trongdong
text logo

Di sản văn hóa - nền tảng xây dựng không gian văn hóa mới

Tác giả bài viết: Linh Tâm

Thứ tư - 21/08/2019 00:32
TTPT.VN - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, bên cạnh những thành quả mà Hà Nội đạt được ở nhiều lĩnh vực, phải kể đến việc hình thành các không gian văn hóa mới.
Phố sách Hà Nội - một trong những không gian văn hóa mới của Thủ đô. Ảnh: Trần Kháng

Sự ra đời và phát triển của các không gian này đã mang lại một diện mạo mới cho Hà Nội, góp phần quảng bá hình ảnh một Thủ đô trên đường hội nhập, phát triển nhưng vẫn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách bền vững. Đây chính là nền tảng để xây dựng mô hình Thành phố sáng tạo, hội nhập với thế giới.

Sáng tạo, phát triển không gian văn hóa mới trên nền những di sản

Hà Nội được nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế mệnh danh là Thành phố di sản văn hóa bởi có tới 5.922 di tích, trong đó có 1 Di sản văn hóa thế giới là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể trong đó có 3 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Khối “tài sản” mà các bậc tiền nhân để lại cho các thế hệ sau là minh chứng cho hàng nghìn năm lịch sử tồn tại và phát triển của Thủ đô Hà Nội, kể từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, để ngày nay Hà Nội trở thành một Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình với những đặc trưng văn hóa không thể trộn lẫn.

Có thể nói, các di tích, di sản văn hóa chính là nguồn lực để Hà Nội xây dựng các không gian văn hóa đặc trưng. Không thể không kể đến Hoàng thành Thăng Long với dấu ấn kiến trúc, văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm trải từ các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn... cho đến thời kỳ cận đại; là hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn với truyền thuyết Đức vua Lê Thái Tổ trả gươm cho rùa thần; là khu phố cổ 36 phố “Hàng” thấp thoáng bóng dáng kinh thành Thăng Long xưa... cho đến những dấu ấn kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc, Đông Dương còn trên các công trình, khu phố của Hà Nội hôm nay. Những dấu ấn lịch sử hàng nghìn năm ấy đã mang lại cho Hà Nội một bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt ở tầm vóc khu vực và thế giới.

Cuộc sống tiếp tục phủ lớp thời gian lên trên các di tích bằng chính hơi thở thời đại của mình. Trên nền các di sản ấy, những con người hôm nay đã tiếp tục sáng tạo nên các không gian văn hóa mới. Đấy là nơi người Hà Nội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của cha ông; là nơi để họ sáng tạo và “nói” lên tiếng nói của thời đại mình; nơi bạn bè quốc tế có thể hòa mình trong dòng chảy văn hóa Việt Nam từ hàng nghìn năm nay và hiểu rằng, Việt Nam là quốc gia giàu bản sắc văn hóa truyền thống, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện và dễ mến nhưng cũng đầy sáng tạo để hội nhập với thế giới...

Điểm nhấn đầy hấp dẫn, sinh động cho du lịch Thủ đô

Từ quần thể di tích hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn - Di tích quốc gia đặc biệt, cùng với các tuyến phố cổ, phố cũ và khu vực lân cận, thực hiện chủ trương của Thành ủy - UBND Thành phố, tháng 9-2016, quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện thí điểm thành công Không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Sự ra đời của không gian này là có thể xem như một cuộc trở lại đầy tươi mới, sống động mà vẫn kết nối chặt chẽ với quá khứ, góp phần hình thành những thói quen mới cho người dân Thủ đô và du khách đến Hà Nội.

Không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận thực sự là một không gian văn hóa mang hơi thở thời đại, tạo điểm nhấn đầy hấp dẫn, sinh động cho Du lịch Thủ đô; dần củng cố thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và xây dựng nếp sống mới cho người dân Hà Nội; tạo không gian vui chơi, giải trí cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước. Cùng với không gian cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm, không chỉ các di tích được bảo tồn, tôn tạo mà cả các di sản văn hóa phi vật thể cũng được phát huy giá trị, đến gần người dân và du khách hơn. Những buổi trình diễn nghệ thuật ca trù, diễn xướng chầu văn, xẩm, tuồng, chèo, nhạc cụ dân tộc... tại khu vực chợ Đồng Xuân, đền vua Lê (16 Lê Thái Tổ), Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ) hay các điểm diễn lưu động trên đường phố luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức. Đó cũng là dịp để thế hệ trẻ tìm hiểu, thêm yêu và cùng chung tay bảo tồn di sản của cha ông.

Kết nối chặt chẽ với Không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là tuyến phố ẩm thực Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giày - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ thuộc khu vực bảo tồn cấp I phố cổ Hà Nội. Với những món ăn truyền thống và hiện đại, ẩm thực đường phố Hà Nội đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước. Không ít trang web du lịch danh tiếng của thế giới như CNN, Trip Advisor, Telegraph... đã bình chọn Hà Nội là “thiên đường ẩm thực” của châu Á. Chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới Philip Kotler cho rằng Hà Nội nên là “bếp ăn” của thế giới và khuyên du khách không nên bỏ lỡ những trải nghiệm thú vị khi đến Hà Nội như: Học nấu ăn, tập đi chợ, xếp hàng ăn phở, uống cà phê vỉa hè... Điều đó đã giúp ẩm thực Hà Nội khẳng định vị thế của mình và ngày càng được nhiều người biết đến.

Sau thành công của mô hình Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, nhiều không gian văn hóa mới cũng được hình thành và nhân rộng như: Phố sách Hà Nội, Phố bích họa Phùng Hưng, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn... đã đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, hàng loạt các bảo tàng, di tích như: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học, Công viên Thống Nhất... cũng là những địa chỉ văn hóa thường xuyên diễn ra các hoạt động trưng bày triển lãm, trình diễn nghề thủ công, ẩm thực, tái hiện các phong tục tập quán, trò chơi dân gian trong các dịp Tết Nguyên đán, rằm Trung thu..., mang đến cho người dân, du khách và nhất là thế hệ trẻ những hình dung rõ nét nhất về những phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt.

Không đứng ngoài cuộc, các làng nghề truyền thống cũng tạo ra cho mình không gian văn hóa mới. Đó là Không gian gốm Bát Tràng - nơi trưng bày các sản phẩm truyền thống và những tác phẩm của những nghệ nhân tài hoa với 7 nhà trưng bày tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) với mô hình Vụn Art - nơi những người khuyết tật làm nên những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống từ những mảnh vụn của lụa Vạn Phúc; là Câu lạc bộ hát Trống quân của xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) - một địa chỉ văn hóa của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hay không gian văn hóa với hoạt động trình diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ với sự tham gia của những người nông dân xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai)...

Tất cả những không gian văn hóa ấy đã tạo nên những sắc màu đa dạng, cộng hưởng với nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản và tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc của Hà Nội, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Không những thế, các không gian văn hóa này còn là nguồn lực quan trọng, là nền tảng cơ bản để xây dựng Hà Nội trở thành một thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới trong tương lai không xa. Và đấy cũng là cách để di sản văn hóa phát triển bền vững...

Nguồn tin: NSHN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây