trongdong
text logo

Tăng cường hỗ trợ nguồn lực từ địa phương giúp người dân phát triển kinh tế bền vững

Tác giả bài viết: Thu Huyền

Thứ hai - 19/08/2024 21:58
Thời gian qua, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang đã tích cực huy động, bố trí các nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó, các hộ nghèo và đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, ngành nghề mới; tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự họ vươn lên thoát nghèo, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn.
2
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Sơn Dương thăm vườn dưa chuột của gia đình ông Nguyễn Hữu Thanh, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương
Theo bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Huyện Sơn Dương luôn chủ động  bố trí kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án khác theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và của huyện. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách: đạt 12.057 triệu đồng, trong đó vốn UTĐP ngân sách huyện chuyển sang là: 7.651,4 triệu đồng.
Đồng thời, huyện Sơn Dương chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ...
Qua Hội Nông dân xã Kháng Nhật, gia đình ông Nguyễn Hữu Thanh, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương được tiếp cận với Chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội. Gia đình ông được vay vốn với số tiền 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Thanh, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương cho biết, nhờ có nguồn vốn vay tín dụng chính sách, gia đình ông có vốn để cải tạo đất, trồng 5 sào dưa chuột. Cây hợp đất nên cho năng suất cao, đầu ra ổn định, cuộc sống gia đình ông Thanh cũng nhờ vậy mà bớt khó khăn. Lợi nhuận từ trồng dưa, ông Thanh đầu tư cải tạo thêm ruộng vườn để chuẩn bị trồng ớt. Ông Đỗ Văn Huyền, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Đèo Mon cho biết, hiện hay, thôn Đèo Mon có 23 hộ đang được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng. Nguồn vốn vay chủ yếu bà con trồng dưa chuột liên kết với các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nhờ đó, kinh tế của thôn cũng có sự thay đổi rõ rệt. Người dân có thêm việc làm thường xuyên, có thu nhập,  cuộc sống càng được cải thiện.
Còn với gia đình anh Triệu Văn Kiên, dân tộc Dao, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, nguồn tín dụng chính sách đã giúp gia đình anh có căn nhà xây khang trang, kiên cố, không còn phải sống chạy mưa, chạy nắng như trước nữa. Anh Triệu Văn Kiên chia sẻ, gia đình anh là hộ nghèo, nhiều năm sống trong căn nhà cũ đã dột nát. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình anh được hỗ trợ 50 triệu đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cùng với đó, anh được vay thêm 40 triệu đồng từ chương trình vay vốn làm nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 – 2025 (Nghị định 28). Sau hơn 3 tháng xây dựng, tháng 11/2023, cả gia đình anh được dọn về nhà mới. Căn nhà  xây 3 gian kiên cố giúp cuộc sống gia đình  ổn định hơn. Từ đó, anh Kiên có thêm động lực để lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
1
Căn nhà mới của gia đình anh Triệu Văn Kiên, dân tộc Dao, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương
Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; được các tầng lớp nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ. Đây là một trong những trụ cột tích cực, quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dụng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Cũng theo bà Phạm Thị Nhị Bình, Trong thời gian tới, huyện Sơn Dương sẽ tiếp tục rà soát và tập trung các nguồn vốn tín dụng, các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội quy định
Đồng thời, hàng năm, xem xét cân đối ổn định từ 1.100 triệu đồng đến 1.500 triệu đồng nguồn vốn từ ngân sách huyện ủy thác cho phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của UBND tỉnh; quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu giao dịch của nhân dân; Mở rộng các cuộc vận động vì người nghèo để vận động các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân tự nguyện tham gia đóng góp bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người dân trên địa bàn huyện gửi tiền tiết kiệm vào phòng giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung thêm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đối với Nhân dân trên địa bàn huyện...


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây