trongdong
text logo

U Minh - bốn mùa tràm xanh nước đỏ


>Bài: Lê Nam Thắng
>Ảnh: Trương Vũ
Còn nhớ, hôm đó là buổi trưa chủ nhật một ngày hè trung tuần tháng 5/1973, bên căn hầm dã chiến nửa nổi nửa chìm dưới tán rừng già U Minh Thượng, 3 đứa chúng tôi đang ngồi học hát bài “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, qua sóng của Đài phát thanh Giải Phóng.
Khi ca từ đoạn mở đầu bài hát "Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm, đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây..." của cô ca sĩ nào đó vừa dứt thì từ phía đông bỗng đâu có một bầy trực thăng vũ trang ầm ầm bay tới. Chuyện hàng đàn máy bay thường bay trên đầu ở đây xem như ăn cơm bữa, bởi đang trong cao điểm địch tiến hành chiến dịch "Bình định nhổ cỏ U Minh" nên cả 3 đứa chẳng ai để ý, cứ mải lo học hát.
Nhưng lần này thì khác, trong khi trường đoạn "Trường Sơn Tây anh đi, thương em, thương em..." kế tiếp của bài hát cả 3 đứa chưa kịp hát theo, thì cả khu rừng Tràm quanh căn hầm chúng tôi như có sóng thần, một quả rócket nổ ngay trước cửa miệng hầm phạt đứt cả vạt Tràm khét lẹt, sợi dây ăng ten trời thu sóng Đài phát thanh Giải Phóng đứt lìa mấy đoạn, chiếc radio Hitachi  3 bank, thường ngày dùng thu tin đọc chậm im bặt. Thế là cả 3 đứa ấm ức đành bỏ lỡ buổi học hát, may mà còn giữ được phần nhạc và phần lời bài hát vừa chép được trước đó, bằng cuốn sổ học trò 100 trang.
Thế là từ tư thế "ca hát chuyển sang tư thế đánh giặc" chỉ trong một cái chớp mắt, chiến tranh là vậy, riết cũng thành quen. Mấy khẩu súng AK nãy giờ nằm yên, giờ có dịp dùng đến. Ba đứa mang súng ra, thay nhau canh giữ, mỗi đứa một cửa hầm đề phòng giặc đổ quân đánh úp. Quần đảo bắn phá chán, không đánh hơi được gì, bầy trực thăng cũng đành bay đi chuyển sang  bắn phá cánh rừng khác, độ chừng về phía An Biên Miệt Thứ.
Tối hôm đó anh em từ nơi sơ tán lục tục kéo nhau về, vớ được bài hát “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” chép tay quí hơn vàng! Chiếc Ghi ta thùng cũ nát có dịp đem ra thi thố, bên ánh đèn dầu dã chiến tuy không soi rõ mặt, nhưng người đánh đàn, ngừơi hát đều khí thế lắm, hát bằng cả trái tim mình ! Riêng đoạn ca từ  "Đường ra trận mùa này đẹp lắm...!"  có lẽ hợp nên được hát đi hát lại không biết đến lần thứ mấy? Nó như có một sức hút, sự cổ vũ động viên thấm sâu trong tâm tư tình cảm đối với những người kháng chiến ở rừng như chúng tôi. Chắc có lẽ cũng  từ đó và mãi đến sau này, trong đội hình  của người lính, trên  những nẻo đường ra trận mùa nào cũng đẹp!



Bây giờ diện mạo U Minh Thượng đã đổi thay, trở thành đơn vị hành chính cấp huyện. Tại cái nơi cửa ngõ  vào rừng  mà trước đây người dân gọi là Ngã Tư Công Sự, nơi thường diễn ra những trận đánh lớn bảo vệ U Minh Thượng trong  thời chiến tranh, bây giờ nổi lên một thị trấn ven rừng khang trang. Bao bọc chung quanh rừng là cả một vùng kinh tế hộ gia đình, với qui mô lên đến vài chục ngàn ha. Ở đó hội đủ những mô hình canh tác truyền thống như: nuôi cá đồng, nuôi các loài đặc sản heo rừng, nuôi lươn, nuôi rùa, rắn. Trồng một số loại cây ăn trái giá trị kinh tế cao như: dừa dứa, dừa sáp, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ...đem lại giá trị kinh tế cao cả trăm triệu đồng mỗi năm, trên 1 ha gieo trồng. Nơi những cánh rừng ngày xưa, bây giờ trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, khu phục dựng lại căn cứ kháng chiến...vừa phục vụ khách tham quan du lịch, cũng để nhắc nhở giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
Như tiếp thêm động lực, từ ngày có 2 cây cầu nối liền đôi bờ 2 con sông Cái Lớn, Cái Bé thì đường về U Minh Thượng dường như ngắn lại, đi qua ngõ nào cũng tiện. Nếu như xuôi kinh xáng Xẻo Rô đi qua vùng Miệt Thứ cuối đường ta sẽ bắt gặp dòng sông Trẹm, dòng sông không chỉ một thời của  thơ ca, mà còn lẫy lừng chiến tích trong những năm đánh giặc. Nó còn là ranh giới phân định giữa 2 vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ. Hay xuôi quốc lộ 61, sẽ được đắm mình giữa một bên là rừng tràm một bên đồng lúa,  ta sẽ dừng chân thăm di tích khu tập kết Chắc Băng, thăm địa danh xép Ba Tàu nơi từng diễn ra những trận đánh chìm tàu chiến giặc trên sông Cái Lớn. Thăm những vườn trồng khóm nổi tiếng xưa nay ở Ba Đình Nhà Ngang, thăm những cánh rừng  Hợp Tác Xã nuôi ong lấy mật ở An Minh Bắc, thăm lại Ngã Ba Cây Bàng, thăm Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Hòa Hưng Bắc...nơi có những người con anh hùng lực lượng vũ trang như Nguyễn Văn Tư, Lê Quang Tuân, Tạ Quang Tỷ.




Tuy đời sống kinh tế theo thời gian có nhiều đổi thay, nhưng tình người U Minh bao đời vẫn vậy họ bền gan với mảnh đất mà ông cha ta dày công khai phá và gìn giữ. Lich sử chứng minh từ thời khai hoang lập ấp, cho đến thời gian dài của 2 cuộc chiến  tranh vệ quốc, U Minh luôn là chỗ dựa, nơi đùm bọc, nuôi lớn phong trào kháng chiến. Không chỉ có con người của U Minh, mà còn có biết bao con người từ mọi miền Tổ Quốc từng một thời dựa vào U Minh để tồn tại và cũng từ U Minh mà làm nên nghiệp lớn !
Nên dù có đi đâu về đâu,  bao giờ cũng luôn đau đáu nhớ về một U Minh huyền thoại ! Mảnh đất cuối trời phương Nam, mảnh đất  đặc thù:  Nơi bốn mùa tràm xanh nước đỏ.
Các bài viết về chuyên đề:
   Lễ hội Hàn Sơn - Nét đẹp văn hóa tâm linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây