Tác giả bài viết: Tin, ảnh: Hoàng Oanh
Trải qua 20 năm bảo tồn, phát huy di sản, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã trở thành biểu tượng du lịch không chỉ riêng của Quảng Bình mà của cả Việt Nam và đã vươn tầm thế giới; khơi nguồn cảm hứng bất tận về bảo vệ, phát huy di sản và khám phá những giá trị còn ẩn giấu của vùng đất Quảng Bình “địa linh, nhân kiệt".
Từ 30/6 -1/7, tại thành phố Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới (5/7/2003 - 5/7/2023).
Quang cảnh Hội nghị. |
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, UNESCO, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển tại Việt Nam; đại diện tỉnh Khăm Muộn (Lào) và các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận những kết quả đã đạt được, những hạn chế, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết: Với những giá trị vô giá của nhân loại, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã 2 lần được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đồng chí Trần Thắng nhấn mạnh, trải qua 20 năm bảo tồn, phát huy di sản, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã trở thành biểu tượng du lịch không chỉ riêng của Quảng Bình mà của cả Việt Nam và đã vươn tầm thế giới; khơi nguồn cảm hứng bất tận về bảo vệ, phát huy di sản và khám phá những giá trị còn ẩn giấu của vùng đất Quảng Bình “địa linh, nhân kiệt". Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ là di sản thiên nhiên quý hiếm cần được bảo vệ, gìn giữ, mà còn là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình mong muốn, tại Hội thảo này, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục giải mã những vấn đề, những giá trị còn tiểm ẩn của di sản thiên nhiên thế giới để tiếp tục có các giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững. Tỉnh Quảng Bình cam kết và khẳng định sẽ làm hết sức mình để bảo tồn và khai thác di sản một cách hợp lý, hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật và tuân thủ Công ước quốc tế; hợp tác chặt chẽ với Vườn quốc gia Hin Namno, tỉnh Khăm Muộn (Lào) để liên kết, hợp tác, phát triển quần thể danh thắng và du lịch độc đáo của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Hội thảo đã nghe các nhà khoa học, chuyên gia, diễn giả trình bày báo cáo về định hướng phát triển bền vững Di sản thế giới theo quan điểm của UNESCO; kết quả 20 năm khám phá hang động tại Quảng Bình của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh; khai thác du lịch di sản Phong Nha - Kẻ Bàng theo hướng phát triển bền vững; các tham luận kinh tế, kỹ thuật trong các lĩnh vực: Quản lý di sản văn hóa, địa chất, địa mạo, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và du lịch...
Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các di sản, các nguồn lực để bảo vệ Di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa; các Ban, Trung tâm quản lý Di sản thế giới, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp địa phương cùng tham gia đóng góp công sức, kinh phí, tâm huyết cũng như chia sẻ những lợi ích đem lại từ Di sản thế giới, tạo ra sự gắn kết xã hội bền vững. Cộng đồng địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động du lịch, dịch vụ tại Di sản thế giới.
Theo đồng chí Hoàng Đạo Cương, công tác bảo tồn, phát huy di sản Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Tác động của biến đổi khí hậu, tác động về áp lực phát triển và số lượng du khách ngày càng gia tăng..., đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết. Do đó, hội thảo quốc tế lần này sẽ là cơ hội tốt để góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý không chỉ của Việt Nam, mà còn của cộng đồng quốc tế cho công tác quản lý, bảo tồn Di sản Thế giới.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong cho biết, những ý tưởng gợi mở của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được lãnh đạo tỉnh tiếp thu, nghiên cứu, trên cơ sở đó lựa chọn để đưa vào chương trình, kế hoạch, đề án bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng gắn với thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong khuôn khổ hội thảo còn có trưng bày về các Di sản thế giới tại Việt Nam; thành tựu 20 năm bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; không gian văn hoá của cộng đồng dân tộc thiểu số tại Quảng Bình; các điểm du lịch nổi tiếng, ấn tượng tại Quảng Bình; các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP của tỉnh Quảng Bình./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn: