trongdong
text logo

Hòa Bình: Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh

Tác giả bài viết: Kim Quý

Thứ năm - 10/08/2023 23:23

Do có sự đa dạng về điều kiện địa hình, khí hậu và thủy văn tự nhiên và lịch sử phát triển văn hóa-xã hội, tỉnh Hòa Bình có điều kiện thực hiện các loại hình và hoạt động du lịch quanh năm. Đặc biệt, trên địa bàn có hàng nghìn di tích và các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đan xen với nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp, tỉnh đã tập trung nghiên cứu triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như sản phẩm du lịch cộng đồng mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao.

Hòa Bình: Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh - Ảnh 1.

Khách du lịch tham quan tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường, thành phố Hòa Bình.

Thời gian qua, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác quy hoạch, sàng lọc, nghiên cứu và đầu tư, xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch được thực hiện bài bản; nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, có quy mô và tính chất đặc trưng, độc đáo, đồng thời tăng tính liên kết giữa các điểm du lịch. Ban Dân tộc tiếp tục triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030,… góp phần thúc đẩy du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, nhiều thôn, xóm đã bước đầu tham gia làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, duy trì nghề truyền thống giúp người dân tăng thu nhập phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các loại hình homestay, farmstay đã biến những lợi thế đặc trưng của cộng đồng các dân tộc thành sản phẩm du lịch; góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Hòa Bình hiện đã xây dựng được các trang trại, khu sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm phục vụ du khách như: Vườn hoa tại xóm Mừng (Cao Phong), Rau hữu cơ ở Tân Lạc, Cam Cao Phong, khu nuôi các lồng trên hồ Hòa Bình…; xây dựng được mô hình trang trại phục vụ nghỉ dưỡng và trải nghiệm cho du khách như: Nông trại vui vẻ ở huyện Lương Sơn, trang trại nuôi bò kết hợp trải nghiệm giáo dục, sinh thái ở thành phố Hòa Bình, Eco farm ở Kim Bôi; các loại hình du lịch đang được giới trẻ quan tâm và thu hút lượng lớn khách đến như: Camping, tắm Thác, suối,…

Các địa phương khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch vùng ven hồ Hòa Bình. Xây dựng tuyến đi bộ, đạp xe quanh hồ; trải nghiệm du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh đã khôi phục và duy trì tốt các hoạt động tại các khu, điểm di tích, điểm thờ tự. Thực hiện gắn phát triển du lịch nghỉ dưỡng trên Hồ Hòa Bình với du lịch thể thao: Dù lượn, Golf, Chạy marathon. Tổ chức đoàn Famtrip và Presstrip đến khảo sát, xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và trải nghiệm du lịch cắm trại tại các huyện Lương Sơn, Kim Bôi và thành phố Hòa Bình;

6 tháng đầu năm 2023, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời. Tỉnh đã lựa chọn và xây dựng, công nhận 5 sản phẩm Ocop về du lịch. Các địa phương nghiên cứu, lựa chọn khôi phục các làng nghề để sản xuất sản phẩm quà tặng lưu niệm, xây dựng thương hiệu sản phẩm để phục vụ khách tham quan.

Bên cạnh việc coi trọng tính đa dạng các sản phẩm du lịch, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có tiềm năng, có nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào khai thác như: Lương Sơn retreath, Eco Bùi Trám, Trang viên Đồng Gội (Lương Sơn); homestay Thung Mây, Nhà Tím (Cao phong). Thung lũng Cúc Thảo (thành phố Hòa Bình); Mai Đà Lodge, Xoan retreath (Đà Bắc). Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch có trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, tập trung vào các sản phẩm và thị trường trọng điểm, các đối tượng khách cần ưu tiên. Thu hút và khai thác các tiềm năng Việt kiều cho công tác tổ chức và quảng bá du lịch ở nước ngoài, nhất là ở thị trường Pháp, Trung Quốc, Bắc Mỹ, khu vực ASEAN,…/.

Nguồn tin: hoabinh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Có thể bạn quan tâm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây