trongdong
text logo

Tây Đằng “đệ nhất đình Đoài”

Tác giả bài viết: Ban Đình

Thứ ba - 13/08/2019 21:46
TTPT.VN - Đình Tây Đằng ở thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) là di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng đợt 4 theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09-12-2013. Công trình cổ kính này được tôn vinh là “đệ nhất đình Đoài” xét cả về niên đại, nghệ thuật kiến trúc và sức hút đối với du khách gần xa.
Đình Tây Đằng.

Ngôi đình cổ nhất Việt Nam

Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đình Tây Đằng cùng với đình Thanh Lũng và đình Thụy Phiêu (đều ở huyện Ba Vì) là ba ngôi đình cổ nhất Việt Nam, được xây dựng vào đầu thế kỷ XVI. Căn cứ vào bốn chữ Hán “Quý Mùi niên tạo” ghi trên một đầu cột của đình và ý kiến của Giáo sư Trần Quốc Vượng thì có thể nhận định: Năm Quý Mùi dựng đình là năm 1523.

Đình Tây Đằng nhìn hướng Nam và một phần hướng Tây, nằm trong khuôn viên rộng lớn. Qua cổng chính có hồ nước, rồi đến nghi môn xây dựng kiểu bốn cột đồng trụ; trên đỉnh hai cột thấp có hình hai nghê chầu với hàm ý kiểm soát tâm linh khách hành hương, trên đỉnh hai cột cao có hình chim phượng ở tư thế bay lên. Qua nghi môn đến một sân rộng, hai bên tả vu và hữu vu, rồi đến đại đình rộng 360m2.

Nguyên thủy, bộ khung gỗ của đại đình có liên kết ở phía dưới bằng hệ thống dầm sàn với 48 cột (cột cái chu vi 75cm, cột quân chu vi 50cm, cột hiên chu vi 28cm), làm theo lối “thượng thu hạ thách” (trên nhỏ dưới to), có dáng bông đòng đòng, kê trên chân tảng đá ong. Phía trên dầm có lát ván sàn nhưng hiện nay sàn đình không còn nữa. Đình có 3 gian chính, 2 gian chái, không thưng ván xung quanh để tạo ra không gian rộng, thoáng, sáng sủa. Kết cấu khung mái theo kiểu chồng rường, vì nóc theo kiểu giá chiêng với con rường trên mập, uốn vồng lên để dồn lực về đầu cột và tạo không gian cho ván lá đề ở trung tâm. Đỡ thượng lương là giá chiêng chồng rường kiểu “chồng nhị”. Câu đầu liên kết cột cái với cột cái; xà nách liên kết cột cái với cột quân. Trên xà nách là chồng rường tạo độ dốc cho mái. Hệ thống xà thượng, giằng đầu các cột cái, cột quân và cột con lại với nhau theo chiều dài của ngôi đình. Cột con đỡ thẳng vào bẩy, choãi chân thang ra ngoài.
 

 

 

Gian giữa đình bài trí sập thờ Đức Thánh: Có cửa võng, y môn, lọng che, hai giàn bát bửu và đôi hạc chầu, hương án và các đồ thờ tự. Phía sau là cung cấm, đặt 3 ngai thờ Thành hoàng (Đức Thánh Tản Viên đệ nhất phúc thần, Thánh Gióng và Thần Nông). Các gian bên để trống, thuận lợi cho sinh hoạt cộng đồng.

Đình Tây Đằng là di sản văn hóa kiến trúc đặc biệt về loại hình đình làng; được thừa nhận là “đệ nhất đình Đoài” bởi niên đại và kiến trúc gỗ với trình độ chế tác rất cao, trang trí cầu kỳ, dày đặc và rất hiếm thấy.

Một địa chỉ du lịch hàng đầu

Cái tên đình Tây Đằng luôn đứng hàng đầu trong các tài liệu nghiên cứu về loại hình kiến trúc đình Việt Nam. Một đình làng cổ, không chỉ làm chức năng của một trung tâm sinh hoạt văn hóa ở địa phương, nơi thể hiện tinh thần cấu kết bền chặt của cộng đồng làng xã, mà thực sự còn là một “bảo tàng” văn hóa, nghệ thuật dân gian đặc sắc. Điều ấy không phải ngôi đình nào cũng có được.

Kết cấu một bộ vì gỗ trong đình.

Sức hút của đình Tây Đằng nằm ở những mảng miếng kiến trúc độc đáo. Rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của các vùng miền trong nước hội tụ tại “bảo tàng” này. Du khách có thể chiêm ngưỡng họa tiết người nông dân cấy lúa để hiểu đặc trưng sản xuất của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, ngắm hình tượng thiếu nữ chơi đàn tính để cảm nhận một nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tày Nùng ở vùng cao phía Bắc, xem hình tượng voi chầu để cảm nhận sắc thái mạnh mẽ của Tây Nguyên hùng vĩ. Tại đây còn có rất nhiều hoa văn mô tả sống động các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, văn hóa, tinh thần ở vùng ven biển, của người Chăm, của cư dân Nam Bộ...

Trong đình có hơn 1.300 chi tiết chạm khắc gỗ khác nhau, không có sự trùng lặp, cũng không bố trí đối xứng như ở hầu hết những ngôi đình khác. Nhờ tài sắp đặt của các nghệ nhân nghề mộc nên các chi tiết kiến trúc đã đạt tới sự hài hòa cao độ ở tất cả các hạng mục bài trí. Chẳng hạn, các đầu đao đều uốn cong, gắn hình long, ly, quy, phượng bằng đất nung; các bẩy hiên đều chạm hình hoa lá, nổi bật với các mô típ hoa văn xoáy tròn...

Theo các nhà nghiên cứu thì nét độc đáo nhất ở đình Tây Đằng là các hình chạm khắc rồng mang phong cách thời Trần: Hàng trăm hình thái rồng ở dạng chạm khắc nổi, hoặc tạc thành tượng tròn, vừa giữ vai trò là các chi tiết xây dựng như đầu dư, con sơn ở các ván bưng, hay các bức cốn, vừa là các chi tiết trang trí đẹp mắt.

Đình Tây Đằng là điểm đến yêu thích của đông đảo du khách, của các nhà nghiên cứu, của những người say mê tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của xứ Đoài nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và thu hút thêm nhiều du khách, còn rất nhiều việc phải làm. Công tác bảo tồn không thể lặp lại những sai lầm của đợt trùng tu năm 2005 (thay cột gỗ mít và thông đỏ bằng gỗ lim, thay các chân tảng đá ong bằng đá xanh, bỏ dáng kiểu bông đòng đòng ở toàn bộ các cột...).

Cho đến nay, mới chỉ có rất ít nghiên cứu chuyên sâu về ngôi đình, công tác tuyên truyền quảng bá cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, còn rất nhiều giá trị văn hóa ẩn chứa trong công trình cần được nghiên cứu, tổng hợp để có đánh giá đầy đủ hơn. Gắn việc bảo tồn bài bản di tích với phát triển du lịch rõ ràng là vấn đề phải quan tâm để phát huy giá trị của di sản trong thời đại mới.

Nguồn tin: NSHN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây