Thực tế hiện nay, không gian công cộng, đặc biệt trong sinh hoạt, vui chơi giải trí dành cho người cao tuổi trong cộng đồng còn khá thiếu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng nhanh và tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số ngày càng cao, tuy nhiên người cao tuổi lại có rất ít sân chơi dành cho mình và phù hợp với độ tuổi, nhu cầu của mình.
Thường thì mỗi buổi sáng nếu ra công viên tập thể dục thì chúng ta bắt gặp rất nhiều người cao tuổi đi bộ, chạy, tập dưỡng sinh, chơi các môn thể thao ngoài trời. Tuy nhiên chỉ đến khung giờ hành chính, thì gần như lại rất vắng bóng người cao tuổi trên đường phố hay những không gian công cộng khác. Câu hỏi đặt ra là ngoài quay về với gia đình thì người cao tuổi đi đâu, làm gì, có chỗ nào để họ có thể tiêu dùng tới khoảng 8 giờ như người đi làm hay không?
Quan sát xung quanh có thể thấy những không gian công cộng để người cao tuổi có thể đến, tụ tập, tổ chức các hoạt động sinh hoạt, giải trí không có nhiều, chủ yếu vẫn chỉ là những nhà văn hóa, đình làng, chủ yếu vẫn chỉ là những hoạt động tự phát do một số nhóm người cao tuổi tự tổ chức và chưa có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức hay những người trẻ tuổi.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Cũng như các nhóm tuổi khác, người cao tuổi cũng có nhu cầu, thị hiếu và các mối quan tâm riêng. Xã hội hiện nay cũng chưa hình dung hết về một xã hội tương lai nhiều người già và cũng chưa có sự chuẩn bị hay sẵn sàng đón nhận một xã hội như vậy. Trong những năm tới đây khi người cao tuổi dần trở thành số đông trong xã hội, thì người cao tuổi phải trở thành trung tâm của các chính sách. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đều phải gắn với tiêu chí phát triển cho người cao tuổi. Hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ cũng phải coi trọng nhu cầu người cao tuổi, như nhóm khách hàng tiêu dùng cao. Không chỉ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà ngay cả các dịch vụ thời trang, làm đẹp… Các hoạt động vui chơi, giải trí, truyền thông cũng phải coi trọng đối tượng người cao tuổi để làm ra các sản phẩm của mình. Các thiết bị điện tử hay điện thoại di động, các phần mềm, ứng dụng hiện nay vẫn đang tập trung vào nhóm thanh niên, tuy nhiên một thời gian không xa nữa, mọi thứ sẽ thay đổi, khi người cao tuổi sẽ chỉ là nhóm “già về tuổi tác”, “già” nhưng không “yếu”, chưa kể đến họ sẽ khẳng định phong cách, lối sống tích cực theo các xu hướng, không thua kém người trẻ.
Không quá sớm để nói đến tương lai hay một xã hội người cao tuổi, thế nên sự chuẩn bị, định hình cho tư duy tương lai trong chính sách và chiến lược là đặc biệt cần thiết. Khoa học cũng đã chứng minh càng có nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích, đáp ứng nhu cầu giải trí, tinh thần của con người thì điều đó luôn tỷ lệ thuận với sức khỏe và trường thọ.
Hiện nay người cao tuổi có 3 không gian sinh hoạt, vui chơi, giải trí chính. Đó là không gian gia đình, không gian bạn bè, hội nhóm, nơi công cộng và không gian mạng. Người cao tuổi đang tự thiết kế những không gian cho mình theo những điều kiện đặc thù, nhu cầu, sở thích riêng. Tuy nhiên không gian của người cao tuổi không thể tách rời không gian của xã hội. Nói một cách khác, không gian sinh hoạt, vui chơi của người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào xã hội, vào thái độ, sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, cộng đồng và đặc biệt là những thế hệ trẻ tuổi. Không thể có một không gian tốt cho người cao tuổi nếu như ở gia đình họ thiếu sự quan tâm, thông hiểu, động viên, hỗ trợ tích cực của con cháu. Tương tự như vậy không phải chỉ là những không gian vật lý như nhà văn hóa, cộng đồng để người cao tuổi nhốt mình vào đó mà thiếu đi sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, địa phương, sự hỗ trợ và tham gia của thanh niên. Không gian mạng cũng vậy, đó không chỉ là nơi mà người cao tuổi viết tút, giao lưu, chia sẻ với nhau mà thiếu đi sự động viên, hỗ trợ của những người trẻ tuổi, những người bạn “vong niên” của họ.
Trong cái riêng có cái chung và trong cái chung phải tạo ra cái riêng, đó là tư duy thiết kế các không gian công cộng, vui chơi, giải trí cho người cao tuổi. Nhu cầu người cao tuổi khác người trẻ tuổi khi cần có những không gian yên tĩnh, sống chậm, đó không phải là quán Bar, vũ trường, nhạc sàn mạnh, cũng không phải là các hình thức du lịch khám phá, mạo hiểm, cũng không thể là những cuộc nhậu thâu đêm, suốt sáng... Cả về sức khỏe và tâm sinh lý, nhu cầu giải trí của người cao tuổi trong chừng mực có thể kiểm soát như đọc sách, nghe nhạc, xem phim, đi du lịch, trồng cây, nuôi cá, tập thể dục, thể thao, giao lưu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kể cả sự chiêm nghiệm về cuộc sống, thời cuộc, tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng…
Cần phải nghiên cứu, thiết kế không gian cho người cao tuổi phù hợp nhu cầu người cao tuổi và không được đơn điệu hóa các nhu cầu đó. Bởi vì sự khác biệt về nhu cầu giữa người cao tuổi và người trẻ tuổi chứ hoàn toàn không nằm trong vấn đề nhiều nhu cầu hay ít nhu cầu. Nói cách khác, nhu cầu người cao tuổi sẽ không ít hơn người trẻ tuổi, mà ở mỗi một nhu cầu, người cao tuổi và người trẻ tuổi sẽ có những đặc trưng riêng, cần được đáp ứng để đảm bảo cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần.
Đối với riêng sự sáng tạo thì người cao tuổi không hề thua kém người trẻ tuổi. Một nghiên cứu ở Mỹ với 400 sự sáng tạo thành tựu nổi tiếng nhất mọi thời đại thì tỷ lệ phân bố như sau: nhóm người dưới 40 tuổi có khoảng dưới 1%; nhóm người từ 40 -50 tuổi là 10%; nhóm người từ 60 – 70 là 35 %; nhóm người từ 70 – 80 là 23 % và nhóm người từ trên 80 tuổi là 8%[1]. Điều này là minh chứng cho tỷ lệ thuận giữa sáng tạo, ứng dụng, ý nghĩa thực tiễn của sáng tạo và tuổi tác trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật. Vì vậy trong quá trình thiết lập sân chơi cho người cao tuổi phải hướng tới sự sáng tạo. Thực tế cũng cho thấy trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cộng đồng thì người cao tuổi cũng không hề thua kém người trẻ tuổi trong sáng tạo, trình diễn. Ngày nay, người cao tuổi cũng không hề mất tự tin, trái lại họ luôn tỏ ra hào hứng và nghiêm túc trong các hoạt động tập luyện múa, hát và biểu diễn. Các buổi biểu diễn, có sự góp mặt của người cao tuổi luôn đem lại sự vui tươi, năng lượng và sức sống cho cộng đồng.
Nhịp sống, sự phát triển của xã hội hiện đại đã và đang đem lại thói quen năng động cho người cao tuổi. Khi còn trẻ, trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, những người cao tuổi của thế hệ hiện nay đã phải lao động, cống hiến, hi sinh rất nhiều trong đó có những nhu cầu, sở thích, năng khiếu và thậm chí là cái tôi của mình. Tâm lý những người cao tuổi hiện nay đều mong muốn khi nghỉ hưu, họ sẽ được an nhàn, có thời gian quay lại với những đam mê, sở thích, khai phóng tiềm năng mà thời trẻ họ không có nhiều thời gian và điều kiện dành cho nó. Nhiều lớp học dành cho người cao tuổi ra đời và đang trở thành dịch vụ ăn khách, khi có những học viên U60 vẫn đăng ký tham gia. Từ học đàn, học vẽ, học nhảy cho đến nhiều môn nghệ thuật hiện đại… Những lớp học, những câu lạc bộ cũng tạo nên các nhóm người cao tuổi xích lại gần nhau trong sự tương tác và đam mê các bộ môn nghệ thuật khác nhau. Hơn thế nữa, người cao tuổi luôn có nhu cầu được quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ, được tương tác thường xuyên với những người trẻ tuổi trong các lĩnh vực này.
Đứng từ phương diện người trẻ tuổi, cần quan tâm, ủng hộ các hoạt động của người cao tuổi, từ trong gia đình đến xã hội, tập trung hỗ trợ các sân chơi đa thế hệ, tạo nên sự thông hiểu và chia sẻ, tạo động lực thiết thực để người cao tuổi sống vui sống khỏe sống có ích và tham gia được nhiều hoạt động khác nhau trong cộng đồng. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển khi các dịch vụ xã hội ngày càng quan tâm và hướng về người cao tuổi, lấy người cao tuổi làm trung tâm. Ví dụ như nhiều nước có những khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí được thiết kế cho người cao tuổi. Trong cuốn sách Xã hội học, Richard.T.Schaefer mô tả ngày nay nhóm 100 + đang phát triển rất nhanh và mạnh ở Mỹ. Ông dẫn chứng Lenore một vũ công đến vũ trường Tonight show xin việc, bà bị từ chối vì quá trẻ, khi bước sang tuổi 101, bà mới được nhận vào làm ở đây. [2]
Trong những năm gần đây, chúng ta cũng quan tâm hơn đến người cao tuổi, đặc biệt là tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại cộng đồng hướng tới xây dựng những không gian riêng cho sinh hoạt người cao tuổi. Tuy nhiên các mô hình này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người cao tuổi trên diện rộng. Nhiều nơi các nội dung, hình thức tổ chức hoạt động cho người còn đơn điệu, nhàm chán.
Thực tế khi người cao tuổi ít không gian công cộng để tụ họp, sinh hoạt, vui chơi giải trí thì họ tập trung nhiều hơn câc hoạt động của mình trong không gian gia đình. Áp lực tâm lý lớn nhất của người cao tuổi là sự cô đơn. Và sự cô đơn vượt quá giới hạn cảm xúc là nguyên nhân có bản dẫn đến stress, trầm cảm. Không gian gia đình, quan hệ gia đình không thể thay thế cho không gian công cộng, quan hệ bạn bè, đồng trang, đồng lứa của người cao tuổi. Sống tron gia đình đa thế hệ, không phải người cao tuổi nào cũng có đủ tự do, làm việc mình thích và nhận được sự ủng hộ của con cháu. Trái lại sự phụ thuộc gia đình, nếp sống con cháu đôi khi làm người cao tuổi bị cuốn theo, buộc phải thích nghi, dẫn đến cản trở sự sáng tạo của người cao tuổi. Những người thân trong gia đình cần tăng cường sự thấu hiểu, tạo không gian riêng cho người cao tuổi trong gia đình, đồng thời khuyến khích người cao tuổi tham gia các không gian công cộng và hoạt động cộng đồng thường xuyên, để đảm bảo cho người cao tuổi không bị rơi vào cảm giác cô đơn, lạc lõng, là người thừa trong gia đình. Giúp ông bà, cha mẹ vượt qua nỗi cô đơn về tuổi tác là đang trở thành trách nhiệm quan trọng của thế hệ trẻ ngày nay.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Không chỉ vui khỏe, mà gần đây sự tham gia của người cao tuổi trong các hoạt động cộng đồng tại nơi cư trú ngày càng tăng lên khu được các cấp chính quyền, đoàn thể, đoàn, hội địa phương quan tâm, khuyến khích. Nhiều người cao tuổi, khi được đảm bảo các nhu cầu cơ bản, chính họ lại tạo ra năng lượng tích cực và tiếp tục đóng góp, cống hiến cho các hoạt động cộng đồng, xã hội. Vì vậy các địa phương cần có chính sách một mặt vừa đảm bảo quyền, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi. Mặt khác hiểu rõ khả năng, tiềm năng, điều kiện tham gia các hoạt động từ đó có cơ chế động viên, khuyến khích, bố trí công việc cho người cao tuổi tham gia, đóng góp cho các hoạt động chung.
Cùng với cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ thông tin và không gian mạng thì người cao tuổi cũng đang dần hội nhập, thích ứng công nghệ tạo ra các sân chơi lành mạnh, bổ ích trên mạng xã hội. Có lợi thế về thời gian, người cao tuổi dễ tìm thấy bạn bè, người thân để thiết lập các hội nhóm trên các nền tảng, tổ chức các hoạt động giải trí phong phú liên quan học thuật, thơ ca, âm nhạc…Không ngạc nhiên khi một người cao tuổi tham gia mạng xã hội lại có nhiều hoạt động check in, chia sẻ dòng trạng thái, hình ảnh trong ngày và những bình luận vui tươi, dí dỏm. Thậm chí để chứng minh mình là nhóm có thể thích ứng công nghệ, xu hướng, không ít người cao tuổi có bình luận mang dáng dấp ngôn ngữ tuổi teen (teen code). Sự tham gia của người cao tuổi trong thế giới mạng xã hội không chỉ tạo cho mạng xã hội thêm nhiều sắc thái, văn hóa đa thế hệ mà còn đem lại niềm vui, lợi ích cho người cao tuổi, giải tỏa tâm lý, áp lực cuộc sống, hướng tới sống lạc quan, yêu đời hơn. Vì vậy cần loại bỏ các định kiến khi người cao tuổi sử dụng công nghệ, tham gia mạng xã hội. Trái lại cần có những sự hỗ trợ, thu hút người cao tuổi tham gia các hoạt động trên mạng, từ đó học hỏi những kiến thức, kỹ năng, bài học kinh nghiệm từ cuộc sống người cao tuổi.
Từ những vấn đề đặc ra trong việc mở rộng các không gian sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho người cao tuổi, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, lồng ghép vấn đề này trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Cần huy động sáng kiến cộng đồng, sáng kiến người cao tuổi để có những mô hình đột phá, sáng tạo. Cần huy động sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội hóa các hoạt động đầu tư sân chơi cho người cao tuổi. Nếu tương lai ở mỗi tỉnh thành đều có một khu liệp thể dục thể thao, văn hóa, nghệ thuật vui chơi, giải trí dành riêng cho người cao tuổi thì điều đó thực sự đem lại nhiều lợi ích cho người cao tuổi và xã hội.
[1] Macionis. J (2023). Sociology, 18th edition, published by Pearson
[2] Schaefer. R.T (2005). Xã hội học, NXB Thống kê, Hà Nội