành... Ông Trần Ngọc Sang - Trưởng ban quản lý di tích đền Cá Lập (phường Quảng Tiến) tự hào: “Với đặc trưng nghề biển, người dân Sầm Sơn xưa kia vốn quần cư, cùng sáng tạo nên những giá trị trao truyền. Mỗi di tích với tuổi đời hàng trăm năm đều chứa đựng trong mình vô vàn giá trị văn hóa, là di sản vô giá, niềm tự hào của người dân Sầm Sơn hôm nay và cả mai sau”.

Và nói đến di sản văn hóa của Sầm Sơn, có thể nào bỏ qua hệ thống lễ hội diễn ra hàng năm gắn liền với các di tích. Nếu lễ hội Cầu Phúc (16/2 âm lịch) tại đền Độc Cước là ước vọng được vị thần Độc Cước phù trợ cho một năm mới bắt đầu với bao điều may mắn, an lành cho người dân vùng biển. Thì lễ hội bánh Chưng - bánh Giầy (12/5 âm lịch) thường được tổ chức sau mỗi mùa thu hoạch lúa. Người dân chọn thứ gạo nếp ngon nhất để đồ xôi, làm bánh dâng lên trời đất, thần linh và đấng tiền nhân tỏ lòng biết ơn vì đã giúp đỡ con người làm ra những hạt gạo cho đời. Và lễ hội Cầu Ngư - Bơi chải (14, 15/5 âm lịch) diễn ra ngay cảng Hới với hàng trăm tầu thuyền neo đậu lại là khát vọng cho mưa thuận gió hòa, thuyền bè vươn khơi no buồm, căng sóng trở về với cá bạc đầy khoang...

Những di tích, lễ hội truyền thống của cư dân Sầm Sơn không chỉ là di sản vô giá được truyền đời, nét đẹp văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn con người trong cuộc sống hối hả, bộn bề. Ngày nay, di sản còn được bảo tồn, gìn giữ, và phát triển như một sản phẩm văn hóa, góp phần phục vụ cho sự phát triển của du lịch Sầm Sơn. Tạo nên không gian văn hóa - du lịch hấp dẫn, đặc sắc của thành phố du lịch biển xứ Thanh...

Nguồn tin: vanhoadoisong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây