Người Khmer ở Việt Nam là một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Ở Kiên Giang người Khmer có tỷ lệ đứng thứ hai sau người Kinh, với khoảng 56.800hộ, 238.000người, chiếm hơn 13% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer nói chung đã được các cấp, các ngành quan tâm bảo tồn và phát huy, nhất là từ khi có Luật di sản văn hóa, Luật tín ngưỡng tôn giáo nhiều phong tục tập quán- lễ hội được khuyến khích phát huy, sáng tạo và đã có vai trò tích cực trong tham gia xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Lễ hội Oc Om Bok là địp để đồng bào Khmer cúng tạ ơn thần mặt trăng với ý nghĩa vì đã cho một năm mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu và cầu cho năm tới thời tiết thuận lợi, giúp mọi người no ấm;…
Giải đua ghe ngo Lễ hội Oc Om Bok Khmer Kiên Giang - Ảnh: Trương Vũ
Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch (tương ứng với tháng 10 âm lịch) đồng bào Khmer tổ chức Oc Om Bok- cúng tạ ơn thần mặt trăng với ý nghĩa tỏ lòng biết ơn vì đã làm cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống mọi người no ấm...
Lễ hội này còn được gọi là “Lễ cúng trăng” hay “Đút cốm dẹp”, đây là một dạng phong tục- lễ hội nông nghiệp, xuất phát từ một tín ngưỡng dân gian, cho rằng Mặt trăng như là vị thần cai quản thời gian, thủy triều và thời tiết; là vị thần bảo vệ mùa màng... Người Khmer tin rằng với việc thành tâm, chu đáo thì điều lành, may mắn và hạnh phúc sẽ đến với họ,…
Trong Lễ hội, ngoài những nghi lễ do Chùa Khmer- thông qua vị Sư điều hành, đi liền với lễ cúng trăng là thả đèn gió, đèn nước;… thì nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được cộng đồng người Khmer tổ chức, biểu diễn phục vụ, như: Nghệ thuật âm nhạc, múa, ca- múa, trình diễn trang phục truyền thống Khmer,… Ở đó, người Khmer vừa là chủ thể sáng tạo, trình diễn, vừa là người thụ hưởng chính giá trị của nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình; người Kinh, người Hoa hay các dân tộc khác không trực tiếp tham gia vào nhưng đã tham dự, hưởng ứng nhiệt tình các hoạt động lễ hội, nghệ thuật do người Khmer sáng tạo, cùng xem đó như là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong mối liên kết cộng cư hằng mấy trăm năm qua trên vùng đất ấm áp nghĩa tình này.
Dàn nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer
Đua ghe Ngo là một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Oc Om Bok. Ghe Ngo là một sản phẩm văn hóa độc đáo được sáng tạo rất kỳ công, mỗi một công đoạn đều có những lễ tục theo tín ngưỡng của người Khmer, ghe thường bố trí từ trên 40 đến 60 chỗ ngồi cho người tham gia thi bơi. Đua ghe Ngo có tính lan tỏa, liên kết cộng đồng rất mạnh mẽ, là hoạt động mà các thành phần xã hội mong muốn được xem nhất trong dịp Lễ hội. Những cuộc đua ghe Ngo thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn người, đứng kín cả hai bờ sông,…đi liền với đó là không khí náo nhiệt với sự cổ vũ vô tư, nhiệt tình của đông đảo đồng bào các dân tộc, mà ở trong cuộc vui đó nhiều khi người cổ vũ không cần biết bên nào thắng cuộc… Từ những hoạt động mang nhiều ý nghĩa, giá trị đó mà Lễ hội Oc Om Bok đã trở thành tâm điểm của lễ hội nước đặc sắc của đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ nói chung.
Có thể nói, dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng lễ hội Oc Om Bok của đồng bào Khmer đã ngày càng chứng minh được vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và vùng Tây Nam bộ. Bởi thông qua đó, các loại hình nghệ thuật sẽ vừa là phương tiện để đồng bào Khmer thực hành các nghi lễ, sinh hoạt tín ngưỡng- tôn giáo, văn hóa của dân tộc mình, cũng vừa là hoạt động giải trí, cùng với sự lan tỏa- giao lưu tiếp biến văn hóa trong quá trình cộng cư sẽ góp phần củng cố sự đoàn kết cộng đồng mạnh mẽ hơn giữa các dân tộc anh em. Đó cũng đồng thời là những loại hình di sản văn hoá độc đáo, có vai trò là hạt nhân trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo ra những món ăn tinh thần đặc sắc, là những sản phẩm để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tại tỉnh Kiên Giang, từ năm 2007 lễ hội truyền thống Oc Om Bok đã được công nhận là “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang” được tổ chức định kỳ hàng năm tại huyện Gò Quao;… Năm 2024, để tiếp tục tổ chức chu đáo Lễ hội, ngay từ cuối tháng 9, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tham mưu, ban hành các văn bản để chỉ đạo, phân công giao việc cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện tốt phần việc của mình nhằm tổ chức Lễ hội thành công tốt đẹp. Theo đó, Lễ hội sẽ diễn ra 04 ngày: Từ ngày 13 16/11/2024 (nhằm ngày 13 - 16/10 âm lịch). Trong đó, phần lễ tổ chức Lễ Cúng Trăng vào tối ngày 15/11/2024 (nhằm ngày 15/10 âm lịch) và Lễ Khai mạc Ngày hội và Giải đua ghe Ngo tại khán đài bờ sông Cái Lớn, thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao. Phần hội với nhiều hoạt động, như: Trưng bày hình ảnh, hiện vật mô phỏng cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Khmer; triển lãm, trưng bày giới thiệu sách; tổ chức thi làm giàn thủy lục đẹp; các chương trình văn nghệ phục vụ và Liên hoan “Nghệ thuật truyền thống Khmer” tỉnh Kiên Giang năm 2024; cácc hoạt động thi đấu thể thao: Giải Đua Ghe ngo với nhiều nội dung, cự ly, đối tượng; Giải cầu lông, Giải vô địch bóng đá nam Khmer (11 người) , Giải kéo co Khmer huyện Qò Quao năm 2024… Trong Lễ hội còn tổ chức Hội chợ thương mại, giới thiệu, quảng bá hàng tiêu dùng, sản phẩm đặt trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của huyện Gò Quao và các đơn vị khác trong tỉnh…