Tác giả bài viết: Phạm Văn Cương
Nhìn một cách tổng thể trong không gian chung của tỉnh Quảng Ngãi, đầm An Khê là “mắt xích” quan trọng cả về giá trị tự nhiên lẫn văn hoá lịch sử. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như hội nhập quốc tế, đầm An Khê cần được bảo tồn các giá trị theo “chiều sâu” và cần được kết nối trong không gian rộng.
Trái tim của quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh
Đầm An Khê ở thị xã Đức Phổ là đầm nước ngọt cạnh biển lớn nhất Việt Nam, đầm được hình thành cách đây khoảng 3.000 - 4.000 năm. Đầm An Khê được xem là trái tim của quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Việc bảo đảm tính toàn vẹn của đầm mang ý nghĩa lớn về văn hóa cũng như phát huy giá trị trong tương lai. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã thể hiện sự dứt khoát trong việc ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Quyết định này nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ cộng đồng dân cư sống gần khu vực đầm.
Những di tích này không phải là vô hạn, dễ bị tổn thương và không thể tái tạo được. Nên việc quy hoạch bảo vệ di sản cần gắn với bảo vệ môi trường và sự đồng thuận về lợi ích của cộng đồng cư dân địa phương, sự tham gia của các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Ngoài các di tích Văn hóa Sa Huỳnh, xung quanh đầm An Khê còn có dấu tích văn hóa Chăm Pa như: Bia Chăm (thôn Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh), đường lát đá cổ bằng qua Núi Bồ trong Vũng Bàng, hơn 10 giếng Chăm cổ xếp đá ong hình vuông, cùng phế tích đền miếu Chăm ở cửa biển Sa Huỳnh có niên đại từ thế kỷ I - II sau Công Nguyên... Sau thế kỷ IV, vùng này xuất hiện thêm yếu tố văn hóa Hán hay Nam Á và “yếu tố biển” của cư dân Đông Nam Á hải đảo.
Nơi đây, còn có dấu tích văn hóa Đại Việt như: Cầu đá, giếng nước kè đá miệng tròn, đáy vuông và đền tháp thờ Mẫu của người Việt, trên cơ sở kiến trúc đền tháp của người Chăm trước đó. Những tư liệu này cần được khai quật, nghiên cứu và làm rõ dấu tích các quốc gia cổ đại: Sa Huỳnh, Lâm Ấp, Chăm Pa trên đất Quảng Ngãi.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển du lịch bằng những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng và dựa vào cộng đồng dân cư địa phương để phát triển, trong đó nổi bật nhất là Văn hóa Sa Huỳnh. Các bằng chứng khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh đã cung cấp những thông tin quan trọng về diễn biến từ Tiền Sa Huỳnh sang Sa Huỳnh và nguồn gốc bản địa của nền văn hóa lâu đời này. Văn hóa Sa Huỳnh cần được công nhận về khoa học như là một chuỗi điển hình tiêu biểu trong văn hóa tiền sử Việt Nam, xứng đáng được vinh danh là di sản quốc gia đặc biệt.
“Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầm An Khê chính là cơ hội để đánh thức những giá trị di tích văn hóa tiềm năng của Văn hóa Sa Huỳnh. Từng bước đưa Sa Huỳnh trở thành một trong những điểm dừng chân hấp dẫn và thu hút khách du lịch cả trong lẫn ngoài nước”, ông Dũng cho biết.
Ông Trần Hoàng Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn hóa Sa Huỳnh luôn được lãnh đạo tỉnh ưu tiên hàng đầu. Những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của Văn hóa Sa Huỳnh, vai trò của đầm An Khê trong bảo tồn không gian văn hóa- sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ. Qua đó, tạo cơ sở dữ liệu khoa học và điều kiện cần thiết xây dựng hồ sơ quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Từ đó, đề xuất các giải pháp phát huy giá trị di sản Văn hóa Sa Huỳnh qua các yếu tố lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững trong không gian di sản Văn hóa Sa Huỳnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tiềm năng du lịch sinh thái đầm An Khê
Đầm An Khê đẹp như một bài thơ Đường miêu tả buổi hoàng hôn khi mà những chiếc thuyền câu buông lưới trong không gian tĩnh lặng, phía Tây ráng chiều, bóng núi soi xuống mặt đầm phẳng lặng, hiếm có nơi nào mà cảnh đẹp như vậy. Với vẻ đẹp nên thơ, Đầm An Khê là điểm đến du lịch lý tưởng trong tương lai.
Có thể tổ chức các hoạt động tham quan bằng du thuyền, tổ chức lễ hội, hoạt động thể thao dưới nước, gắn với tái hiện cảnh sinh hoạt cổ xưa của cư dân Sa Huỳnh, Chăm Pa. Tổ chức các hoạt động lễ hội bả trạo, sắc bùa, bài chòi xung quanh không gian Khu di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Ven theo bờ đầm An khê, tạo con đường đá sỏi cho du khách tản bộ, đi xe đạp ngắm cảnh xung quanh đầm, tiếp cận cuộc sống nông chài của người dân địa phương.
Những năm qua, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh luôn được bảo tồn, tôn tạo và phát huy, cùng với Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh tại Sa Huỳnh sẽ là điểm kết nối quan trọng của “Con đường Di sản Văn hóa Sa Huỳnh” ở miền Trung Việt Nam. Trong không gian Sa Huỳnh, đầm nước ngọt An Khê, đồng muối Sa Huỳnh, Biển Đông với các mỏm núi, vũng vịnh tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp nguyên sơ hiếm có, đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Sa Huỳnh sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan nghiên cứu, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng.
Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn