trongdong
text logo

TÍNH NAM HIỆN ĐẠI TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ NHÌN TỪ THUYẾT GIEO CẤY

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Công Khanh

Thứ năm - 03/10/2024 05:15
Những năm gần đây, chương trình giải trí thể dạng “truyền hình thực tế” trên phần lớn các kênh truyền hình ở Việt Nam như một dòng chảy âm ỉ nhưng rất bền bỉ, rất thu hút và tác động lớn công chúng trẻ.
Trong khi các thể dạng chương trình tryền hình khác ít “chạm” đúng vào nhu cầu tìm kiếm, chờ đợi, đón nhận của công chúng trẻ, thì truyền hình thực tế đủ mạnh mẽ để “tấn công” vào nhóm đối tượng người xem “khó tính” là tất yếu, bởi đặc thù của thể dạng chương trình hội tụ đầy đủ yếu tố hấp dẫn cần và đủ để giữ chân người xem như: yếu tố gây kịch tính, yếu tố bất ngờ và đặc biệt có yếu tố tạo dựng drama trong mỗi tập phát sóng.
 
Lý thuyết Gieo cấy là lý thuyết xã hội học và truyền thông được George Gerbner đặt ra đầu tiên vào năm 1960 với mục đích nghiên cứu những tác động về lâu dài của các phương tiện truyền thông (chủ yếu là truyền hình) lên công chúng. Lý thuyết gieo cấy cho rằng: khi công chúng sử dụng thường xuyên, lâu dài nội dung được trình bày bởi các phương tiện truyền thông sẽ có tác động đến thái độ và hành vi của công chúng, điều này sẽ làm thay đổi mặt nhận thức thực tế xã hội của công chúng với thế giới thực tại bên ngoài đời sống xã hội.

Đặt chương trình truyền hình thực tế dưới góc nhìn lý thuyết “Gieo cấy” sẽ thấy sự ảnh hưởng của truyền hình lên công chúng về mặt nhận thức, thái độ, hành vi, thói quen… khi xem chương trình truyền hình, đặc biệt là nhóm công chúng trẻ (học sinh, sinh viên) có độ tuổi giao động từ 18 – 22 là rất lớn.

Truyền hình thực tế thay đổi sự hấp dẫn của giới tính
Thể dạng chương trình truyền hình thực tế có nhiều cách tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau của nhiều học giả, từ đây đưa ra nhiều định nghĩa, khái niệm về truyền hình thực tế khác nhau như James Friedman, Mitell… Tuy nhiên, theo Holmes (2015) cho rằng: Chương trình truyền hình thực tế đại diện cho một nền tảng để khám phá và tranh luận về nhiều khía cạnh của truyền hình đương đại, là thể loại có nội dung hoạt động thực tế trải dài qua các vấn đề liên quan về lịch sử, chính trị, cá nhân đại diện (giới tính, giai cấp, sắc tộc và tình dục), sự hòa giải của các mô hình về bản ngã, cấu trúc văn hóa và kinh tế của những người nổi tiếng đương thời.

Trước đây, khi mà sự kỳ thị giới tính thứ ba vẫn còn tồn tại ngoài đời thực thì việc đưa nội dung và nhân vật có nhân diện liên quan đến yếu tố LGBT vào chương trình truyền hình nói chung, cụ thể là chương trình truyền hình thực tế, luôn gặp phải rào cản lớn: miệt thị, xem thường, đả kích… bởi công chúng. Từ lý do đó, nhân vật thuộc cộng đồng LGBT hiếm khi có cơ hội xuất hiện trong chương trình giải trí trên truyền hình, bởi nhà sản xuất ngại vấp phải sự phản đối, kỳ thị từ công chúng sẽ tác động tiêu cực cũng như ảnh hưởng đến tổng thể chương trình.
 
Đến khi nhận thức về giới dần thay đổi, công chúng có hiểu biết và cởi mở hơn, nhìn nhận về bảng dạng giới và xu hướng tính dục thoáng hơn thì người thuộc giới tính thứ ba tham gia vào chương trình giải trí truyền hình bắt đầu xuất hiện với nhân diện nữ tính hoá có phần thiếu mạnh mẽ, vai trò của người tham gia thuộc tính thứ ba cũng chỉ dừng lại ở mục đích câu view, thoả sự tò mò, gây cười cho công chúng.
 
Tuy nhiên, những năm gần đây chương trình truyền hình, trong đó có truyền hình thực tế, đã dễ dàng dón nhận, chấp nhận người tham gia dưới danh nghĩa khách mời, người trải nghiệm… trong nhiều chương trình thì nhóm công chúng trẻ - nhóm công chúng có cá tính đã thay đổi, đi từ phản đối đến chấp nhận và cuối cùng là đón nhận. Từ đó, truyền hình thực tế đã làm thay đổi sự hấp dẫn của công chúng với giới tính, xoá đi ranh giới giữa tính nam - tính nữ - phi giới tính thông qua hình thức ăn mặc, hoá trang, trình diễn...
 
Qua quan sát các chương trình truyền hình thực tế sản xuất gần đây, chân dung của nhân vật mang giới tính thứ ba, cụ thể là đồng tính nam, xuất hiện trong chương trình ngày một nhiều với ngoại hình lịch lãm, nghiêm túc, thể hiện quan điểm và tài năng qua các hoạt động trải nghiệm đã góp phần cho truyền hình thực tế len lỏi vào nhận thức công chúng, hấp dẫn công chúng và thay đổi cả cách đánh giá về cộng đồng LGBT theo hướng tích cực hơn.
 
Điển hình như chương trình “Quý ông hoàn mỹ”, người tham gia chương trình có không ít thí sinh đến từ cộng đồng LGBT đã đi qua hành trình thay đổi nhân diện, thể hiện quan điểm cá nhân, lan toả thông điệp tích cực bằng những hoạt động của chương trình đặt ra, họ dần để lại ấn tượng và thu hút công chúng trẻ quan tâm đến chương trình ngày một nhiều. Cứ như vậy, truyền hình thực tế góp phần lớn trong tác động thay đổi nhận thức của công chúng với thế giới thực tại bên ngoài đời sống xã hội của cộng đồng LGBT tích cực hơn, tốt đẹp hơn.
 
Với người tham gia chương trình “Quý ông hoàn mỹ”, khi các thí sinh công khai giới tính trực tiếp hay gián tiếp thật, thì một bộ phận nhỏ công chúng tỏ ra lo lắng cho người chơi sẽ đánh mất đi sự hấp dẫn từ các công chúng nữ. Ngược lại, chính điều đó đã thu hút công chúng quan tâm hơn, kể cả công chúng nam giới lẫn nữ giới. Điều này thể hiện rõ qua quá trình tương tác tích cực ngày một tăng trên các nền tảng mạng xã hội của chương trình, đây có thể xem là minh chứng cho chương trình truyền hình thực tế hiện nay góp phần thay đổi sự hấp dẫn về giới tính của công chúng.
 
Anh1
 
Ảnh từ chương trình Truyền hình thực tế Quý ông hoàn mỹ. Nguồn: Internet
 
Nhìn từ lý thuyết gieo cấy của George Gerbner, truyền hình thực tế không chỉ thông qua nội dung hay người chơi làm thay đổi sự hấp dẫn giới tính phía công chúng, ngay cả việc xây dựng format truyền hình thực tế hiện nay cũng thay đổi không nhỏ. Nhiều công ty truyền thông mạnh dạn giành hẳn cho cộng đồng LGBT những format truyền hình thực tế có giá trị với cộng đồng như “Real live” hay “Quý ông hoàn mỹ”… cộng với việc được thực hiện sản xuất nghiêm túc, chỉnh chu từ ekip đã và đang tiếp tục thay đổi sự hấp dẫn giới tính đồng thời giảm thiểu đi sự kỳ thị.

“Tính nam” thời hiện đại nhìn từ thuyết “Gieo cấy”
Sản phẩm truyền thông nói chung, chương trình giải trí truyền hình nói riêng bên cạnh yếu tố giải trí được lên hàng đầu thì cũng phải đặt sứ mệnh quan trọng khác như định hướng, thay đổi về nhận thức, thói quen, hành vi công chúng cũng là một trong những mục tiêu của chương trình.

Công chúng trẻ có nhiều đặc thù khác so với những nhóm công chúng khác, như: tìm kiếm chủ động, xem chủ động, chủ động đón nhận tác động, chủ động xê dịch… trong đó, yếu tố đẹp “chuẩn men” (tính nam) là một trong những vấn đề mà công chúng trẻ xem chương trình giải trí truyền hình đã ít nhiều góp phần vào việc đánh giá lại khái niệm này bằng những tiêu chí mới.

Từ trước đến nay, nhiều khái niệm “chuẩn men” về tính nam được đưa ra bởi các công trình nghiên cứu khoa học của nước ngoài, hai trong số nhiều khái niệm ấy được phổ quát có nêu “Nam tính là bất cứ đặc tính nào được gắn với bề ngoài hay hành vi tạo nên tính đàn ông về xã hội và văn hoá” (Kramarae, Cheris, Spencer, Dale – 2000) và “Nam tính chỉ một loạt các đặc tính về thái độ, hành vi và thể chất tạo nên một người đàn ông trong một bối cảnh lịch sử và văn hoá nhất định” (Code, Lorraine - 2000). Như vậy, tính nam đặt ra như chuẩn mực của xã hội để khẳng định và phân biệt vai trò giới giữa hai giới, tính nam và tính nữ qua các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử, ví dụ như đàn ông thuộc tính nam phải là người trụ cột của gia đình, mạnh mẽ, quyết đoán, là phái mạnh phải bảo vệ phái yếu thuộc tính nữ…

Trong truyền thuyết của người Việt, việc xây dựng chân dung người đàn ông tính nam được khắc hoạ rõ nét, điển hình như chàng Lang trong chuyện tình Lang-Biang là người cao to, có vai u cuồn cuộn, bắp tay vạm vỡ, khoẻ mạnh… hay nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều của Nguyễn Du cũng hiện lên với vóc dáng oai phong “Râu hùm hàm én mày ngài/Vai năm tấc rộng thân mười thước cao…”. Theo thời gian, hiện nay nhân diện về người đàn ông “chuẩn men” đã dần thay đổi, qua các thời kỳ phát triển của xã hội khi chịu nhiều tác động bởi giao thoa văn hoá, hội nhập văn hoá trong đó có chương trình giải trí trên truyền hình đến từ nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây nên công chúng đã và đang góp phần đặt lại khái niệm cho tính nam hiện đại với mẫu người nam giới mới hơn, hiện đại hơn.

Trường hợp chương trình truyền hình thực tế “Quý ông hoàn mỹ” xuất hiện những phát ngôn thuộc về quan điểm có dấu hiệu đặt lại khái niệm về tính nam hiện đại được công chúng đón nhận và khích lệ. Thí sinh Kel cho rằng một quý ông hoàn mỹ “chuẩn men”“nam tính-bản lĩnh-tử tế và tinh tế” hay thí sinh Hoàng Sơn không ngần ngại đưa ra đại ý như: đã là đàn ông thì chỉ khóc khi ở một mình. Khi niềm vui hoặc đau đớn tột cùng mới rơi nước mắt... Có chăng, việc từ ekip sản xuất, ban giám khảo đến ban cố vấn thí sinh cùng thể hiện hàm ý gợi nhắc mục đích mong muốn xây dựng lại tiêu chí, đưa ra giá trị mới và về nhân diện cho một quý ông hoàn mỹ chuẩn men hiện đại để thông qua đó thay đổi hành vi, thái độ của nhóm công chúng trẻ.

Qua khảo sát 100 công chúng trẻ xem chương trình “Quý ông hoàn mỹ” là sinh viên tại các trường Đại học trên địa bàn TP.HCM, kết quả mức chấp nhận việc đặt lại khái niệm “chuẩn men” thời hiện đại của chương trình với 79 phiếu (79%) hài lòng. Cũng trong khảo sát, khi hỏi “chương trình có làm thay đổi bản thân về việc nhìn nhận lại tính nam ngoài đời thực hay không?” kết quả với 69 phiếu (69%) ghi nhận có làm thay đổi. Điều này, chứng tỏ chương trình truyền hình thực tế có tác động lên nhóm công chúng tiếp cận rất đáng kể.

Thay đổi chuẩn mới về thần tượng
Thông thường, thần tượng của giới trẻ thường có tiêu chuẩn vóc dáng, khuôn mặt, tài năng đi cùng nhân diện với giới tính rõ ràng như là tính nam thì phải đẹp trai, mạnh mẽ cộng tài năng, tính nữ thì nhẹ nhàng, dịu dàng…

Với việc Việt hóa hoặc mua chương trình truyền hình thực tế dạng final của các nước Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc…) phát lại trên sóng truyền hình Việt Nam cũng như trên đa nền tảng làm thay đổi về mặt nhận thức, hành vi của công chúng trẻ với vấn đề thần tượng.
 
Ngày nay, công chúng trẻ ngầm gạt bỏ những định chuẩn đặt ra từ trước và xây dựng lại định chuẩn mới về thần tượng cho cộng đồng riêng mình. Mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm sẽ đặt ra những chuẩn khác nhau, ví dụ như Đăng Khoa trong cuộc thi giọng hát Vietnam Idol (cùng mùa với Hương Giang) không phải là người có giọng hát hay nếu không muốn nói giọng rất yếu, thế nhưng công chúng chỉ cần biết Đăng Khoa đẹp trai kiểu hiền hiền, lành lạnh thì giới trẻ ngày ấy cứ vô tư vote cho Idol của mình. Đó là việc của giới trẻ nhiều năm trước, với giới trẻ ngày nay đã đặt lại thậm chí đưa ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau về thần tượng riêng mình, như: Thần tượng có giới tính khoa học là nam nhưng không cần nhân diện bên ngoài phải nam tính, vai u thịt bắp, giọng nói trầm ấm… và cũng rất bình thường khi thần tượng là người phi giới tính (không thể hiện rõ tính nam hay tính nữ) từ vẻ đẹp đến cách ăn mặc, giao tiếp với công chúng.
 
Anh1

Ảnh từ chương trình Truyền hình thực tế Anh trai vượt ngàn chông gai. Nguồn: Internet
 
Đặt một phần nhỏ về tính nam hiện đại trong chương trình truyền hình thực tế dưới lý thuyết gieo cấy của George Gerbner, những tác động của chương trình lên hành vi, nhận thức của một bộ phận công chúng trẻ dần hiện ra. Từ đây, nhà sản xuất chương trình truyền hình, trong đó có chương trình giải trí, cần có sự nhìn nhận và điều chỉnh thích hợp hơn trong quá trình sản xuất sản phẩm để trả lại đúng bản chất của thể dạng chương trình cũng như đảm bảo được tính chân thiện mỹ của một sản phẩm truyền thông có tác động tích cực hơn vào công chúng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây