trongdong
text logo

PÁC BÓ NHỚ DẤU CHÂN NGƯỜI

Tác giả bài viết: Hà Thủy

Thứ sáu - 21/02/2025 02:20
Trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt khi đặt chân tới mảnh đất Cao Bằng, nơi “cội nguồn cách mạng”, ai nấy đều không khỏi xúc động, bồi hồi, trào dâng niềm thương kính Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, bậc thánh nhân kỳ tài nhưng rất đỗi giản dị, gần gũi với nhân dân. Từ hang đá Cốc Pó nhỏ hẹp, ẩm thấp tới “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” bên bờ suối hay nơi Bác ngồi câu cá sau giờ làm việc, tất cả như vẫn còn đây hơi ấm của Người.
Hành trình vẽ hình cho đất nước 
 
Trở về Tổ quốc, năm 1941, Bác Hồ đã chọn Pác Bó làm nơi hoạt động cách mạng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây có địa hình núi rừng hiểm trở, núi cao, suối sâu. Theo dòng chảy của lịch sử, khi đến đây Bác đã lãnh đạo và đưa ra những quyết sách cho con đường cách mạng của dân tộc.
 
Anh1
Bàn đá bên bờ suối, nơi Bác Hồ ngồi làm việc

Những địa danh gắn với hình ảnh Bác Hồ những năm Người về nước ở vùng đất Hà Quảng (Cao Bằng) vẫn còn nguyện vẹn. Khung cảnh nơi đây thơ mộng, bình yên khắc hoạ lại hình ảnh Việt Bắc trong kháng chiến.

Dòng suối Lê nin, nơi Bác Hồ ra câu cá khi ở Pác Bó có đặc điểm màu nước trong xanh chảy từ nơi đầu nguồn soi bóng ngọn núi Các Mác cao vời vợi. Con suối này có một đoạn chảy ngang qua đền thờ Hồ Chủ tịch ngày nay tạo nên không gian ấm áp, bao bọc. Theo lời kể của người bản địa, trừ tháng 7,8 ra dòng suối này đa phần giữ được màu xanh ngọc bích, mát rượi chứa đựng hàng ngàn câu chuyện lịch sử thiêng liêng. 
 
Anh2
Suối Lê Nin, núi Các Mác gắn liền với hình ảnh Bác Hồ ở Pác Bó

Đến với Pác Bó, mọi người không bao giờ bỏ qua được hai địa danh suối Lê nin và núi Các Mác. Đó chính là hai cái tên được Bác ưu ái đặt cho trong khoảng thời gian gắn bó và hoạt động cách mạng. Bên dòng suối ấy, những tảng đá bằng phẳng được Người chọn làm thành chiếc bàn đá để ghi chép tài liệu. Bên bàn đá mộc mạc, bên dòng suối Lê nin trong xanh, dưới núi Các Mác sừng sững, Bác đã dành thời gian dịch tiếp cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Nga” ra tiếng Việt để làm tài liệu huấn luyện đảng viên. Trải qua bao năm tháng, núi Các Mác vẫn sừng sững “nghiêng mình” soi bóng bên dòng suối Lênin hiền hòa. 

Cô giáo Đàm Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Đàm Quang Trung (Cao Bằng) chia sẻ: “Về Pác Bó, trong tiềm thức mỗi người vẫn luôn khắc ghi hình ảnh của cụ Hồ, nơi nhân dân thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với công lao mà Người vun đắp. Là giáo viên, tôi luôn giáo dục truyền thống lịch sử, niềm tự hào dân tộc cho các em”

Luôn tôn thờ hình ảnh của Bác

Ghé thăm địa danh Pác Bó dường như bóng hình của Bác vẫn còn đây. Người dân Pác Bó kể lại rằng, khi còn sống ông cha có cơ hội được Bác đến tuyên truyền hoạt động cách mạng với quần chúng. Điều khiến mọi người rất tò mò bởi lúc nào Bác cũng giấu mặt và chỉ đến gặp gỡ vào ban đêm. Khi đó, người dân trong bản chỉ gọi Bác với cái tên Ông Ké, mang hàm nghĩa thân mật theo tiếng địa phương là “cụ già”. Chỉ đến khi Bác đến thăm bản sau khi đất nước hoà bình thì mọi người mới có dịp biết rằng Ông Ké chính là Bác Hồ. Từ đó, người dân càng thêm nể phục Bác bởi tinh thần đấu tranh với câu chuyện giấu đi thân phận đầy bất ngờ. 
 
Anh3
Nơi thư giãn của Bác sau mỗi giờ làm việc

Năm 1969, Bác mất, nhân dân Pác Bó ai cũng đau xót. Họ còn tự dâng ảnh Bác đặt lên bàn thờ để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Hằng năm, cứ đến mỗi dịp Tết đến xuân về, đều đặn ngày mùng 1 người dân ở Pác Bó lại đến đền dâng lễ thắp hương cho Bác.

Bác đã là một phần ruột thịt của người dân, và cũng là một người con của núi rừng Pác Bó, hàng ngày mặc áo chàm, nói chuyện bằng tiếng Nùng, ăn rau rừng, măng đắng và ốc, cá bắt ở suối như những người dân địa phương. Không những thế để xoá nạn mù chữ, Bác đã dành thời gian để dạy chữ cho người dân, chăm lo cho con trẻ, ân cần thăm hỏi từng cụ già. 

Chia sẻ về việc bản Pác Bó hầu như hộ gia đình nào cũng đặt bàn thờ Bác cùng với thờ tổ tiên, chị Nông Thị Mới (Hà Quảng, Cao Bằng) bộc bạch: “Tư tưởng này của người dân rất đáng hoan nghênh. Chính vì coi Bác như người thân thương trong gia đình nên họ sẵn sàng thờ kính Bác. Đó là việc làm thể hiện truyền thống yêu nước và cần được lan tỏa”
 
Anh4
Ông Nông Văn Nàn thắp nén hương thờ Bác. Đây là một trong những gia đình ở Pác Bó nấu cơm cho Bác trong thời gian cách mạng

Đã hơn 80 năm trôi qua kể từ ngày Bác ghi dấu bước chân tại Pác Bó, hình ảnh và những câu chuyện về Bác sẽ vẫn được lưu truyền bằng cả sự trân trọng, tự hào, bởi với họ, Bác là động lực để phát triển và tiến bộ, là bức chân dung sống để người dân Pác Bó tin tưởng tuyệt đối và một lòng theo Cách mạng. 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây