Tác giả bài viết: Chi Mai (tổng hợp)
Bắc Giang đang vào mùa thu hoạch vụ vải thiều sớm U hồng (30/5- 25/6) với nhiều thông tin rất vui. Đến ngày 5/6, đã có hơn 18.000 tấn vải chín sớm được tiêu thụ với giá ổn định cao hơn năm trước. Trong đó, thủ phủ vải thiều sớm huyện Tân Yên đóng góp khoảng 13.000 tấn (xấp xỉ 80% sản lượng vải sớm), huyện Lục Ngạn đóng góp 4.700 tấn. Kể cả chính vụ (10/6 – 30/7) Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 96.000 tấn vải quả tươi, tăng 15,2% so với niên vụ 2022. Và vào ngày 29/5, đã có hơn 50% sản lượng vải được các thương nhân, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Đây là kết quả của một quá trình tỉnh Bắc Giang đã kiên nhẫn phát triển một giống cây ăn quả mới trở thành ngành hàng chủ lực theo định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững.
Có thể nói, khi nhãn “Vải thiều Lục Ngạn” trở thành mặt hàng nông sản đầu tiên của Việt Nam được Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào ngày 12/3/2021, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và người dân trên địa bàn càng quyết tâm hơn nữa để phát triển mặt hàng này với nhận thức rằng, chất lượng quả vải là yếu tố “ cốt lõi”, “sống còn” của ngành hàng. Nhận thức đó gắn kết và thúc đẩy người dân - doanh nghiệp - cơ quan quản lý về khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật, sở hữu trí tuệ, thương nghiệp, ngoại giao và cả chính phủ làm tốt nhất trách nhiệm của mình để cây vải được trồng theo các tiêu chí an toàn của Việt Nam, thế giới; để quả vải được xử lý đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của từng thị trường và được kết nối nhanh nhất tới thị trường trong nước và quốc tế.
Chính vì thế, ngay trong thời điểm đại dịch covid -19 gây cản trở không nhỏ đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh từ trong nước tới quốc tế, cây vải của Bắc Giang vẫn được người dân chăm sóc đúng qui định; sản lượng quả vải tươi vẫn được duy trì. Năm 2020 Bắc Giang có mùa vải thiều tốt nhất với sản lượng trên 160.000 tấn (trên tổng diện tích 28.000 ha). Đặc biệt năm 2022, với tổng sản lượng trên 199.500 tấn trên diện tích 28.300 ha, là năm quả vải thiều được đánh giá đạt chất lượng cao nhất so với trước đó. Thành quả này gắn liền với các yếu tố thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều giúp vải thiều sinh trưởng cộng với những hoạt động kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng, đã giúp cho quả vải giữ được uy tín trên thị trường trong nước, đặc biệt tại các thị trường có yêu cầu đặc biệt cao về chất lượng quả vải như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...Vụ vải thiều năm nay Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 96.000 tấn, tăng 15,2% so với niên vụ năm trước.
Đây là năm thứ hai Bắc Giang triển khai sản xuất, kinh doanh ngành hàng này theo Kế hoạch chiến lược phát triển nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới theo hướng hiện đại có năng suât, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Trung du – miền núi phía Bắc; phát triển nông thông gắn với xây dựng nông thôn mới theo hưỡng nông nghiệp sinh thái hiệu quả cao, nông thôn hiện đại văn minh. Trong đó, vải thiều là ngành hàng nông nghiệp chủ lực số một.
Theo đó, ngay sau vụ mùa thành công 2022, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm những tồn tại, sớm xây dựng kế hoạch sản xuất mùa vụ năm 2023. Sở đã phối hợp với các huyện vùng trồng vải tập trung đào tạo, tập huấn năng lực về công tác quản lý sản xuất, quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các qui định của thị trường xuất khẩu; danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và thuốc cấm sử dụng, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm vệ sinh thực phẩm; các biện pháp phòng chống sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả. Đồng thời hỗ trợ nông dân mua thuốc trừ sâu sinh học, phân bón vi sinh, xây kho bảo quản, chứa, nâng cấp nơi cất giữ, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật, nơi chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực sau khi sử dụng; hỗ trợ kinh phí tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; chứng nhận vải sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP, hữu cơ; làm tốt công tác quản lý, số hóa mã số vùng trồng đã có và cấp mới cho cơ sở đáp ứng các tiêu chí này.
Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều tỉnh Bắc Giang tại các nước là thị trường tiềm năng khó tính; chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương trồng vải, các tổ chức, đơn vị trong ngoài nước nghiên cứu mô hình, dây chuyền chế biến, bảo quản sau thu hoạch phục vụ chế biến sâu; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến và tham mưu chính sách hỗ trợ phục vụ xuất khẩu vải thiều đến các thị trường xa, tiềm năng để nâng cao giá trị kinh tế của quả vải thiều.
Nhờ thế năm nay Bắc Giang đã nâng diện tích sản xuất vải thiều lên 29.700 ha (tăng 1.600 ha so với năm 2022), sản lượng ước tính từ 180.000 - 200.000 tấn; trong đó có 15.682 ha vải sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với sản lượng khoảng 125.000 tấn; 102 ha vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với sản lượng trên 1.000 tấn. Huyện Lục Ngạn vẫn là thủ phủ vải thiều của tỉnh Bắc Giang và cả nước với diện tích năm nay khoảng 17.357 ha; sản lượng 98.000 tấn, trong đó vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 73.000 tấn. Bắc Giang hiện duy trì 178 mã số vùng trồng đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu; đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã vùng trồng, nâng tổng số lên 223 mã vùng trồng vải, với diện tích 17.724 ha. Sản lượng ước đạt 115.000 tấn phục vụ cho xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Australia, Trung Quốc, Thái Lan… Hỗ trợ cho quá trình này, Bắc Giang có 300 cơ sở đóng gói vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu.
Nguồn tin: suckhoemoitruong.com.vn: