Đi tìm những nét độc đáo và khác biệt trong văn hóa người Khmer ở Nam Bộ
Tác giả bài viết: Anh Thư
Thứ hai - 10/03/2025 22:00
Khi nhắc đến những nét đặc trưng và ấn tượng nhất của văn hóa Khmer Nam Bộ thì không thể nào bỏ qua được những phong tục tập quán với những nét độc đáo và khác biệt.
Trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, thức ăn chính của người Khmer thường là cơm tẻ hoặc là cơm nếp. Mắm là loại thức ăn được ưa chuộng và gia vị được sử dụng nhiều là vị chua từ quả me và vị cay từ hạt tiêu, tỏi, sả, ớt, cà ri.
Những ngôi nhà truyền thống được người dân Khmer xây dựng theo thiết kế nhà sàn. Ngoài ra, hôn nhân thường do cha mẹ sắp đặt, có sự thỏa thuận của con cái và cưới xin sẽ tải qua 3 bước là làm mối, dạm hỏi, lễ cưới được tổ chức ở bên nhà gái. Trong các lễ tang sẽ có tục hỏa thiêu, sau khi thiêu tro được giữ trong tháp “Pì chét đẩy”, xây cạnh ngôi chính điện trong chùa.
Ảnh, nguồn internet
Trang phục cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên nét đặc sắc và phong phú cho văn hóa dân tộc Khmer. Những bộ trang phục truyền thống của người dân Khmer đều mang những đặc trưng riêng về tạo hình và phong cách thẩm mỹ độc đáo.
Nam nữ trước đây đều mặc xà rông bằng lụa tơ tằm, người có tuổi mặc quần áo bà ba màu đen còn nam giới khá giả sẽ mặc bộ bà ba màu trắng, khăn rằn quấn trên đầu hoặc vắt qua vai. Trong đám cưới, trang phục của chú rể là áo xà rông có màu đỏ, cổ đứng với hàng khuy trước ngực, bên vai trái quàng chiếc khăn dài trắng. Cô dâu sẽ mặc váy màu tím hoặc màu hồng, áo dài màu đỏ, quàng khăn và đội mũ cưới truyền thống
Ảnh, nguồn internet
Tiếng Khmer thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer trong ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic). Ngày nay, tiếng Khmer thường được sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày ở gia đình, trong sinh hoạt tôn giáo, trong giao tiếp giữa người Khmer với nhau. Tiếng Khmer ở vùng Tây Nam Bộ gồm 3 phương ngữ chính là: phương ngữ Trà Vinh, phương ngữ Sóc Trăng, và phương ngữ Rạch Giá. Ba phương ngữ này chủ yếu khác nhau trên phương diện phát âm và ở chừng mực nào đó là ở việc sử dụng từ ngữ nhưng về cơ bản là không quá khác biệt.
Chữ viết của người Khmer có nguồn gốc từ chữ Pramel – một loại chữ cổ ở miền Nam Ấn Độ. Nhưng do dạng chữ truyền thống này khó viết và khó nhớ nên nó không được phổ cập trong cộng đồng người Khmer Tây Nam Bộ mà thường chỉ có tầng lớp trí thức (chiếm khoảng 20% dân số) như sư sãi, những người hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục… sử dụng.
Dân ca Khmer gồm dân ca nghi lễ, hát ru con (chum riêng bom pê kôn) và hát đối đáp trong lao động. Dân ca nghi lễ là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ cúng thần và nghi lễ cúng cầu mưa, cầu an… Dân ca nghi lễ thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, biểu hiện ước mơ cũng như khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong nghệ thuật ca dân gian của người Khmer, bên cạnh các làn điệu dân ca còn có nghệ thuật múa và nghệ thuật sân khấu. Dân tộc Khmer khá nổi tiếng về các điệu múa nhất là múa dân gian, phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân và mỗi khi có dịp gặp gỡ, vui chơi tập thể là người dân Khmer cùng nhau múa những điệu múa truyền thống. Múa dân gian bao gồm nhiều loại: múa sinh hoạt có Râm vông, Lâm lev, Sarvan. Ngoài ra người Khmer Kiên Giang còn có điệu múa Xarikakeo, múa trống chhayam… nhưng những điệu múa này không phổ biến rộng rãi như ba điệu múa Lâm vông, Lâm lev và Sarvan.
Nghệ thuật sân khấu là một nét độc đáo và đặc sắc trong nghệ thuật biểu diễn của người Khmer, có lịch sử phát triển lâu đời với nhiều trình độ khác nhau từ đơn giản (dân gian) đến phức tạp (cung đình), được coi “là linh hồn của toàn bộ hệ thống nghệ thuật dân tộc mang đậm nét văn hóa và bản sắc riêng của người Khmer”. Các loại hình sân khấu của người Khmer bao gồm:
Sân khấu Rôbam (còn được gọi là hát Réamkèr) với vở kịch nổi tiếng nhất là Réamkèr được rút ra từ áng hùng ca Yamayana của Ấn Độ. Đây là loại hình nghệ thuật lấy múa làm phương tiện truyền tải nội dung nên nó còn được gọi là nghệ th uật múa sân khấu hay kịch múa.
Sân khấu Dù - Kê (Yukê) là kịch hát của người Khmer vùng Tây Nam Bộ, ra đời vào những năm 1920 - 1930 mang dấu ấn đậm nét của sự giao thoa văn hóa với nghệ thuật của người Hoa và người Việt.
Ảnh, nguồn internet
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ rất phong phú. Trong hệ thống lễ hội của đồng bào Khmer Nam Bộ, có nhiều lễ hội đặc sắc nhưng phải kể đến 2 lễ lớn trong năm là Tết Chol Chnam Thmay (là Tết đón năm mới), và Lễ hội Ok-ang Bok (là Lễ cúng trăng), trong lễ có đua thuyền Ngo giữa các phum - sóc.
Tết Chol Chnam Thmay tháng 4 là dịp vui lớn của cộng đồng. Bà con thăm hỏi, chúc lẫn nhau, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao. Lễ đón năm mới của người Khmer cũng có những khác biệt với các dân tộc khác, ông Châu Ôn. Viện Phật học Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ, cho biết: Đón giao thừa của người Khmer khác hơn đón giao thừa của người Việt hay là người Hoa. Đón giao thừa của người Khmer được tính theo mặt trời đi. Tức là theo giờ phút đã định sẳn mà người Hora Cha (người thiên văn) bói toán cách tính theo hướng của mặt trời đi theo đường thẳng, ngay một giờ nào đó. Giờ chấm dứt mùa này sang mùa mới. Thí dụ như năm nay, vào năm mới bắt đầu từ 14h2’, vậy thì người ta lấy lúc 14h2’ đó, ngày đó là ngày người ta mới ở tại chùa tổ chức đánh cồng, đánh chống này nọ xong rồi mới mời, đưa rước đức phật, tượng phật và Moha Songkran xung quanh chánh điện vào giờ đó.
Ảnh, nguồn internet
Văn học dân gian của người Khmer rất phong phú, gồm tục ngữ, dân ca, truyện dân gian (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn và truyện cười). Tục ngữ và châm ngôn của người Khmer thường là những tổng kết về kinh nghiệm hay những nhận xét và những lời khuyên răn được gọi chung là Xôphia – Xết. Đặc điểm nổi bật của truyện thần thoại, truyền thuyết của người Khmer là “phản ánh nét đặc thù trong quá trình khai thiên, lập địa, mở mang địa phận trên vùng đồng bằng sông nước Cửu Long sình lầy, hoang vu, ngập nước và nhiều thú dữ”. Những truyện thần thoại của người Khmer có thể kể đến là “Sự tích mưa, gió, Mặt trời và Mặt trăng”, “Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài”… Ngoài ra, các địa phương còn có các truyền thuyết riêng như: sự tích chiếc thuyền vỡ (ở Vũng Thơm – Sóc Trăng), sự tích Bà Panh diệt cá sấu ở vàm sông Long Xuyên (An Giang)…
Truyện cổ tích của người Khmer thường phản ánh những mâu thuẫn trong xã hội thông qua sự đối lập giữa cái thiện – cái ác, cái tốt – cái xấu chẳng hạn như truyện “Hoàng tử Săng Sê Một Chây”. Bên cạnh văn học dân gian còn phải kể đến văn học viết. Những tác phẩm văn học viết của người Khmer thường được ghi chép bằng các tập lá buông, thường gọi là Sa-Tra truyện (Sa-Tra Rương), gồm những truyện dài về diệt chằn tinh, cứu người.
Người Khmer có kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười. Đặc biệt, sân khấu truyền thống (Dù kê, Dì kê) hết sức độc đáo. Âm nhạc ảnh hưởng của Ấn Ðộ và Ðông Nam Á. Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer. Trong các ngôi chùa Khmer của Phật giáo tiểu thừa (Thérévada), ngoài tượng Ðức Phật Thích Ca được tôn thờ duy nhất, chiếm vị trí trung tâm khu chính điện, vẫn tồn tại một hệ thống phong phú linh thần, linh thú - những dấu vết tàn dư còn lại của Bà la môn giáo và tín ngưỡng dân gian. Chùa và sinh hoạt Phật giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và xã hội.