Huyền Nhím
Người ta cứ bảo, phải rất vất vả để nuôi một đứa trẻ và giúp nó không bị ảnh hưởng bởi những định kiến của người ngoài, phải giúp con mạnh mẽ trước sự tấn công như vũ bão từ xã hội phức tạp, nghiệt ngã. Còn tôi thì thấy vất vả hơn cả là “chiến đấu” với … bà ngoại trong việc ứng xử với con hàng ngày. “Chiến đấu” với bà, phải chăng là cuộc chiến với “bóng ma” được gắn mác truyền thống với hàng ngàn câu nói kiểu “ phụ nữ thì phải… con gái thì phải…”.
Sáng nay tôi đưa con đi học, hai mẹ con dừng lại mua xôi, con gái thấy bà bán xôi gấc ngày nào cũng đắt hàng, kiếm được nhiều tiền, bận một chút buổi sáng thôi nhưng sau đó rảnh cả ngày để làm những việc khác. Thế là nó muốn sau này cũng được bán xôi gấc như thế. Tôi thấy chẳng có vấn đề gì với ước muốn chính đáng ấy cả. Tôi khuyên con vậy thì phải tìm hiểu thêm về các loại gạo từ bây giờ, tìm được loại gạo ngon, hoặc là học giỏi môn sinh học rồi khám phá ra một loại gạo mới siêu mềm dẻo để nấu xôi cho đắt hàng. Tôi còn nói nó nên kết hợp nghiên cứu cả các loại đỗ, hạt, để sáng tạo nên nhiều loại xôi bổ dưỡng thì dễ bán hơn. Nó vui lắm. Tôi cũng vui. Bán xôi thì có làm sao?
Nhưng mà rất là sao. Tối đi làm về đến nhà, nhắc lại con chuyện xôi gấc thì nó nói: “Bà ngoại bảo sau này lớn lên làm bác sĩ, hoặc làm người mẫu, đi thi hoa hậu chứ không bán xôi mẹ ạ. Con bảo là bán bánh ga-tô và bánh mỳ bà cũng bảo không được.”
Thế là xong. Khỏi mơ với ước trở thành “trạng nguyên” của một cái nghề có tên “bán xôi”.
Có lần trước mặt con bé, bà ngoại vẫn vô tình ngồi thở than về chuyện của tôi - đứa con gái lỡ một lần đò, sống một mình nuôi con 4, 5 năm nay: “Phụ nữ có thế nào thì vẫn cần một tấm chồng, sống một mình mãi sao được. Có lấy ai bây giờ cũng phải rút kinh nghiệm mà thay đổi mình, đàn ông không thế này cũng sẽ thế khác, mình là phụ nữ phải biết nhẫn nhịn chứ cứ hơi tý bỏ đi như thế thì không được”. Tôi rất không thoải mái về việc này. Không phải vì sợ con bé nghe chuyện rồi tủi thân vì hoàn cảnh của bố mẹ nó, mà tôi lo lắng việc hàng ngày nghe những lời “căn dặn” kiểu này của bà với mẹ, nó sẽ nghĩ là thật và làm theo. Cái câu “phụ nữ phải biết nhẫn nhịn” sẽ ăn sâu vào tâm trí nó và thành thứ độc dược từ từ giết chết mầm non của tự do, hạnh phúc và tình yêu cho chính bản thân mình.
Trong một diễn biến khác nghiêm trọng hơn, bà ngoại rất hay có câu cửa miệng, mà có lẽ là câu cửa miệng của cả một thế hệ phụ nữ trước đó: “Phụ nữ thì khổ rồi, tránh làm sao được”. Cái từ KHỔ được gắn chặt vào như một đặc tính giống loài hàng trăm năm nay, phụ nữ thì có hai bầu ngực, phụ nữ không có yết hầu và phụ nữ thì KHỔ. Nghe nhiều sẽ thành quen, những đứa bé gái lớn lên và sau này nếu chẳng may gặp một người đàn ông không tốt, đối xử với nó chẳng ra sao, cuộc sống không hạnh phúc nó sẽ vẫn nghĩ là bình thường, KHỔ là chuyện bình thường và phụ nữ thì ai chả khổ.
Người ta cứ nói, sinh ra đứa con gái, nuôi nó lớn lên rồi lại đi làm dâu nhà người ta khổ lắm. Chẳng phải đến khi đi làm dâu phụ nữ mới khổ đâu, mà khổ ngay từ lúc tiếp nhận nền giáo dục của chính gia đình mình. Sinh ra được cha mẹ chăm bẵm, nâng như trứng mỏng, cái gì cũng được dùng đồ tốt nhất, xịn nhất. Con gái được bố đưa đi học hàng ngày, được mẹ chọn cho những bộ quần áo đẹp nhất. Bố mẹ nuôi con như nuôi một ngôi sao lấp lánh đang tỏa sáng. Nhưng đến khi con đi lấy chồng, cuộc sống không hạnh phúc thì chỉ biết nén lòng dặn con: “Phụ nữ ai cũng vậy cả, con phải biết chịu đựng, đàn ông thì ai cũng vậy cả thôi, không tật này thì tật khác”. Thấy con cắn răng nuốt nước mắt vào trong, sống như địa ngục hàng ngày, cũng vẫn khuyên con “phải chịu”. Chúng ta không được dạy để phát hiện và lên án những điều bất hợp lý, bất công trong cuộc sống. Chúng ta không được dạy để tôn trọng , yêu thương và lắng nghe mong muốn của chính bản thân mình.
Chúng ta được cha mẹ nuôi lớn như những ngôi sao nhưng không được tỏa sáng trên bầu trời, phải che giấu đi ánh sáng và khát vọng của mình.
Nghĩ cho cùng, lỗi không phải của bà ngoại, vì bà được cụ dạy thế. Cụ cũng không có lỗi, vì mẹ của cụ chắc chắn cũng đã nói những điều đó với con gái của mình. Không ai biết chuyện này bắt đầu từ đâu và việc tìm ra cũng không còn quan trọng. Thế hệ của chúng ta, thành thật để nói có lẽ cũng hơi muộn vì rất nhiều người phụ nữ 30, 40 mình biết vẫn đang ngụp lặn trong đau khổ vì những quan niệm và định kiến nghiệt ngã về hôn nhân gia đình. Nhưng chúng ta đều đã lờ mờ nhìn ra được sự “không ổn” trong hàng loạt các bài giảng đạo đức ấy và đã cố gắng vùng vẫy để thoát ra. Chúng ta mất nhiều thời gian, nước mắt và nỗi đau cho quá trình chuyển đổi này để dọn dẹp và chuẩn bị một con đường hoàn toàn mới cho thế hệ tiếp theo - những đứa con của chúng ta đang lớn lên.
Nói quanh co mãi, cuối cùng là muốn nói các mẹ có con gái cần hết sức tỉnh táo khi hướng dẫn con bước vào cuộc sống, hết sức cảnh giác với “bà ngoại” và truyền thuyết về chữ “KHỔ”.
Đối với con, một bà mẹ như tôi sẽ chẳng bao giờ áp đặt con sẽ phải sống thế này, phải nghĩ thế kia, mà tôi sẽ chỉ hỏi: Con muốn làm gì? Con thích gì? Con có vui/ hạnh phúc không? Mẹ giúp gì được con không?
Tôi sống cuộc đời của tôi, và cuộc đời của con, tôi sẽ để con quyết định.
Phụ nữ, thế hệ nào đi nữa, khác biệt gì đi nữa, cái họ cần, cũng vẫn là hạnh phúc.
Nhưng quan trọng hơn nữa, chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, thế kỷ của sự thúc đẩy và giải phóng phụ nữ. Nếu phụ nữ tự đánh mất quyền của mình từ trong những nhận thức có gốc rẽ văn hóa kia, thế thật khó có thể giải phóng mình và thu hút được nam giới vào phong trào giải phóng phụ nữ. |