trongdong
text logo

CHUỖI GIÁ TRỊ NA BỞ CỦA XÃ LIÊN KHÊ, HUYỆN THỦY NGUYÊN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Tác giả bài viết: Phạm Công Nghiệp - Nguyễn Thị Diệu Linh, Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp

Thứ hai - 29/05/2023 20:08
Tóm tắt: Liên Khê là địa phương có diện tích trồng na bở lớn của huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng với diện tích hơn 100ha trồng na, sản lượng đạt khoảng 900 tấn/năm, doanh thu đạt 56 tỷ đồng/năm và lợi nhuận là 16 tỷ đồng/ năm. Tuy nhiên, quá trình tiêu thụ quả na của xã Liên Khê cũng đã bộc lộ những hạn chế, bât cập. Nhằm khái quát chuỗi giá trị của quả na bở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, bài viết dựa vào số liệu điều tra của 140 mẫu phiếu (70 phiếu người sản xuất, 20 phiếu tác nhân thương mại và 50 phiếu người tiêu dùng) đưa ra được mô hình chuỗi giá trị na bở Liên Khê đồng thời đánh giá các bất cập, hạn chế qua từng kênh phân phối. Từ đó rút kinh nghiệm, cải tiến để chuỗi giá trị quả na Liên Khê để hoạt động hiệu quả và bền vững.

Từ khóa: Chuỗi giá trị, Na Liên Khê, tác nhân thương mại.
CHUỖI GIÁ TRỊ NA BỞ CỦA XÃ LIÊN KHÊ, HUYỆN THỦY NGUYÊN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Xã Liên Khê của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là xã có diện tích trồng na bở lớn của huyện với diện tích hơn 100ha trồng na, sản lượng đạt khoảng 900 tấn/năm, doanh thu đạt 56 tỷ đồng/năm và lợi nhuận là 16 tỷ đồng/ năm. Quả na bở xã Liên Khê có chất lượng đặc thù với quả to, mẫu mã đẹp, na chín có mắt hồng, căng bóng, thịt trắng, thơm, có vị ngọt thanh, bổ dưỡng, phù hợp với mọi lứa tuổi và múi to. Điều này đã làm cho quả na bở Liên Khê càng ngày được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
na lk 4
Quả na bở xã Liên Khê có chất lượng đặc thù với quả to, mẫu mã đẹp, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. ( Ảnh: HTX SXKD và Dịch vụ nông nghiệp Liên Khê)
Từ năm 2015 đến nay, quả na bở bỗng nhiên được ưa chuộng, giá tăng vọt. Giá na bở loại 1 (trọng lượng quả > 3 lạng, mẫu mã đẹp, không dập nát) thu mua tại vườn khoảng 70.000-80.000 đồng/kg, có thời điểm lên 120.000-130.000 đồng/kg. Giá bán lẻ trên thị trường 165.000-180.000 đồng/kg tuỳ loại, đắt gấp khoảng 4-5 lần na dai. Do đó hiệu quả kinh tế của cây na bở Liên Khê khá cao với trung bình mỗi ha trồng na cho thu hoạch từ 8-9 tấn và có giá trị từ 600-700 triệu đồng, cao gấp 20-30 lần so với trồng lúa.

Tuy vậy, hoạt động tiêu thụ quả Na của xã Liên Khê cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần rút kinh nghiệm, cải tiến để chuỗi giá trị quả na Liên Khê hoạt động hiệu quả và bền vững. Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Liên Khê” cho sản phẩm quả na, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng” chúng tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát chuỗi giá trị na Liên Khê tại một số thị trường chính Hải Phòng và Hà Nội. Bài viết này sẽ khái quát mô hình chuỗi giá trị na bở Liên Khê, đồng thời đánh giá các bất cập, hạn chế qua từng kênh phân phối. Từ đó rút kinh nghiệm, cải tiến để chuỗi giá trị quả na Liên Khê để hoạt động hiệu quả và bền vững.

II. MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
 
1. Mục tiêu
  • Nghiên cứu, đánh giá nhanh chuỗi giá trị quả na của xã Liên Khê để xác định các kênh hàng chủ yếu và kênh hàng có tiềm năng cho việc tiêu thụ sản phẩm.
  • Đề xuất phương án phát triển thị trường cho sản phẩm quả na Liên Khê 

2. Phương pháp nghiên cứu
Bước 1: Tham khảo tài liệu thứ cấp:

Nghiên cứu sử dụng một số số liệu thống kê của UBND xã Liên Khê liên quan đến hiện trạng sản xuất, kinh doanh na giai đoạn 2018-2021.

Bước 2: Khảo sát, phỏng vấn trực tiếp các tác nhân trong chuỗi giá trị na Liên Khê tại 2 thị trường lớn là Hải Phòng và Hà Nội. Cụ thể, điều tra 70 người trồng na Liên Khê; 10 tác nhân thương mại và 20 người tiêu dùng tại Hải Phòng; 10 tác nhân thương mại, 30 người tiêu dùng tại Hà Nội.
na lk 6

Bước 3: Nhập, xử lý số liệu và viết báo cáo.

III. KẾT QUẢ ĐIỀU TRA
1. Hiện trạng sản xuất của quả na Liên Khê
- Giống na: Giống na bở Liên Khê đã được trồng lâu đời, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Na bở của xã Liên Khê được trồng tập trung với chỉ một loại giống na bở và không lẫn với các loại na khác nên tạo được giống thuần chủng, không lai tạp, làm cho quả na bở Liên Khê có chất lượng đặc thù. Na bở Liên Khê quả to, mẫu mã đẹp, na chín có mắt hồng, căng bóng, thịt trắng, thơm, có vị ngọt thanh, bổ dưỡng. Điều này đã làm cho quả na bở Liên Khê càng ngày được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
 
- Diện tích: Trước đây diện tích sản xuất na biến động, lúc tăng, lúc giảm. Tuy nhiên, trong gần 3 năm NHTT “Liên Khê” được bảo hộ vào năm 2019 diện tích trồng na của xã Liên Khê có xu hướng tăng liên tục. Trước khi bảo hộ diện tích sản xuất na của xã là gần 80ha và đến năm 2021 diện tích na tăng lên 100ha (tăng 25%) (xem đồ thị 1).

Đồ thị 1: Diện tích và sản lượng na của xã Liên Khê từ năm 2018-2021
đồ thị 1
- Năng suất: Năng suất na của xã Liên Khê đạt 325 kg/sào. Nếu chăm sóc tốt, tuân thủ quy trình kỹ thuật có thể đạt 400 kg/sào, trong đó na đạt loại 1 (khoảng 200­300 gram/quả) đạt khoảng 35-40%, còn lại na đạt loại 2, loại 3.
 
- Sản lượng: Theo số liệu của UBND xã Liên Khê, năm 2021 với diện tích hơn 100ha trồng na xã Liên Khê cho sản lượng đạt khoảng 900 tấn/năm và trung bình mỗi hộ đạt khoảng 1.200 kg/năm.
 
2. Hiệu quả kinh tế
Cây na là cây trồng chủ lực của xã Liên Khê. Tổng doanh thu từ quả na của xã Liên Khê đạt 56 tỷ đồng/năm và lợi nhuận là 16 tỷ đồng/năm (số liệu của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê).

Quá trình sinh trưởng và phát triển của cây na Liên Khê trải qua hai giai đoạn chính. Giai đoạn kiến thiết cơ bản kéo dài từ 3 - 4 năm, ở giai đoạn này trung bình mỗi năm người sản xuất đầu từ hết gần 25 triệu đồng/ha và 180 công lao động. Giai đoạn kinh doanh là giai đoạn từ năm thứ tư trở đi kéo dài 10 - 15 năm phụ thuộc vào giống, kỹ thuật, chăm sóc. Ở giai đoạn này trung bình mỗi năm người sản xuất đầu từ gần 50 triệu đồng cho 1 ha với khoảng 330 công lao động.

Sản xuất na bở tại Liên Khê cho hiệu quả kinh tế khá cao. Theo số liệu điều tra mỗi ha na hiện nay trung bình một năm người nông dân lãi khoảng 220 triệu đồng/năm (bảng 2). Giá trị hiện tại thuần (NPV) của sản xuất na trong thời gian 15 năm đạt 2.270 triệu đồng/ha, trung bình 1ha na trong 1 năm lãi khoảng 151 triệu đồng. Và tỷ suất hoàn vốn nội bộ của sản xuất na bở Liên Khê đạt 42%.

3. Chuỗi giá trị na La Khê
bang 2
Qua việc tổng hợp kết quả phỏng vấn trực tiếp các đối tượng khảo sát cho thấy quả na Liên Khê được phân phối qua 4 kênh chính sau (Sơ đồ 1):
  • Kênh 1: Người sản xuất ->  Người tiêu dùng;
  • Kênh 2: Người sản xuất -> Đơn vị bán lẻ ->Người tiêu dùng;
  • Kênh 3: Người sản xuất -> Đơn vị thu gom -> Đơn vị bán lẻ ->Người tiêu dùng;
  • Kênh 4: Người sản xuất -> Đơn vị thu gom -> Đơn vị bán buôn -> Đơn vị bán lẻ  -> Người tiêu dùng;
na lk 8
Kênh 1: Người sản xuất => Người tiêu dùng. Đây là kênh hàng tương đối ngắn, sản phẩm từ người sản xuất được bán trực tiếp tới người tiêu dùng cuối cùng. Sản lượng tiêu thụ chiếm khoảng khoảng 10% tổng sản lượng na của xã. Kênh này có ưu điểm là ít tác nhân tham gia nên việc quản lý chất lượng sản phẩm sẽ thuận lớn, lợi nhuận được phân phối chủ yếu đến tay người sản xuất. Nhược điểm của kênh này là sản lượng tiêu thụ chưa nhiều, khó mở rộng thị trường vì thường là thị trường địa phương, người sản xuất thiếu kỹ năng bán hàng.

Kênh 2: Người sản xuất => Đơn vị bán lẻ => Người tiêu dùng. Kênh hàng này có 3 tác nhân tham gia với lượng tiêu thụ khoảng 31% sản lượng na của xã. Kênh này chủ yếu phát triển ở thị trường địa phương nơi người bán lẻ có thể tiếp cận trực tiếp với người sản xuất. Kênh này có ưu điểm là cũng ít tác nhân tham gia nên cũng dễ quản lý chất lượng sản phẩm và người sản xuất vẫn có khả năng đàm phán về giá với tác nhân bán lẻ để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Nhược điểm kênh hàng là: Khó tăng sản lượng và mở rộng thị trường do phạm vi thị trường ngắn và hạn hẹp.

Kênh 3: Người sản xuất => Đơn vị thu gom => Đơn vị bán lẻ => Người tiêu dùng. Kênh hàng này đã có 4 tác nhân tham gia hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Kênh này tiêu thụ khoảng 15% sản lượng na của xã. Đơn vị thu gom tại địa phương mua na trực tiếp từ người sản xuất và sau đó bán lại cho các đơn vị bán lẻ để tăng lợi nhuận. Nhược điểm của kênh này là nhiều tác nhân tham gia nên ảnh hưởng chất lượng quả na khi đến tay người tiêu dùng, lợi nhuận người trồng na giảm.

Kênh 4: Người sản xuất => Đơn vị thu gom => Đơn vị bán buôn => Đơn vị bán lẻ => Người tiêu dùng. Đây là kênh dài nhất trong chuỗi giá trị na. Kênh hàng này tiêu thụ khoảng 16% tổng sản lượng na. Kênh hàng này mặc dù có nhiều tác nhân tham gia nhưng nếu có cơ chế, biện pháp quản lý tốt về chất lượng sản phẩm, tem nhãn, bao bì sản phẩm và có sự cam kết, ràng buộc trách nhiệm của các tác nhân tham gia phân phối thì đây là kênh cũng có tiềm năng phát triển do thị trường được mở rộng. Nhược điểm kênh này là thu nhập và lợi nhuận người trồng na giảm.

 
4. Hiệu quả kinh tế của các tác nhân trong chuỗi
Kết quả khảo sát cho thấy hiệu quả kinh tế của các tác nhân trong các kênh hàng khác nhau là khác nhau.

Qua bảng 3 cho thấy kênh 1 người sản xuất có lợi nhuận lớn nhất nhưng do lượng tiêu thụ không lớn, thị trường khó mở rộng. Kênh 2 lợi nhuận người sản xuất cao, khoảng 42.000 đồng/kg nhưng người sản xuất cần phải đẩy mạnh hoạt động tiếp cận thị trường, giảm tác nhân trung gian. Kênh 3 và kênh 4 lợi nhuận người sản xuất giảm xuống nhưng sẽ có lợi thế là thị trường rộng lớn.
na lk 5

V. KẾT LUẬN

Thị trường na bở Liên Khê đang ngày càng mở rộng với sự tham gia của nhiều tác nhân thương mại như thu gom, bán buôn, bán lẻ. Có 4 kênh thị trường tiêu thụ na bở Liên Khê chính và mỗi kênh hàng đều có ưu và nhược điểm của riêng nó.

Sản phẩm na Liên Khê rất có tiềm năng phát triển thị trường do nhu cầu người tiêu dùng ngày một lớn. Tuy nhiên, để phát triển thị trường bền vững chúng ta cần làm tốt khâu tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng, đẩy mạnh hoạt động marketing sản phẩm và đặc biệt đầy mạnh đa dạng kênh phân phối để mở rộng thị trường, tăng giá bán sản phẩm./.
na lk 1
Sản phẩm Na bở Liên Khê

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo kinh tế - xã hội của xã Liên Khê năm 2021
2. Báo cáo tổng kết hoạt động của HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê
3. MP4. (2008). Making value chains work better for the poor: A toolbook for practitioners of value chain analysis, version 3. Making markets work better for the poor (MP4).
4. Võ Thị Thanh Lộc và Nguyễn Phú Son (2016). Giáo trình Phân tích chuỗi giá trị sản phẩm (Ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp). Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Có thể bạn quan tâm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây