Tác giả bài viết: Minh Khôi
Sáng 4/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến toàn quốc về Chương trình mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam (Chương trình) với sự tham dự lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, lãnh đạo Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật…
Xác định sứ mệnh soi đường của văn hóa trong thời đại mới
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng Chương trình là nhiệm vụ quan trọng sau khi tổng kết 80 năm Đề cương Văn hóa, các hội nghị về văn hóa do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì, qua đó khẳng định sự đóng góp, dấu ấn của văn hóa trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, dân tộc.
"Sứ mệnh của văn hóa trong những giai đoạn lịch sử vừa qua là soi đường cho quốc dân đi, văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa, vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc… vậy trong giai đoạn hiện nay nhiệm vụ, sứ mệnh soi đường của văn hóa là gì, chúng ta phải cùng nhau làm rất rõ", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị các đại biểu trao đổi, nhìn nhận, đánh giá vai trò, sứ mệnh của văn hóa trong thời đại ngày nay, cũng như xác định vị trí, vai trò của văn hóa trong giai đoạn tới, nhằm kế thừa truyền thống văn hóa, lịch sử, phát huy sức mạnh nội tại kết hợp sức mạnh thời đại.
Việc xây dựng Chương trình cần tương xứng với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, kế thừa, phát huy những quan điểm, chủ trương về nhiệm vụ văn hóa mang đặc trưng của thời đại; mạnh dạn xem xét, xác định những điểm nghẽn về lý luận, nhận thức để xây dựng, hoàn thiện, định hình cơ chế chính sách mới.
Chương trình phải góp phần định hình lại công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy sức mạnh văn hóa và có định hướng mới, tạo cú hích để huy động lực lượng làm công tác văn hoá không chỉ mang lại những giá trị nghệ thuật, tinh thần, mà còn tạo ra của cải, vật chất, đưa văn hoá trở thành lĩnh vực kinh tế xanh, góp phần khẳng định uy tín, vị thế của đất nước, đóng góp vào quá trình phát triển.
"Thời gian, nguồn lực thực hiện Chương trình có hạn nên chúng ta cần lựa chọn mục tiêu, nhiệm vụ có tính động lực, là 'chìa khóa' then chốt, ưu tiên cho những vấn đề văn hoá cấp bách, không để thiếu cơ chế, chính sách nên không thực hiện được, tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị, xã hội, người quản lý, người thực hành văn hoá cùng tham gia", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Chương trình phải đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng công tác quản lý, đầu tư, phát huy vai trò của văn hoá trong giai đoạn vừa qua, "chỉ rõ những điểm làm chưa tốt, những tồn tại, hạn chế thì mới chấn hưng được", từ đó, xây dựng phương án, cách thức tổ chức, bố trí nguồn lực bảo đảm đồng bộ, toàn diện, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, then chốt mà Đảng, Nhà nước đặt ra cho văn hoá.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục tiêu tổng quát của Chương trình là: Huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; hoàn thiện thể chế, thiết chế cho hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các ngành công nghiệp văn hóa; tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào trong lĩnh vực hoạt động văn hóa.
Đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa hóa-thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương; 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa.
Hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.
Áp dụng giải pháp đột phá để phát triển văn hóa
Đóng góp về quan điểm, mục tiêu trong Chương trình, TS. Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân đã nhấn mạnh 2 vấn đề rất lớn cần được chú trọng khi xây dựng, triển khai Chương trình là khai thông tư tưởng; tăng cường sự năng lực lãnh đạo và quản lý trên lĩnh vực chấn hưng, phát triển văn hoá và xây dựng con người.
Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương cho rằng, người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình đối với chấn hưng, phát triển văn hoá.
Bên cạnh đó, chúng ta phải có những giải pháp đột phá để đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà văn hoá thực sự đi đầu trong công tác chấn hưng văn hoá, nghệ thuật; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng các tài năng trong lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật; tăng cường đội ngũ làm chuyên gia làm cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hoá.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá-Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Chương trình phải chuẩn bị kỹ về chủ trương, chính sách, pháp luật, tư tưởng, định hướng cho giai đoạn phát triển mới về văn hoá, lấy đầu tư công thúc đẩy đầu tư tư, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ý kiến, Chương trình không nên được xem là giải pháp toàn diện giải quyết hết các khó khăn của lĩnh vực văn hóa, mà cần xem xét những mục tiêu ưu tiên, then chốt để bảo đảm tính khả thi.
"Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến Chương trình, nhất là phát triển thiết chế văn hoá trong trường học, tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên cho các môn nghệ thuật, mỹ thuật…", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi.
Chia sẻ quan điểm này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị, cách tiếp cận và nội hàm của Chương trình cần gọn gàng hơn để dễ thực hiện và đánh giá hiệu quả; tập trung vào cơ chế, chính sách đầu tư để phát triển văn hoá; đồng thời chú trọng và lĩnh vực văn hoá gia đình, văn hoá học đường, văn hoá xã hội. Lãnh đạo UBND TPHCM đề xuất áp dụng mô hình thí điểm cơ chế có kiểm soát (sandbox) để phát triển văn hoá đa dạng, phân cấp giữa thành phố lớn, đô thị, khu vực nông thôn.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề xuất bổ sung cơ chế, nguồn lực để thu hút các lực lượng xã hội tham gia phát triển văn hoá. Bên cạnh đó có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho các dự án xã hội hoá trong văn hoá để thu hút các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia; phân cấp mục tiêu để tập trung nguồn lực cho những mục tiêu trọng điểm.
NSND Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã nêu những vấn đề bức xúc về tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất của các đoàn nghệ thuật; hạn chế trong công tác đào tạo nhân lực văn hoá, nghệ thuật, lý luận phê bình; chưa có phương thức hiệu quả để đưa sân khấu vào trường học; nhiều địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện cho các hoạt động biểu diễn phục vụ nhân dân…
Giải quyết những hạn chế, yếu kém, tồn tại nổi cộm trong văn hoá
Qua các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, văn hoá là chủ đề rộng lớn, quan trọng, cấp bách. Trong mỗi giai đoạn phát triển của dân tộc, đất nước, văn hoá luôn gắn với những dấu son lịch sử. Văn hoá là hồn cốt, sức mạnh của dân tộc, được thể hiện qua những hành vi ứng xử của mỗi cá nhân. Văn hoá luôn là ngọn đuốc, ánh sáng cho cuộc cách mạng của dân tộc.
Hiện nay, thế giới cũng đang đứng trước dấu mốc lịch sử mang tính thời đại với sự phát triển của kinh tế tri thức, kinh tế số thay vì dựa vào mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, xác định những giá trị mới của văn hoá thời đại mới. "Đây là thời điểm của sự chuyển đổi, là yêu cầu bắt buộc, sống còn".
Để thực hiện mục tiêu chấn hưng, Phó Thủ tướng cho rằng Chương trình cần tiếp cận tổng thể, đồng bộ nhưng tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên nhất. Chương trình sẽ mở đường, định hướng, khơi thông, xác định những nhiệm vụ, lĩnh vực Nhà nước sẽ dẫn dắt, cùng với hệ thống chính trị, các lực lượng xung kích về quản lý văn hoá, văn nghệ, giáo dục-đào tạo, những người hoạt động văn hoá, tạo động lực và cơ hội cho mỗi cá nhân tham gia đóng góp cho phát triển văn hoá.
"Chương trình cần tập trung vào những nhiệm vụ cấp bách trong một giai đoạn ngắn nhằm xoay chuyển tình hình, thể hiện nỗ lực cao nhất của Nhà nước trong đầu tư, chấn chỉnh, khơi thông, hoàn thiện chính sách, nguồn lực, nhằm giải quyết những hạn chế, yếu kém, tồn tại nổi cộm trong văn hoá, chủ yếu do nguyên nhân chủ quan", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Chương trình tiếp tục triển khai các chủ trương phát triển văn hoá đã có với mục tiêu tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, bồi đắp các phẩm chất, giá trị cho xã hội, con người, đồng thời mang lại những giá trị vật chất thông qua công nghiệp văn hoá; hình thành những giá trị văn hoá mới trong dòng chảy thời đại gắn với kinh tế tri thức, đạo đức môi trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…
Phó Thủ tướng cũng lưu ý vai trò quan trọng của doanh nhân hoạt động trong ngành công nghiệp văn hoá, cần có cách thức quản lý phù hợp với đặc thù của sản phẩm nghệ thuật và chính sách khuyến khích, tôn vinh để lực lượng này tiếp tục phát huy trí tuệ, nhiệt huyết, năng lực sáng tạo để phát triển văn hoá.
Văn hoá thuộc về nhân dân, văn hoá gắn với con người
Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu lý luận, truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và người dân về tầm quan trọng của văn hoá, ý nghĩa của các giá trị văn hoá truyền thống với tiếp thu tinh hoa văn hoá trong dòng chảy thời đại.
Chương trình cũng phải định hướng hoạt động cung cấp kiến thức phổ cập về văn hoá, nghệ thuật, mỹ thuật trong hệ thống giáo dục phổ thông, quy hoạch mạng lưới đào tạo chuyên sâu về văn hoá, nghệ thuật…; xác định những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể quan trọng cần tập trung bảo tồn, gìn giữ, phát huy; xây dựng tiêu chí, cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá tại các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa; sớm xây dựng, ban hành các quy chuẩn, giá trị văn hoá, con người Việt Nam, văn hoá công sở, văn hoá trong đảng, văn hoá doanh nhân…; tăng cường năng lực, hiện đại hoá công tác quản lý, ứng dụng công nghệ số phục vụ quản lý, quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hoá.
"Chúng ta cần thay đổi cơ bản, thể chế hoá đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý văn hoá. Trong đó, phân định rõ vai trò quản lý, đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cơ chế, chính sách động viên, huy động nguồn lực xã hội trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, mang lại lợi ích thiết thực, gắn với đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "xã hội hoá, nhưng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm đạt được các mục tiêu đặt ra".
Trong quá trình triển khai Chương trình, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần làm rõ tiêu chí xác định mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên; phân định rõ cơ cấu nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội; khả năng tận dụng cơ chế, chính sách hiện có và phương án tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại…
Nguồn tin: Theo www.chinhphu.vn: