trongdong
text logo

Trăn trở bảo tồn không gian văn hóa bản Hà Nhì (Bài cuối): Giải pháp bảo tồn không gian văn hóa bản Hà Nhì

Tác giả bài viết: Tuấn Ngọc

Thứ hai - 16/09/2019 04:16
TTPT.VN - Trước nguy cơ không gian văn hóa bản Hà Nhì truyền thống bị phá vỡ, việc thực hiện các giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch đang được đặt ra cấp thiết.

Thực hiện thôn điểm để nhân rộng

Làm thế nào để bảo tồn nhà trình tường của người Hà Nhì nói riêng, không gian văn hóa bản làng Hà Nhì nói chung? Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý cho biết: Y Tý là 1 phân khu du lịch đặc biệt trong 4 phân khu của quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2016. Mới đây, trong chuyến lên thăm và làm việc tại Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh ý tưởng đưa Y Tý trở thành khu du lịch Sa Pa thứ hai của Lào Cai. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xã Y Tý xác định phát triển du lịch là mũi nhọn nâng cao thu nhập cho nhân dân. Để phát triển du lịch cộng đồng, trước hết phải giữ được cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc.

ha-nhi-1

Nhiều du khách đến khám phá lễ hội Khô Già Già ở thôn Choản Thèn, xã Y Tý.

Thời gian gần đây, công tác bảo tồn nhà trình tường của người Hà Nhì được xã quan tâm, trước hết tập trung làm điểm mô hình làng du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, sau đó triển khai đến thôn Lao Chải và nhân rộng ra các thôn, bản khác. Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch là chủ đầu tư triển khai Dự án “Bảo tồn thôn truyền thống dân tộc Hà Nhì tại thôn Choản Thèn” với kinh phí 2 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm (2019 - 2020). Mục tiêu của dự án là bảo tồn Choản Thèn thành thôn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc người Hà Nhì đen; góp phần bảo vệ, phát huy bền vững giá trị của các loại hình văn hóa truyền thống và tạo ra nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch cộng đồng đặc thù, thu hút du khách đến Bát Xát. Qua đó, tạo thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao biên giới...

Cũng tại thôn Choản Thèn, tháng 12/2018, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Lễ khởi động Dự án “Du lịch cộng đồng do phụ nữ Hà Nhì làm chủ”. Dự án do Chính phủ Australia tài trợ, với kinh phí 80.000 đô la Úc (khoảng 1,5 tỷ đồng), được thực hiện từ tháng 1/2019 đến tháng 9/2021. Quy mô dự án là thành lập Tổ dịch vụ du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xây dựng quy chế du lịch tại thôn; tập huấn và nâng cao nhận thức cho người dân; nâng cấp và cải tạo cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. 42 hộ hưởng lợi, trong đó 44 phụ nữ là người Hà Nhì được hưởng lợi trực tiếp.

Tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch, quản lý đất đai

Thực tế cho thấy, nguy cơ phá vỡ không gian văn hóa bản Hà Nhì đã và đang hiện hữu không chỉ ở Choản Thèn mà còn ở nhiều thôn, bản Hà Nhì khác trên vùng cao Bát Xát. Đó đều là những thôn, bản giàu bản sắc văn hóa, có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Vậy, trong khi thôn Choản Thèn có dự án bảo tồn, thì những thôn khác cũng cần các giải pháp để bảo vệ không gian văn hóa truyền thống trước khi quá muộn. Lý do vì ngày càng có nhiều nhà xây mới “bức tử” nhà đất truyền thống.

Tìm hiểu thêm ở xã Y Tý, chúng tôi được biết, giai đoạn trước, do một số thôn, bản của đồng bào Hà Nhì chưa được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, nên người dân xây dựng tự do theo ý thích, công tác quản lý, bảo tồn không gian văn hóa bản Hà Nhì chưa được quan tâm đúng mức. Cũng không thể phủ nhận việc cấp ủy đảng, chính quyền xã còn chưa làm hết trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý, để xảy ra tình trạng một số công trình xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp.

Bí thư Đảng ủy xã Y Tý Ngô Quốc Cường, cho biết thêm: Nhận rõ tình trạng này, từ năm 2018, Đảng ủy, UBND xã đã thắt chặt công tác quản lý đất đai, xây dựng các công trình trên địa bàn xã. Xã đã rà soát lại toàn bộ các công trình xây dựng trên địa bàn, một số công trình dù đang xây dựng dở dang nhưng vi phạm hoặc nằm trong khu vực quy hoạch cũng đã bị đình chỉ.

Là địa phương có số hộ dân tộc Hà Nhì sinh sống chỉ sau Y Tý, du lịch của xã Nậm Pung hiện chưa phát triển du lịch như xã này, nhưng khi tuyến đường kết nối khu vực Kin Chu Phìn với Tả Giàng Phình (Sa Pa) hoàn thành, bản Hà Nhì nơi đây có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ông Lý Giờ Mờ, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Pung cho biết: Trong thời gian qua, xã luôn quan tâm tới việc tuyên truyền để người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo tồn nhà trình tường, trồng lê Tai nung. Kin Chu Phìn đang trở thành vựa lê Tai nung lớn nhất huyện Bát Xát, mùa thu hoạch quả năm nay có rất nhiều đoàn khách vào đây trải nghiệm hái lê, ngắm cảnh.

Đối với xã Trịnh Tường, Lao Chải là bản Hà Nhì nằm trên tuyến đường nối xã Trịnh Tường với xã Y Tý sẽ hoàn thành trải nhựa vào cuối năm nay, chắc chắn sẽ là điểm dừng chân ngắm cảnh của du khách. Do đó, việc ngăn chặn nguy cơ phá vỡ không gian bản Hà Nhì ở đây cũng cần được quan tâm ngay từ bây giờ.

Phải bắt đầu từ chính người dân

Trong việc bảo tồn không gian văn hóa bản Hà Nhì trên vùng cao Bát Xát, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng, thì chính đồng bào Hà Nhì - chủ thể văn hóa - đóng vai trò vô cùng quan trọng. Anh Sần Hờ Lù, Trưởng thôn Choản Thèn, xã Y Tý cho biết: Choản Thèn đã được chọn làm thôn điểm để phát triển du lịch cộng đồng, nhiều hộ đã được tham gia các lớp tập huấn, tham quan thực tế ở Sa Pa, Lai Châu để nâng cao nhận thức trong bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới, xã và thôn đều có chủ trương không nuôi nhốt đại gia súc trong thôn, mà di chuyển ra ngoài thôn để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là việc khó, nhưng nếu người dân đồng thuận và quyết tâm thực hiện thì sẽ làm được.

ha-nhi-2

Phụ nữ Hà Nhì thôn Kin Chu Phìn, xã Nậm Pung vệ sinh đường làng.

Ly Xá Xuy - chàng thanh niên Hà Nhì đầu tiên mạnh dạn làm homestay ở xã Y Tý - tâm sự: Để bảo tồn không gian văn hóa của người Hà Nhì, trước hết phải bắt đầu từ chính những người dân trong cộng đồng. Người Hà Nhì từ xưa đến nay luôn có tính cộng đồng cao, khi cả thôn có sự bàn bạc, thống nhất thực hiện công việc gì thì các hộ đều cùng nhau thực hiện. Mình rất vui khi thấy một số hộ, trong đó có cả các trưởng thôn ở thôn Mò Phú Chải, Lao Chải, Choản Thèn cũng bắt đầu làm homestay để đón khách du lịch, qua đó vừa quảng bá vẻ đẹp đất và người Y Tý, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, làm gương cho các hộ khác học theo.

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho rằng, trên thực tế, có không ít bản làng dân tộc thiểu số thành công từ mô hình làng du lịch cộng đồng vì giữ gìn được cảnh quan thiên nhiên, không gian văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. “Đối với các thôn, bản Hà Nhì, muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững thì trước hết cần bảo tồn được không gian văn hóa và để làm được việc đó, cần có sự quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, ngành văn hóa, sự tham gia của doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất là cần có sự chung tay của chính cộng đồng Hà Nhì, chứ không phải ai khác”, ông Dương Tuấn Nghĩa khẳng định.

Nguồn tin: Báo Lào Cai điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây