trongdong
text logo

Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới trên quê hương cách mạng

Tác giả bài viết: Thu Huyền

Thứ tư - 06/11/2024 08:01
Tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội là một trong những kênh tài chính ưu đãi giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giúp các địa phương trong huyện hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, nhằm tiến tới thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Sơn Dương trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang trước năm 2025.
z6001890036648 b15d3c0a5f8bef1886b3c176e2f74bf9
Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, ông Nguyễn Hữu Thanh (bên trái), thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang đã trồng dưa chuột cho thu nhập ổn định.
Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, cho biết, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, hơn 9.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn sản xuất, hơn 1.600 lao dộng được tạo thêm việc làm mới, hơn 5.600 hộ nông dân nông thôn được sử dụng nước sạch và các công trình hợp vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Nguồn vốn từ NHCSXH đã góp rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện giai đoạn 2022-2025: 3,32%/năm; góp phần giúp cho 18/30 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã nông thôn mới nâng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Các chương trình tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần giải quyết nhu cầu căn bản, thiết yếu của đời sống người dân khu vực nông thôn.
Năm 2020, sau khi tốt nghiệp đại học, trở về quê hương, anh Bùi Văn Hoàng, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương đã mạnh dạn vay 60 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH để khởi nghiệp. Anh Bùi Văn Hoàng cho biết, trước đây, cây cà gai leo từng được trồng rộng rãi tại nhiều thôn bản của xã Hợp Hòa. Tuy nhiên, do thị trường gặp nhiều khó khăn, bà con đã phá bỏ đi cây cà gai leo để chuyển sang cây trồng khác. Nhận thấy, đây là một dược liệu quý, anh Hoàng đã dùng số vốn vay từ NHCSXH cùng với vốn liếng của người thân, gia đình, mua cây giống, vận động nhân dân trồng lại cây cà gai leo, đồng thời, anh nghiên cứu, thực hành chế biến các sản phẩm trà từ cây cà gai leo.
z6001889998695 605f506d85ab0b56101915591a1af84a
Vốn chính sách đã giúp anh Bùi Văn Hoàng (bên trái), thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương có điều kiện để trồng và phát triển các sản phẩm từ cây cà gai leo
Anh Hoàng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa phát triển các sản phẩm như trà túi lọc cà gai leo. cao cà gai leo, trà khô gà gai leo... Không chỉ tạo việc làm cho bản thân, nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Bùi Văn Hoàng còn tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho 13 thành viên và hơn 40 hộ gia đình liên kết trồng cà gai leo trên địa bàn xã Hợp Hòa, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết, cuối tháng 7/2024, xã Hợp Hòa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, hàng trăm người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn từ NHCSXH để hoàn thiện về nơi ở, tạo việc làm, đảm bảo vệ sinh môi trường... với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt trên 75%; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 10,6%, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42,61 triệu đồng/năm...
Gia đình ông Nguyễn Hữu Thanh, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, thông qua Hội Nông dân xã, ông được bình xét cho vay 100 triệu đồng để cải tạo hơn 5 sào ruộng trồng dưa chuột. Ông Nguyễn Hữu Thanh, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương cho biết, trước đây, ngoài vụ trồng lúa, gia đình ông trông thêm ngô. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp thu hoạch xong chủ yếu phục vụ gia đình, buôn bán không được giá. Vay được vốn từ NHCSXH, ông Thanh mạnh dạn liên kết với các hợp tác xã thu mua dưa chuột trên địa bàn trồng mới 5 sào dưa chuột. Cây hợp đất nên cho năng suất cao. Có thu nhập ổn định, lợi nhuận từ trồng dưa, ông Thanh đầu tư cải tạo thêm ruộng vườn để chuẩn bị trồng ớt.
z6001889940855 79ae55da258a73d45c7a9d035bdfe869
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sơn Dương, Tuyên Quang thăm vườn dưa chuột của gia đình ông Nguyễn Hữu Thanh, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương
Theo bà Trần Thanh Hương, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, huyện Sơn Dương đang thực hiện 19 chương trình tín dụng, duy trì 517 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, tổ dân phố, với trên 20.300 lượt khách hàng vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 857 tỷ đồng; bố trí cán bộ phụ trách theo từng chương trình, địa bàn cụ thể, ưu tiên cán bộ có kinh nghiệm đảm nhận thực hiện các chương trình có vốn lớn, đối tượng thụ hưởng nhiều; phối hợp các phòng ban chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư, phát triển kinh tế, sử dụng vốn hiệu quả.
Để góp phần thực hiện mục tiêu đưa huyện Sơn Dương về đích nông thôn mới, bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương,Tuyên Quang cho biết, huyện tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động NHCSXH huyện trong thực hiện các cơ chế, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; chủ động tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đặc biệt là cho vay theo quyết định 22 đối với người chấp hành xong án phạt tù; tăng cường tham mưu cho NHCSXH cấp trên bổ sung thêm nguồn vốn trung ương để cho vay đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách
Bên cạnh đó, thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động trên địa bàn; tích cực huy động nguồn vốn, tiền gửi từ dân cư tại các điểm giao dịch xã, thị trấn, các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tuyên truyền cho hộ trả tiền đúng kỳ hạn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả góp phần phát triền kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.../. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây