Tác giả bài viết: Ánh Dương (t/h)
Tiếp cận với thị trường xuất khẩu từ năm 2016, đến nay Hợp tác xã (HTX) Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã trở thành đơn vị có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng hoa quả tươi. Được biết, để xuất khẩu được sang thị trường EU, quả thanh long buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, về kiểm dịch thực vật, có mẫu mã đẹp, trọng lượng từ 350 gram/quả trở lên.
Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Ngọc Hoàng cho biết, đối với quả thanh long để đảm bảo xuất khẩu rất cầu kỳ phải qua các bước, khi thu hái về phải cẩn thận để quả thanh long không bị dập, sau đó qua rửa lần 1, rửa kiểm soát lần 2 và lần thứ 3 kiểm soát lại xem có rầy rệp gì hay không, đến khâu thứ 4 mới đóng vào xốp.
Hợp tác xã Ngọc Hoàng hiện đang liên kết với các công ty xuất nhập khẩu uy tín trong nước để giới thiệu sản phẩm đến các thị trường quốc tế. Vừa qua chuyến hàng thứ 3 trong năm 2023 được xuất khẩu đi Pháp và Hà Lan với sản lượng 2 tấn. Dù sản lượng chưa nhiều song đây là bước đi quan trọng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long ruột đỏ của Sơn La ra thị trường thế giới.
Anh Lê Văn Sơn, Công ty cổ phần Cao nguyên Mộc Châu cho hay, một số thị trường chính của Công ty là Pháp, Ý, Canada, Hà Lan. Thanh long Mai Sơn cũng bắt đầu được thị trường châu Âu chấp nhận, đây là một thị trường rất mới. Về chất lượng, thanh long Mai Sơn được đánh giá cao, công ty đang tiếp tục chào hàng với một số thị trường khác.
Được biết, để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, HTX Ngọc Hoàng hiện đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu 300 ha tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, Sông Mã và Sốp Cộp… Toàn bộ diện tích thanh long đều được áp dụng quy trình sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, Vietgap, Globalgap…
Với diện tích 300 ha, năm nay, HTX Ngọc Hoàng dự kiến thu hái khoảng 3.000 tấn quả tươi, dự kiến xuất khẩu 2.000 tấn, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế từ cây thanh long.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Ngọc Hoàng cho biết, năm 2023, HTX đã ký hợp đồng với 5 đối tác, mỗi tuần bình quân đưa theo đường hàng không là 6 tấn. Dự tính là đưa sang hệ thống xuất khẩu của EU và Trung Đông năm nay là 2.000 tấn.
Nhiều năm có mặt trên thị trường xuất khẩu, sản phẩm thanh long ruột đỏ của Sơn La đã chinh phục được những thị trường khó tính khu vực EU như: Pháp, Italya, Hà Lan, Nga, Nhật Bản..., góp phần nâng cao giá trị quả thanh long ruột đỏ, đồng thời khẳng định thương hiệu và chất lượng nông sản Sơn La trên thị trường.
Hiện, thanh long Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, thanh long Việt cũng xâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn, New Zealand, Australia. Trước đây, thanh long của Việt Nam từng giữ thế độc tôn trên thị trường quốc tế khi chiếm 80 - 90% lượng giao dịch.
Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy từ năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam liên tục giảm mạnh. Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi TOP những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt hơn 632 triệu USD, giảm gần 39% so với năm 2021 và giảm trên 49% so với mức đỉnh năm 2019.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long đạt gần 106 triệu USD, giảm 26,9% so với cùng kỳ 2022.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, nông dân và doanh nghiệp Việt cần đánh giá thị trường để phát huy lợi thế của mình. Ngoài tập trung vào chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nông dân cần chọn thời điểm canh tác hợp lý.
Thay vì trồng ồ ạt như trước, cần tăng hàng trái vụ, thời điểm mà các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc không thể thực hiện. "Mùa đông của Trung Quốc kéo dài, rất khó trồng thanh long. Do đó, nông dân Việt Nam nên tăng trồng thanh long cho thu hoạch vào đầu năm và cuối năm vì thời điểm này hàng từ nước bạn rất ít, thậm chí khó cho trái.
Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn: