trongdong
text logo

VĂN HÓA NGƯỜI CAO TUỔI: NGƯỜI CAO TUỔI CAFÉ, CHÉM GIÓ

Tác giả bài viết: Hàn Vũ Linh

Thứ sáu - 14/03/2025 00:58
Người cao tuổi là nhóm nhân khẩu học xã hội đặc thù, có nhiều quỹ thời gian để “chi tiêu” hơn các nhóm tuổi khác do không vướng bận việc học hành, mưu sinh, hay đặt ra những kỳ vọng quá cao để bản thân phải phấn đấu, đạt được như những người trẻ tuổi. Nghỉ ngơi, quanh quẩn trong nhà nhiều sẽ không có lợi cho sức khỏe thể chất, tinh thần cuả người cao tuổi. Trái lại việc “tụ tập”, sinh hoạt các nhóm bạn đồng niên, nhóm bạn tương đồng nhu cầu, sở thích sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho người cao tuổi, trước hết là sức khỏe, niềm vui và sự lạc quan, yêu đời. Quán Café, quán giải khát không chỉ là một không gian “hẹn hò” riêng tư, điểm đến yêu thích của người cao tuổi, mà ở đó còn là những câu chuyện “chém gió” thú vị từ những chuyện gia đình cho tới chính trị, văn hóa, xã hội.  “Chém gió” của người cao tuổi không hoàn toàn là sự thể hiện hay khẳng định bản thân như những người trẻ tuổi, mà dường như đằng sau những câu chuyện tưởng mang mầu sắc “vô thưởng, vô phạt” ấy lại là cả kho tàng tri thức, kinh nghiệm, sự chiêm nghiệm cuộc đời cùng những minh triết về giá trị sống, giá trị nhân sinh là những bài học thực sự trân quý và có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Không có tài liệu nào đo, đếm hay thống kê đầy đủ số lượng quán café, quán giải khát trong một thành phố hay, khu đô thị, trung tâm ở Việt Nam. Phải thừa nhận là Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều quán bán nước giải khát do người dân mở ra kinh doanh, buôn bán nhiều nhất. Từ những quán nước ven đường, quán trà đá vỉa hè, quán café lưu động cho đến những hàng quán sang trọng, không gian 5 sao, đâu đâu cũng có café, có nước giải khát các loại phục vụ mọi nhu cầu, mọi lứa tuổi.  Trên thực tế, hàng quán ở Việt Nam không chỉ phục vụ, đáp ứng nhu cầu “khát nước” của người dân mà cao hơn vẫn là nhu cầu giao tiếp, “hẹn hò”, “tâm sự”, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Những người trẻ tuổi luôn đặc biệt yêu thích hàng quán nói chung và quán café nói riêng, coi đó là một không gian riêng tư để tụ tập,  bàn thảo những công việc, công chuyện làm ăn, các kế hoạch, dự định, các chương trình, dự án và cũng không thể thiếu những câu chuyện về tình bạn, tình yêu, gia đình hay những hoạt động sinh hoạt văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí. Khác với người trẻ tuổi, người già thì thì thường hẹn hò, giao lưu để “chém gió” (tán gẫu) cùng nhau tại các quán nước, quán bia hay quán café.  Dù là không gian, thời gian nào thì nhu cầu thăm hỏi, bày tỏ quan điểm, tán gẫu cùa người già vẫn có tần số nhiều và cao hơn so với người trẻ.

 
1
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Những câu chuyện của người già thường bắt đầu là những chuyện chính trị, thời sự, với tâm lý họ là nhóm “chưa già” vẫn luôn quan tâm, theo dõi thông tin đại chúng về những gì xảy ra xung quanh xã hội của mình. Điều này đặc biệt xảy ra trong nhóm các cụ ông. Nếu là những cụ từng làm trong các cơ quan nhà nước nghỉ hưu, thì những câu chuyện này luôn hào hứng, sôi nổi khi trong sự bàn luận các vấn đề luôn được mở rộng về chiều không gian, thời gian, có sự nêu quan điểm, bình luận, phân tích, so sánh, kết luận vấn đề. Bên cạnh đó, những câu chuyện thường gặp trong hoạt động tán gẫu của người cao tuổi là những thú vui cuộc sống cá nhân. Họ không chỉ kể với bạn bè những công việc mình thường làm, niềm đam mê mới cá nhân mà còn quan tâm đến những người khác. Hoạt động tán gẫn luôn có sự đổi vai từ người nói đến người nghe dù sự tham gia có thể từ 2 đến nhiều người.

Đối với các cụ bà, thì trung tâm của hoạt động tán gẫu lại là những câu chuyện gia đình, con cháu. Hầu hết người Việt Nam đều tự hào về gia đình, về công việc và sự thành công của con cháu trong sự nghiệp. Người phụ nữ khi về già cũng dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động hỗ trợ con cháu, theo dõi và nắm bắt thông tin của con cháu. Khi gặp bạn bè thì họ luôn hào hứng kể chuyện về con cháu, như những nhân vật chính đầy sinh động trong mỗi câu chuyện, không chỉ là sự kiện mà còn là suy nghĩ, thái độ ứng xử của con cháu hàng ngày. Bên cạnh những câu chuyện vui, thì cũng có những câu chuyện, người cao tuổi phàn nàn về con cháu, bày tỏ thái độ chưa hài lòng về quan điểm, cách sống, hay nếp sinh hoạt của con cháu, chia sẻ kinh nghiệm, tìm lời khuyên của những người cao tuổi khác. Những câu chuyện “chém gió” của người cao tuổi dường như không bao giờ hết, không bao giờ đủ, bởi nó luôn được tích tụ hàng ngày từ nguồn thông tin, giao tiếp trong gia đình và xã hội, trong khi không phải lúc nào những người cao tuổi cũng dễ dàng tổ chức cho mình những không gian tụ tập riêng tư để chia sẻ.

 
2
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tán gẫu là hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho người cao tuổi, chống lại tâm lý cô đơn, trầm cảm, đem lại niềm vui, sức khỏe cho những người tham gia. Đây cũng giống như hoạt động “tập thể dục” về tinh thần, trí não làm cho não bộ luôn phản xạ và thích ứng với thông tin thông qua quá trình tư duy về các sự kiện. Hầu hết người cao tuổi cho rằng “chém gió” là vui vẻ, là tích cực trong độ tuổi bị xem là “cổ lai hy”. Vì những khoảng cách thế hệ, người cao tuổi ít khi “chém gió” cùng người trẻ tuổi, mà trái lại họ ưa thích “chém gió” cùng những người bạn đồng niên hơn. Cũng vì vậy, hẹn hò chém gió của người cao tuổi là những buổi hẹn hò khá nghiêm túc, không chỉ là 1 cuộc điện thoại hay 1 tin nhắn đã có thể gặp nhau như những người trẻ. Người cao tuổi hẹn hò bạn bè ra hàng quán đều đặt lịch, báo trước để thu xếp công việc gia đình, tổ chức phương tiện đi lại, thời gian, điểm hẹn đều được tính toán, cân nhắc, bàn luận và thống nhất.  Gặp nhau là niềm vui, tay bắt mặt mừng, những lời thăm hỏi, động viên, chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc luôn là sự bắt đầu cho những câu chuyện tán gẫu hấp dẫn của các nhóm người cao tuổi.  

So với những người trẻ thì người cao tuổi ít có xung đột hơn trong các câu chuyện tán gẫu, bàn luận. Họ giải quyết các vấn đề xung đột trong các câu chuyện cũng khá nhẹ nhàng vì về bản chất những sự khác biệt chỉ được tạo ra từ quan điểm, góc nhìn không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hay nhu cầu, lợi ích người cao tuổi. Tinh thần “vui là chính” luôn thường trực trong suy nghĩ người cao tuổi khi giao tiếp với bạn bè. Nhiều người cao tuổi sau hoạt động tán gẫu còn hào hứng kể chuyện với con cháu hoặc người cao tuổi khác, nhân rộng, lan tỏa nội dung của các câu chuyện tán gẫu tưởng như vô thưởng vô phạt ấy. Cũng chính vì vậy đôi khi vì “lỡ miệng” mà những câu chuyện có tính “bí mật” của người cao tuổi cũng bị lan truyền nhanh hơn so với người trẻ tuổi, dù người cao tuổi là nhóm ít dùng các mạng xã hội để “tám” hay “buôn chuyện”.

 
3
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Dù ở chung với con cháu, hay ở riêng thì người cao tuổi sau khi nghỉ hưu vẫn phải đối mặt với một thời gian dài cô đơn và hụt hẫng khi hầu như không có cơ hội tham gia các hoạt động lao động, giao tiếp công sở, kể cả một số hoạt động xã hội, vui chơi giải trí khác. Họ phải sống theo hàng loạt quy tắc, chuẩn mực “nhóm tuổi” mà xã hội ngầm quy định. Làm bạn với việc nhà, nội trợ và ti vi hàng ngày là sự thu hẹp về thế giới giao tiếp, nên không ít người cao tuổi chọn mô hình tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ để tìm “bạn già”, chơi cùng “bạn già”. Nhờ sự tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ mà tần suất tụ tập “chém gió” của người cao tuổi lại tăng lên, các hoạt động càng phong phú và đa dạng hơn.

Nhiều câu lạc bộ người cao tuổi đã tạo ra lịch “offline” thường kỳ để các hội viên có không gian và cơ hội “chém gió” thoải mái nhất. Nhiều gia đình, con cháu hiện nay cũng có quan điểm thông thoáng, cởi mở hơn, hỗ trợ, tạo điều kiện tích cực để người cao tuổi tham gia hẹn hò với bạn bè. Tâm lý chiếm bố mẹ “làm của riêng” không còn nặng trong quan điểm người trẻ những thời kỳ trước mà trái lại ngày nay nhiều con cháu tham gia tích cực trong việc đặt lịch hẹn hò, đưa đón bố mẹ tham gia các hoạt động tụ tập với các nhóm bạn. Cũng nhiều con cháu hỗ trợ bố mẹ tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook. Dường như rất nhiều hoạt động khác nhau vẫn chưa đủ với nhu cầu tán gẫu của người cao tuổi nên người cao tuổi cũng tận dụng những hình thức khác hàng ngày để mở rộng hoạt động giao tiếp như đi tập thể dục, thăm hàng xóm, láng giềng, các hoạt động phường, xã, tổ dân phố, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao có tính tập thể tại cộng đồng…

Thực tế cho thấy sự tham gia của người cao tuổi được phát huy hay không dù là bất kỳ chính sách nào thì vẫn phải dựa trên nguyên lý mở rộng môi trường giao tiếp và tạo điều kiện, hỗ trợ các hoạt động tích cực cho người cao tuổi. Cần tiếp tục mở rộng các kênh thông tin 2 chiều đối với người cao tuổi, để khai thác, phát huy ý kiến bàn luận, tư vấn, phản biện của người cao tuổi với các chính sách và các vấn đề phát triển gia đình và xã hội. Bên cạnh đó cũng cần truyền thông, tiếp tục nâng cao nhận thức của gia đình trong hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

Nhu cầu tán gẫu là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống người cao tuổi mà không phải con cháu nào, gia đình nào cũng hiểu hết tâm tư, những điều người cao tuổi muốn chia sẻ. Cần tôn trọng quyền, sự giao tiếp riêng tư của người cao tuổi, tuy nhiên cũng cần chú ý sức khỏe của người cao tuổi. Hãy để những câu chuyện tán gẫu của người cao tuổi dừng lại ở những niềm vui, giá trị tích cực, gia vị không thể thiếu trong cuộc sống thay vì để người cao tuổi phải suy nghĩ quá nhiều từ những hoạt động “vui là chính này”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây