Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc
Tỉnh Bình Dương tập trung đầu tư, triển khai các dự án nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bản tỉnh.
Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương diễn ra nhanh đã tạo ra áp lực rất lớn đến môi trường, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường nước tại các kênh rạch, sông, suối.
Theo bà Nguyễn Ngọc Thúy – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, “trong thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm và đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ môi trường đảm bảo cho sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, cũng như bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thông qua việc thực hiện đồng bộ và giải quyết nhiều giải pháp”.
Thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2021-2025, Bình Dương chú trọng xây dựng các phương án BVMT trong việc lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, tỉnh ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, khơi thông kênh, rạch, hệ thống xử lý nước thải đô thị nhằm góp phần bảo vệ môi trường chung của tỉnh.
Riêng Kế hoạch bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025 kèm theo Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2021 của tỉnh Bình Dương ưu tiên đầu tư 16/21 dự án liên quan công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh.
Đối với các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, trong thời gian qua UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thoát nước để tăng khả năng tiêu thoát nước, hạn chế ngập úng, nhất là các khu vực tập trung đông dân cư, tiếp tục phối hợp với các địa phương giáp ranh như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước để giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, các khu vực ô nhiễm môi trường như kênh Ba Bò, suối Nhum, Chòm Sao – Suối nhằm giúp chất lượng nước và cảnh quan môi trường được cải thiện và giải quyết yêu cầu tiêu thoát nước của người dân.
Về vấn đề ô nhiễm nước thải sinh hoạt đô thị, tỉnh đã ưu tiên các nguồn lực bằng nguồn ngân sách nhà nước và vốn vay ODA triển khai thực hiện các dự án thu gom xử lý nước thải, cụ thể như: xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An (công suất 17.000 m3/ngày), nhà máy xử lý nước thải đô thị Dĩ An (công suất 20.000 mi ngày), nhà máy xử lý nước thải đô thị khu vực miếu ông Cù (công suất 15.000 m/ngày), lập thủ tục nâng công suất nhà máy xử lý nước thải đô thị Thủ Dầu Một (công suất từ 17.650 m ngày lên 35.000 m /ngày). đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhân thức người dân không xả nước thải trực tiếp xuống kênh và đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom nước thải tập trung để xử lý trước khi thải ra môi trường.
Đồng thời, trang bị hệ thống quan trắc tự động để quan trắc các thành phần môi trường và kiểm soát các nguồn thải. Đến nay đã có 55 trạm quan trắc nước dưới đất và 03 trạm quan trắc nước mặt tự động, 37 trạm quan trắc khí thải và 109 trạm quan trắc nước thải; thông qua hệ thống quan trắc tự động đã kiểm soát 24/24 được 85% lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách nhằm hạn chế đầu tư bên ngoài khu cụm công nghiệp, các dự án đầu tư có ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, các ngành nghề gia công sử dụng nhiều lao động.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra và giám sát môi trường đối với các doanh nghiệp góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp cũng như góp phần từng bước đưa công tác quản lý nhà nước bảo vệ môi trường đi vào nề nếp, đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại một số điểm ô nhiễm môi trường.
Theo bà Thúy, để cải thiện tình trạng trên, tỉnh Bình Dương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời các trường hợp người dân, doanh nghiệp xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; riển khai Quy định Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải thị xã Bến Cát và Nhà máy xử lý nước thái Tân Uyên; Mở rộng mạng lưới thu gom, nâng công suất nhà máy xử lý nước thải thành phố Thuận An, Dĩ An; tăng cường công tác phối hợp với các địa phương giáp ranh như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước để giải quyết các vấn đề tài nguyên và môi trường liên tỉnh, các khu vực ô nhiễm môi trường như kênh Ba Bò, Suối Sịp, khai thác cát trên sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng.
Song song đó, tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên đấu nối nước nước thải vào Nhà máy xử lý nước thải tập trung của các đô thị đã xây dựng.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không thải bỏ rác bừa bãi ra môi trường, xuống các tuyến kênh; Triển khai thực hiện Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1734/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đáng nói, trong thời gian tới, UBND tỉnh BÌnh Dương sẽ không chấp thuận cho các dự án đầu tư không đảm bảo quy hoạch, không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường như: các dự án nằm đan xen trong khu dân cư hoặc gần các khu dân cư, đô thị hoặc không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường; các dự án đầu tư ở các khu vực chưa có hệ thống hạ tầng thoát nước theo Công văn số 441/UBND-KT ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tính; các dự án cho thuê nhà xưởng không đảm bảo hạ tầng về bảo vệ môi trường.
Nguồn tin: moitruongvaxahoi.vn: