Quan niệm của Gen Z về vai trò của giáo dục
Gen Z hiện nay đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với tương lai và sự thành công của mỗi cá nhân. Có tới 86,7% Gen Z quan niệm rằng, một xã hội có giáo dục sẽ tốt đẹp hơn; 81,9% quan niệm giáo dục là sự đầu tư vào tương lai; 80,3% quan niệm giáo dục giúp chúng ta hiểu bản thân hơn (Nguyễn Tuấn Anh, 2022). Do lớn lên vào thời điểm suy thoái kinh tế và tận mắt chứng kiến tỉ lệ việc làm suy giảm nhanh chóng, Gen Z cần một nền giáo dục thực sự hữu dụng và phù hợp để có việc làm. Gen Z được thôi thúc phải trang bị các kỹ năng cần thiết để có thể trở thành một người lao động có khả năng. Gen Z coi giáo dục như cứu cánh cho sự nghiệp sau này. Giáo dục có thể làm mờ đi khoảng cách giữa lớp học và “thế giới thực” (Seemiller và Grace, 2019).
Với Gen Z, giá trị liên quan đến tính thứ bậc và ứng xử trong môi trường học đường (bao gồm sự tôn trọng, kính trọng thầy cô; tôn trọng tất cả mọi người) rất được coi trọng. Phần lớn Gen Z đồng tình cao với quan điểm cho rằng, mọi người tại trường học cần được tôn trọng và thầy cô cần đươc học trò kính trọng, lễ phép. Cũng theo đối tượng này, bạn bè xung quanh cũng cần được cư xử một cách lịch sự (Nguyễn Tuấn Anh, 2022).
Về trách nhiệm chuẩn bị nghề nghiệp tương lai, phần lớn Gen Z cho rằng đây là trách nhiệm của chính bản thân thanh niên (72%). Điều này cho thấy, Gen Z hiện nay đang có thái độ đúng đắn với việc chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai của bản thân. Việc xác định rõ định hướng của bản thân sẽ giúp Gen Z chủ động tiếp thu kiến thức, tích lũy kinh nghiệm về các lĩnh vực, chuyên ngành phục vụ cho công việc sau này. Đó sẽ là lợi thế giúp Gen Z dễ dàng tiếp cận với những cơ hội mới, đáp ứng các nhu cầu của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, một bộ phận nhỏ Gen Z cho rằng đây là trách nhiệm của nhà trường (16%).

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Quan niệm của Gen Z về các giá trị giáo dục quan trọng
Từ dữ liệu khảo sát cũng cho thấy, hệ thống giá trị mà Gen Z cho là quan trọng trong giáo dục, học tập bao gồm: (1) Tôn trọng; (2) Lễ phép; (3) Bình đẳng; (4) Lịch sự; (5) Trung thực; (6) Đa dạng/Chấp nhận khác biệt; (7) An toàn và (8) Thành tích. Trong hệ giá trị này, có những giá trị số (3); (7); (8) là giá trị mục tiêu và những giá trị còn lại (1); (2); (4); (5); (6) là giá trị phương tiện. Những giá trị mục tiêu là những giá trị mà môi trường giáo dục, học tập cần phải có và Gen Z mong muốn hướng đến. Còn giá trị phương tiện là hệ thống những giá trị mà Gen Z cần phải trang bị và coi trọng trong quá trình học tập.
Cha ông ta từ xưa đến nay luôn coi trọng lễ nghĩa. Thậm chí việc học lễ nghĩa còn được đề cao hơn học về văn hoá. Đây là giá trị truyền thống từ ngàn đời làm nên văn hoá của người Việt Nam. Điều này cũng phản ánh rằng trong bất kỳ môi trường nào, nhât là môi trường học tập, giáo dục, vai trò của lễ nghĩa, trên dưới, kính trọng luôn được đề cao. Mặt khác, kết quả này cũng phản ánh rằng, Gen Z vẫn rất coi trọng và đề cao các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.
Quan niệm của Gen Z về môi trường giáo dục
Môi trường giáo dục đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển nhân cách, nhận thức, tình cảm, cảm xúc và hành vi của mỗi cá nhân. Qua khảo sát quan điểm của Gen Z về những yếu tố cần có của một môi trường giáo dục tốt cho thấy Gen Z có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Trung thực và kính trọng thầy cô là những yếu tố hàng đầu của Gen Z khi đánh giá một môi trường giáo dục tốt với tỷ lệ Gen Z lựa chọn lần lượt là 68,2% và 66% (Nguyễn Tuấn Anh, 2022).
Nền giáo dục của nước ta từ trước tới nay chủ yếu vẫn theo tiếp cận nội dung. Điều này dẫn tới tình trạng phổ biến tri thức một chiều: thầy giảng, trò nghe; thầy đọc, trò ghi chép. Hệ lụy của hệ thống giáo dục này là người học không phát huy được tính sáng tạo do chỉ làm theo hướng dẫn của thầy, thiếu khả năng suy nghĩ độc lập và giải quyết các vấn đề thực tiễn, không có khả năng tự học và thói quen tự tìm tri thức để học, thiếu kỹ năng làm việc nhóm do học một cách thụ động. Vì vậy, Gen Z đánh giá môi trường giáo dục sáng tạo khá cao (với 62,4% Gen Z lựa chọn). Môi trường giáo dục sáng tạo sẽ giúp Gen Z tự do phát huy khả năng của bản thân, đưa ra các ý tưởng, sáng kiến của mình trở thành hiện thực tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển trong tương lai. Từ đó cho thấy, Gen Z đang có xu hướng lựa chọn môi trường giáo dục theo hướng văn minh và hiện đại hơn. Môi trường giáo dục đề cao sự hợp tác, trí tuệ và sự cần cù cũng được Gen Z hiện nay rất coi trọng.
Phần lớn Gen Z tham gia khảo sát cũng khá quan tâm đến chi phí học tập của bản thân. Như đã phân tích, Gen Z là thế hệ có sự chủ động rất lớn, có xu hướng quyết định nhiều vấn đề của cá nhân. Chính vì thế, việc quan tâm đến chi phí học tập – một khoản đầu tư không hề nhỏ - là một điều dễ hiểu. Gen Z là những người tự “quản trị” cuộc sống của chính mình và việc quan tâm đến chi phí học tập được coi như một trong những sự quan tâm đến kế hoạch cuộc đời. Thêm vào đó, chi phí dành cho học tập hiện nay rất lớn và vào nhiều lĩnh vực: học chính khoá; ngoại khoá; học thêm; học kỹ năng; học năng khiếu; học ngoại ngữ… vì thế, cũng sẽ là áp lực rất lớn không chỉ đối với bản thân Gen Z mà còn đối với cả các gia đình.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Quan niệm của Gen Z về mục đích học tập
Mục đích học tập là câu trả lời cho câu hỏi: “Học để làm gì?”. Việc xác định được mục đích học tập sẽ giúp Gen Z hình thành động cơ học tập và phương pháp học tập đúng đắn. Kết quả điều tra cho thấy, mục đích học tập lớn nhất của Gen Z (với gần 50% Gen Z lựa chọn trở lên) tập trung vào các vấn đề sau (sắp xếp theo thứ tự giảm dần của tỉ lệ phần trăm) bao gồm: Để có việc làm ổn định (80,4%); để có kiến thức (73,9%); để thành người có ích (72,9%); để làm việc hiệu quả trong tương lai (67,1%); để phục vụ cho đất nước (56,9%) (Nguyễn Tuấn Anh, 2022). Như chúng ta đã biết, yêu cầu đối với người lao động hiện nay đã cao hơn trước rất nhiều. Cơ hội học tập của Gen Z hiện nay rất lớn và nhiều Gen Z ở mọi thành phần, khu vực đều có các cơ hội học tập và tiếp cận giáo dục như nhau. Vì thế, yêu cầu của công việc ngày càng tăng như một xu thế chọn lọc ra những người lao động có năng lực nhất. Chính vì thế, việc học sẽ giúp cho Gen Z tìm được một việc làm ổn định, từ đó trang trải và giúp ổn định cuộc sống của Gen Z. Thậm chí khi có một việc làm ổn định, Gen Z có thể giúp đỡ cho cha mẹ, người thân và từ đó hình thành nền tảng để xây dựng tương lai và sự nghiệp cá nhân.
Vốn dĩ việc học là để lấy kiến thức. Đây là mục đích cao cả và là một trong những mục tiêu lớn nhất trong giáo dục. Chỉ có thông qua học tập thì con người nói chung và Gen Z nói riêng mới có thể nâng cao kiến thức của bản thân trên các lĩnh vực. Và trong nghiên cứu này, mục đích học để có kiến thức cũng được gần ¾ Gen Z tham gia khảo sát lựa chọn. Điều này phản ánh mục đích học tập của Gen Z là rất tích cực và đáng khen ngợi.
Tìm hiểu kỹ hơn về mục đích học tập của Gen Z còn cho thấy, Gen Z học tập không chỉ vì bản thân mình mà họ còn muốn thông qua việc học để rèn luyện bản thân, giúp bản thân trở thành người có ích, đồng thời có thể phục vụ cho đất nước.
Như vậy, mục đích học tập của Gen Z không chỉ tồn tại trong phạm vi của một cá nhân mà nó còn hướng đến phụng sự cộng đồng, phụng sự xã hội.
Hai mục đích ít được Gen Z chọn lựa nhất là: để ra oai với mọi người (21,6%) và để đổi đời (19,6%) (Nguyễn Tuấn Anh, 2022). Lựa chọn này phản ánh rất rõ đặc điểm của Gen Z, đó là: sống thực tế và đề cao tính minh bạch, rõ ràng. Nếu như học chỉ để ra oai với mọi người thì mục đích học đó là không cần thiết với Gen Z. Lúc đó việc học chỉ như một “cái vỏ bên ngoài” không có thật nhiều ý nghĩa. Trong khi đó, lý do học để đổi đời là quá mơ hồ, không rõ ràng, chưa làm rõ được mục đích học tập của những người trẻ hiện nay – những người thực tế, thực dụng và đề cao sự hiệu quả.
Trên đây là một số phát hiện ban đầu về quan niệm của Gen Z trong lĩnh vực giáo dục, học tập. Những quan niệm trên sẽ là góp phần khắc hoạ phần nào hình ảnh của Gen Z Việt Nam hiện đại. Những kết quả này sẽ là căn cứ khoa học quan trọng trong việc giáo dục, định hướng giá trị nói chung và giáo dục, định hướng giá trị trong lĩnh vực giáo dục, học tập nói riêng cho nhóm đối tượng này trong tương lai.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Tuấn Anh (2022), Nghiên cứu quan niệm về giá trị của thanh niên thế hệ Z, Đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu.
Seemiller & Grace (2019), Generation Z - A Century in the Making, ISBN 9781138337312, Routledge, 2 Park Square, Milton Park, Abingdon, Oxon OX14 4RN