trongdong
text logo

Bảo tồn và phát triển nghề Sinh Vật Cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội

Tác giả bài viết: Thu Dung (thực hiện)

Thứ tư - 27/05/2020 01:10
Nghị định 52/2018/NĐ-CP cảu Chính phủ xác định hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 hoạt động ngành nghề nông thôn. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác bảo tồn và phát triển nghề Sinh Vật Cảnh. Để rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Truyền thống và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội.
PV: Xin ông cho biết một số chính sách bảo tồn và phát triển các nghề nói chung và Sinh Vật Cảnh nói riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội?
Ông Nguyễn Văn Chí: Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Nghị định 52/2018/NĐ – CP, UBNDThành phố Hà Nội đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu xây dựng chính sách về phát triển ngành nghề, đồng thời hàng năm UBND thành phố Hà Nội đều ban hành Kế hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định.
TCS15 1
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội
 
Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội rất quan tâm đến công tác phát triển ngành nghề nông thôn cũng như công tác bảo tồn, phát triển làng nghề, giai đoạn 2019-2020 đã ban hành nhiều văn bản nhằm khôi phục, duy trì và phát triển làng nghề, cụ thể: Văn bản số 4627/UBND-KT ngày 01/10/2018 của UBND Thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 11/2019/NQ-HĐND  ngày 04/12/2019  của HĐND Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội; Quyết định số 4268/QĐ-UBND ngày 09/8/2019 về việc phê duyệt các quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, trong đó có 03 thủ tục hành chính “Công nhận làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống”; Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 02/3/2020 ban hành định mức hỗ trợ kinh phí khi công nhận danh hiệu “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống” Hà Nội...
cay01
Sản phẩm Sinh Vật Cảnh của Hà Nội rất đa dạng
PV: Vậy ông có thể nêu khái quát một số nét chính về quy mô của nghề Sinh Vật Cảnh của cả nước và Hà Nội?
Ông Nguyễn Văn Chí: Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay, diện tích hoa cây cảnh cả nước khoảng hơn 50.000ha, trong đó diện tích tập trung chuyên canh khoảng 35.000ha, riêng mặt hàng hoa tươi thương mại có khoảng 11.000ha, sản lượng 4,5 tỷ cành, trong đó xuất khẩu khoảng 1 tỷ cành, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nhiều mô hình sản xuất cây cảnh, hoa cảnh đạt giá trị thu nhập cao từ 1-2,5 tỷ USD/ha. Đặc biệt, có một số mô hình (quy mô 50-100ha) thu nhập đạt 3-5 tỷ đồng/ha/năm, gấp 6-7 lần so với các loại cây trồng khác. Ngành sản xuất hoa ở nước ta đã phát triển không ngừng, bộ giống hoa và công nghệ trồng hoa đã tiếp cận công nghệ trồng của thế giới. Từ chỗ miền Bắc không trồng được hoa lily, đến nay, mỗi năm Việt Nam đã trồng được vài trăm héc ta hoa lily, chất lượng hoa không thua kém hoa nhập khẩu và hoàn toàn có thể xuất khẩu.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có tổng diện tích sản xuất hoa cây cảnh là hơn 5.470ha. Cơ cấu giống hoa: Hoa hồng chiếm 33,33%; hoa cúc chiếm 17%; hoa đào chiếm 8,15%. Đặc biệt, diện tích trồng hoa lan, lily tăng nhanh, chiếm 5,14% diện tích. Trung bình hằng năm, sản xuất hoa, cây cảnh đã cung ứng cho thị trường hơn 1.000 triệu cành hoa; 0,8 - 1 triệu chậu hoa và 1 - 1,2 triệu cây cảnh các loại. Sản lượng hoa chất lượng cao tăng nhanh, cung cấp cho thị trường từ 200 - 250 triệu cành hoa chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hoa cho Hà Nội và một số vùng phụ cận. Hiện trên địa bàn thành phố đã hình thành được 50 vùng sản xuất hoa tập trung với quy mô từ 20ha/vùng trở lên tại các quận, huyện: Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín...., vùng trồng hoa tập trung cho giá trị thu nhập từ 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm, có nơi đạt 2 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có khoảng 110ha bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu và với quy mô nhỏ. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa hiện nay gần 70ha, trong đó có 0,1ha bước đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm.
PV: Vậy điều gì là sự khác biệt trong phát triển nghề Sinh Vật Cảnh ở Thủ đô so với các địa phương khác trong cả nước?
Ông Nguyễn Văn Chí:
Bên cạnh những làng hoa truyền thống, vùng chuyên canh hoa tập trung, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển du lịch làng nghề Sinh Vật Cảnh, chợ thương mại dịch vụ Sinh Vật Cảnh tập trung. Trong đó, phải kể đến điểm du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân nằm tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; Chợ hoa cây cảnh Vạn Phúc (Hà Đông); Chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ)…

Tiêu biểu như điểm Du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân có diện tích 128 ha, bao gồm 06 khu: Khu trung tâm xã 26 ha; Khu sản xuất và trưng bày sản phẩm làng nghề sinh vật cảnh 46,6 ha; Khu sản xuất nông nghiệp chuyên canh, các mô hình trang trại kết hợp khai thác dịch vụ trải nghiệm 17,9 ha; Khu ẩm thực đồng quê 1,3 ha;Khu chuyên canh hoa đào 19ha; Khu kinh tế trang trại kết hợp khai thác dịch vụ 17,2 ha. Trong đó, các địa điểm của Điểm Du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân thu hút đông khách du lịch gồm: Nông trại Giáo dục; HTX hoa cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân; Khu trồng cây ăn quả kết hợp với khai thác dịch vụ tâm linh trải nghiệm dọc sông Hồng như: đền Xâm Thị và đền thờ Chử Đồng Tử phục vụ khách thập phương có nhu cầu về tín ngưỡng và vãn cảnh ven sông Hồng.
Để thúc đẩy phát triển ngành này ở Hà Nội, thành phố quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với diện tích 1.616ha ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Đông Anh, Chương Mỹ... Trong năm 2020, thành phố phấn đấu có 300ha ứng dụng công nghệ cao và tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25 đến 30% tổng giá trị sản xuất hoa.
Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đang và sẽ phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh nhằm nâng cao nhận thức cũng như trình độ ứng dụng khoa học công nghệ cho người dân. Đối với các mô hình điểm về trồng hoa, cây cảnh theo hướng công nghệ cao, ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân 100% giống một năm đầu đối với hoa khai thác nhiều lần và hai vụ đối với hoa khai thác một lần. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân, doanh nghiệp vay vốn thông qua Quỹ Khuyến nông với mức vay tối đa 500 triệu đồng/mô hình...
1 18
Chợ hoa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nghề Sinh Vật Cảnh trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận lao động ở nông thôn?
Ông Nguyễn Văn Chí: Trong thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội, Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội đã giúp nhiều địa phương khôi phục các làng hoa như thông qua các chương trình, đề án, TP Hà Nội đã tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất hoa, vườn cây cảnh tập trung; trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội cũng đã tạo điều kiện giúp cán bộ, hội viên Hội Sinh Vật Cảnh tham gia các hội chợ, hội thảo và hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối giao thương, xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm Sinh Vật Cảnh Thủ đô.

Trong những năm gần đây, vị trí, vai trò, ảnh hưởng càng cụ thể của Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội đối với tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh của cả nước. Bằng những hoạt động đa dạng, thiết thực, hiệu quả, những hoạt động Sinh Vật Cảnh của Thủ đô đã kết nối, lan tỏa và thúc đẩy Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, đóng góp tích cực vào Đề án tái cấu trúc ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chương trình xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.
Trong những năm qua, Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội đã tích cực tham gia khôi phục các làng hoa và tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất hoa, vườn cây cảnh tập trung. Hội cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức hàng chục cuộc triểm lãm, hội thảo, hội thi, tọa đàm, hội nghị chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển ngành Sinh Vật Cảnh góp phần nâng cao tay nghề, kiến thức, kỹ năng và thúc đẩy xúc tiến thương mại Sinh Vật Cảnh. Nhiều cuộc Triển lãm Sinh Vật Cảnh Thủ đô đã thu hút phần lớn các tỉnh/thành phố trong cả nước tham gia đã truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường, phát triển Sinh Vật Cảnh với tư cách một ngành kinh tế, thay đổi nhận thức về hoạt động Sinh Vật Cảnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, với sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp, các hoạt động của Hội Sinh Vật Cảnh thành phố đã góp phần đưa hoạt động Triển lãm, trưng bày Sinh Vật Cảnh là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các lễ hội, sự kiện văn hóa, kinh tế chính trị, kỷ niệm những ngày lễ lớn của các địa phương và cả nước. Đồng thời, Hội đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tham mưu, góp ý để các cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao. Tiêu biểu như Đề án phát triển sản xuất hoa cây cảnh thành phố Hà Nội; Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề Nông thôn, trong đó xác định hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 07 nhóm ngành quan trọng trong phát triển kinh tế ở nông thôn.
PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: Tạp chí Truyền thống và Phát triển:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây