trongdong
text logo

Giáo dục Di sản: Chuyện còn để ngỏ? (Bài 2): “Đi tìm” di sản trong trường học

Tác giả bài viết: Thu Trang

Thứ tư - 16/10/2019 23:32
TTPT.VN - Được sinh ra từ lịch sử và di sản là một phần của lịch sử! Với xứ Thanh, chúng ta luôn tự hào về giá trị văn hóa - lịch sử của hệ thống di sản đồ sộ. Là những di sản thế giới Thành Nhà Hồ; di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; đền Bà Triệu; đền Lê Hoàn... Tuy nhiên, niềm tự hào vốn không chỉ là khẩu hiệu để hô hào. Một sự hiểu biết, thái độ trân trọng và hành động gìn giữ di sản mới thực cần thiết. Muốn hiểu phải được dạy, được học. Và giáo dục di sản, đặc biệt là giáo dục di sản trong trường học vô cùng quan trọng. Song, một chương trình hành động “giáo dục di sản” cụ thể thì dường như vẫn còn rất... mới lạ.

Vẫn chủ yếu là giáo dục truyền thống địa phương

Được xem là trường điểm của huyện Thọ Xuân, Trường THCS Lê Thánh Tông - ngôi trường mang tên vị vua anh minh lỗi lạc trong lịch sử phong kiến dân tộc nhiều năm liền luôn đạt thành tích nổi bật ở cả chất lượng dạy học văn hóa đại trà lẫn mũi nhọn. Song, khi trao đổi với thầy Nguyễn Minh Đức - Hiệu trưởng nhà trường về việc “giáo dục di sản” cho học sinh thì người đứng đầu trường thoáng chút bối rối. Không phải chuyện gì đó cần phải tránh né hay bất cập. Chỉ là, dường như đó là một khái niệm khá mới. Thẳng thắn chia sẻ, thầy hiệu trưởng cho biết: “Nếu nói là giáo dục truyền thống thì rất dễ hiểu, còn giáo dục di sản quả thực chưa được nhắc đến nhiều”.

Được biết, tại Trường THCS Lê Thánh Tông, các di sản thường được nhà trường và các thầy cô giáo lồng ghép vào những tiết học (giáo dục công dân, lịch sử...) theo từng nội dung chương trình học cụ thể. Bên cạnh đó, trong những dịp kỉ niệm, giờ học ngoại khóa hàng tuần, hàng tháng, câu chuyện về truyền thống lịch sử địa phương, danh nhân, di tích... cũng có thể được nhắc đến. Song việc dạy và học thế nào thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức, nhận thức của từng thầy cô giáo bộ môn bởi nó không phải là nội dung bắt buộc. Và đây cũng là cách làm truyền thống vẫn thường thấy ở hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Cùng với việc dạy văn hóa theo chuẩn khung chương trình của cả nước thì giáo dục di sản cũng vô cùng cần thiết.

Tương tự, tại Trường THCS Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), việc giáo dục di sản cho học sinh trong nhà trường cũng chủ yếu mới dừng lại ở việc tự hào truyền thống lịch sử địa phương. Theo đó, di tích cách mạng Cồn Ba Cây nằm trên địa bàn xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) là nơi ghi dấu phong trào đấu tranh giành chính quyền năm 1945. Ngày 24/7/1945, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, các chiến sĩ, dân quân tư vệ và người dân trong huyện đã vùng lên bắt sống tri phủ và bảo an binh, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Đây là thắng lợi đầu tiên mở màn cho cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển rộng khắp. Ngày nay, di tích Cồn Ba Cây được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ cho thầy và trò nhà trường chăm sóc, quét dọn vệ sinh. Ngoài những dịp kỉ niệm thì trong năm, thầy và trò nhà trường phân công nhiệm cho từng lớp học trong việc chăm sóc di tích. Bên cạnh, ở những giờ học ngoại khóa, truyền thống lịch sử địa phương cũng như giá trị di tích cũng là chủ đề được thầy và trò trao đổi, thảo luận. Câu chuyện về việc giáo dục di sản gần như chỉ mới dừng lại ở những hoạt động kể trên.

Trường THCS Hàm Rồng nằm trên địa bàn phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Nơi đây có văn hóa Đông Sơn phát triển rưc rỡ; ngôi làng cổ Đông Sơn từng được đánh giá là một trong những làng cổ đẹp nhất cả nước. Cùng với đó còn có núi Hàm Rồng, đồi Quyết Thắng, cầu Hàm Rồng... gắn liền với hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Bởi vậy, với thầy và trò nhà trường thì câu chuyện về việc giáo dục di sản cho học sinh trong trường dường như có nhiều chuyện để nói hơn.

Cùng với việc lồng ghép nội dung trên lớp, các em học sinh trường THCS Hàm Rồng có thể đươc trải nghiệm thực tế, chung tay góp phần chăm sóc, bảo vệ các tích của địa phương nhiều hơn. Bằng những giờ học ngoại hóa hay hoạt động “về nguồn”. Để từ đó hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của di sản cha ông. Tuy nhiên, việc trải nghiệm thực tế di sản với thầy và trò nhà trường cũng chỉ chủ yếu dừng lại ở những di sản ngay tại địa phương. Câu hỏi đặt ra, với những địa phương phông hiện hữu di sản thì việc giáo dục - trải nghiệm di sản của học sinh sẽ được thực hiện thế nào?

Chưa được nhìn nhận đúng mức?

Ba trường học ở ba địa phương với những đặc thù về vị trí địa lý, truyền thống lịch sử khác nhau. Nhưng điểm chung dễ nhận thấy trong câu chuyện giáo dục di sản cho học sinh khi được đặt ra đó là những cách làm còn cục bộ địa phương, chung chung và khó đánh giá hiệu quả thực tế. Cùng với đó, việc giáo dục di sản hiện nay đang chủ yếu dừng lại ở  niềm tự hào truyền thống lịch sử - di tích địa phương. Còn việc giáo dục di sản một cách toàn diện, có hệ thống thì rõ ràng chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức.

Thực tế, ở hầu hết các trường học, việc giáo dục di sản chưa được coi là hoạt động thường xuyên và lên kế hoạch rõ ràng. Phần nhiều, vẫn đang dừng lại ở những giờ học lồng ghép về mặt lý thuyết. Còn trải nghiệm di sản - giáo dục di sản đúng nghĩa thì vẫn là câu chuyện... rất mới và rất khó thực hiện.

Để giáo dục di sản đạt hiệu quả thì rất cần đến việc được trải nghiệm thực tế.

Thanh Hóa không chỉ có một Thành Nhà Hồ hay một Lam Kinh. Và niềm tự hào di sản cũng không chỉ dành cho người dân địa phương ở những nơi hiện hữu di tích. Hệ thống di sản ở xứ Thanh là sự kết nối theo dòng lịch sử. Nếu không hiểu về Thành Nhà Hồ, liệu ta có thể nào biết đươc những nỗ lực, quyết tâm của Hồ Quý Ly trong công cuộc cải cách đất nước. Cùng với đó còn còn là sáng tạo và kì tích của người xưa trong công cuộc xây thành, để lại cho hậu thế hôm nay nguyên vẹn niềm ngưỡng vọng.

Hay như khi nhắc đến Lam Kinh với giá trị là kinh đô tâm linh của nhà Hậu Lê. Ở đó, bảo vật quốc gia nhà bia Vĩnh Lăng, quần thể lăng mộ của các vua và hậu thời Lê, rồi chuyện cây ổi cười, cây đa thị, cây lim hiến thân...tất cả tạo nên sự linh thiêng cho di tích. Nhưng đã có bao nhiêu em học sinh được tận mắ chiêm ngưỡng hiện vật? Rồi chúng ta nói trống đồng Đông Sơn là đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn, cùng với đó là làng cổ Đông Sơn. Nhưng nếu, không đươc ghé thăm ngôi làng cổ bên dòng sông Mã, tận mắt ngắm nhìn từng mái ngói rêu phong, ngõ nhỏ mang tên “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng”, những ngôi nhà gỗ cổ trường tồn cùng thời gian mấy ai hiểu hết được giá trị mà người xưa đã đề cao và xây đắp. Nếu không hiểu mà chỉ là nghe nhắc đến thì liệu, niềm tự hào di sản của thế hệ trẻ sẽ đi về đâu?

Để giáo dục di sản đạt kết quả, không thể chỉ dừng lại ở ý thức của thầy cô bộ môn đứng lớp hay những những giờ học ngoại khóa nói chung. Đó dứt khoát phải là sự trải nghiệm thực tế tham quan di sản, từ đó khơi dậy niềm tự hào và biết ơn. Vậy nhưng, đây dường như lại là điều chưa được nhìn nhận đúng mức. Dù khi được đề cập, bản thân lãnh đạo các nhà trường đều cho rằng khi được “mắt thấy tai nghe tay sờ” trực tiếp di sản thì việc giáo dục sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất. Tuy vậy, việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm di sản thực tế lại không dễ thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, muốn giáo dục di sản đúng nghĩa đạt hiệu quả thì rõ ràng, chỉ ý thức của các nhà trường thôi thì sẽ là chưa đủ. Bà Lê Thị Nguyệt - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT Hoằng Hóa: Đến thời điểm hiện tại, chưa có văn bản cụ thể chỉ đạo, hướng dẫn việc về việc giáo dục di sản. Vì vậy, ngoài tinh thần chỉ đạo chung, rất khó để yêu cầu các nhà trường phải thực hiện việc giáo dục di sản cho học sinh như một hoạt động bắt buộc...

Rõ ràng, câu chuyện giáo dục di sản trong trường học vẫn đang được nhìn nhận khá mơ hồ. Và làm thế nào để các em học sinh được tiếp cận và hiểu rõ về giá trị của hàng nghìn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cha ông một cách chính thống. Đó phải là những giờ học được kì vọng sẽ mang lại hứng thú, thực sự bổ ích, bằng những trải nghiệm cụ thể với di sản. Có rất nhiều vấn đề đang được đặt ra.\

Nguồn tin: vanhoadoisong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây