Tác giả bài viết: PGS,TS Trần Thị Thu Hoài
“Nước non vạn dặm” là bộ tiểu thuyết lịch sử dự định có 4 tập của tác giả Nguyễn Thế Kỷ khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cùng những trang sử bi hùng của dân tộc từ cuối thế kỷ 19 và hơn nửa đầu thế kỷ 20.
Tập 1 có tên gọi “Nợ nước non”, là hình tượng Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành và những người thân yêu từ mái tranh nghèo xứ Nghệ vào kinh đô Huế, tiếp đó là Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn. Tập 2 có tên gọi “Lênh đênh bốn biển” khắc họa hình tượng Nguyễn Tất Thành, trong tên mới Nguyễn Văn Ba rời thương cảng Sài Gòn ngày 5/6/1911 vượt trùng khơi tìm đường cứu nước, đi trọn 30 năm từ Đông sang Tây, qua bốn biển năm châu để có chuyến trở về Tổ quốc ngày 28/1/1941.
Ra đi, “Lênh đênh bốn biển”
“- Cậu có thể làm được những việc gì?
- Tôi có thể làm bất cứ việc gì
Thành đáp lời một cách chắc chắn.
Ông ta dường như bị thuyết phục, hoặc có lẽ trên tàu đúng là đang thiếu một chân phụ việc nên đồng ý ngay.
…
- Này cậu thanh niên, ta không nghĩ là ông ấy lại đồng ý nhận cậu ngay đâu đấy. Có lẽ do cậu biết nói tiếng Pháp. Người Việt ta học tiếng Pháp cũng nhiều, nhưng chẳng ai biết tiếng Pháp lại xin đi làm phụ bếp cả. Vậy là Tất Thành chính thức trở thành một phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville, nhằm về phía trùng khơi, đích đến là nước Pháp, rẽ sóng. Tên gọi mới của anh là Nguyễn Văn Ba”[1]
Tập 2 đã mở đầu như thế. Và cả tập là những đoạn hội thoại thú vị để người đọc có thể nhìn rõ hơn phẩm chất vĩ đại qua những điều bình dị, thân thương của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc. Anh đã chủ đích tìm đến quê hương của những kẻ xâm lược và nô dịch đất nước mình để hiểu hơn về kẻ thù của dân tộc, tìm con đường cứu nước cứu dân.
“Lênh đênh bốn biển” - Tập 2 chia thành các chương không quá dài, mỗi chương gắn với một vài địa danh, một số nhân vật mà Hồ Chí Minh đã tới, đã gặp, đã sống và làm việc (tại Pháp, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan, trở về Cao Bằng,…) hoặc mỗi chương gắn với một sự kiện chính trị mang tính bước ngoặt trong cuộc đời Hồ Chí Minh (Hội nghị Véc Xây tháng 6/1919, đọc luận cương Lênin tháng 7/1920, tham dự Đại hội Tua tháng 12/1920..), dựng lên không khí của các sự kiện lịch sử, không khí đời sống xã hội tại những nơi Người đã sống và làm việc, tác giả đã biến những thông tin lịch sử khô khan thành những câu chuyện sống động gắn với cuộc đời một con người mà ngay sinh thời đã trở thành huyền thoại - Hồ Chí Minh. Cuộc đời một con người với những sinh hoạt bình dị, lao khổ mà bất cứ ai cũng phải làm để sống, một con người với các giao tiếp xã hội, các hoạt động, các mối quan hệ, các công việc mưu sinh và thấm sâu trong đó là một khát vọng, một ý chí, một quyết tâm tìm ra cho dân tộc một lối thoát, giành độc lập, tự do đã được khắc họa không thể sinh động hơn qua “Lênh đênh bốn biển”.
Những trải nghiệm và kiến thức phong phú về cảnh quan thiên nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, cách tư duy của người dân ở các quốc gia, các khu vực địa lý mà Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc đã tới, đã sống và làm việc cùng sự hiểu biết sâu sắc các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng gắn với cuộc đời Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc, tác giả đã biến những sự kiện, câu chuyện lịch sử thành những hình tượng, những nhân vật rất sinh động, lôi cuốn, lấp lánh văn chương và giàu tính nhân văn, làm xúc động trái tim bao độc giả.
Nguyễn Ái Quốc hiện lên trong chân dung một con người bằng xương bằng thịt với những rung động lứa đôi, những xúc cảm rất con người, rất bình dị về những khát khao tuổi trẻ. Nhưng rồi chàng trai Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc đã ghìm tất cả những khao khát ấy xuống, ưu tiên hàng đầu cho việc kiếm tìm một con đường cứu nước cứu dân. “Annette là một cô gái tuyệt vời, có lẽ phải nói là đặc biệt nữa. Tôi cảm nhận được điều ấy. Nhưng, thứ lỗi cho tôi, Phillipe và những người thân yêu của tôi ơi. Tôi…tôi…chỉ có thể coi Annette như một cô em gái vô cùng quý mến, như ruột thịt mà thôi… Nhưng, Phillipe à, hình như cuộc đời tôi đã không còn thuộc về tôi nữa… Tôi đã quyết định trao toàn bộ cuộc đời này, sinh mệnh này cho đất nước yêu quý và đau thương của tôi, vợ chồng anh có hiểu không? Annette có hiểu và thứ lỗi cho tôi không.”[2]
Trên hành trình lênh đênh tưởng như vô định những ngày tháng đầu, chưa biết sẽ đi đâu, ở đâu, nhưng trong thâm tâm, chàng thanh niên ấy đã nhìn thấy nơi phải trở về: “Có thể tôi sẽ không ở đây lâu, có thể tôi sẽ đi đâu đó nay mai. Chưa biết được. Phương Đông là nơi chốn để trở về.”[3]
Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các bậc tiền bối như: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và các bạn Pháp tiến bộ, các đảng viên Đảng Xã hội Pháp, Đảng Cộng sản Pháp, từng bước giúp Nguyễn Tất Thành nhìn rõ hơn những việc trước mắt mình cần làm: “Vậy nên, Thành ạ, việc của chúng ta trước hết là bảo vệ quyền lợi của người An Nam ngay trên đất Pháp, và bằng những cách nào đó, từng bước giành lại quyền tự chủ cho nước, cho dân ta.”[4]
Trang bìa tập II, bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. |
Với sự sáng tạo đặc biệt, tập 2 cuốn tiểu thuyết đã cho người đọc hình dung một cách sống động, chi tiết, hấp dẫn, chân thực về hành trình 30 năm của Hồ Chí Minh qua biết bao quốc gia, trải biết bao công việc, gặp gỡ biết bao con người từ bình dị đến vĩ đại, những hoạt động chính trị sôi nổi của Người và sức ảnh hưởng, lan tỏa từ những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong cộng đồng người Việt ở Pháp cũng như cộng đồng người bản xứ. Những bước ngoặt lớn trong nhận thức của Người đến từ các dấu mốc quan trọng gắn với các sự kiện lớn của lịch sử thế giới. Trọn vẹn trong tập 2 là hành trình của Người từ khi rời Việt Nam đến Pháp, đi vòng quanh châu Phi, châu Mỹ, trở về Pháp với các hoạt động chính trị sôi nổi. Người gửi bản yêu sách đến hội nghị Véc Xây, đọc Sơ thảo Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và các vấn đề thuộc địa; tham dự Đại hội Tua; đến Liên Xô với những hoạt động chính trị quan trọng; trở về Quảng Châu, Trung Quốc; sang Thái Lan; rồi bị bắt ở Hồng Kông; đi Thượng Hải; trở lại Liên Xô và mùa Xuân 1941, Người trở về đất mẹ Việt Nam. Mỗi bước chân trên hành trình của Người, qua sáng tạo văn học, tác giả đã bám sát những sự kiện lịch sử gốc và sáng tạo văn học đi cùng. Tác giả giúp người đọc hình dung chuỗi câu chuyện về cuộc đời của Người vừa mộc mạc, bình dị, vừa vĩ đại, cao quý. Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, qua sáng tạo văn học, đi vào trái tim người Việt Nam và bạn bè thế giới một cách tự nhiên, lôi cuốn, xúc động, bởi trước khi là một vĩ nhân, Người là một con người bình dị, khiêm nhường như triệu triệu người Việt Nam bình dị khác.
Những sáng tạo văn học thú vị làm mềm hóa các sự kiện lịch sử khô khan, làm lịch sử trở nên sống động, tuy nhiên, không làm mất đi tính chân thực của các nhân vật và sự kiện lịch sử cốt yếu. Đây là một đoạn mô tả sự kiện Nguyễn Ái Quốc đọc luận cương Lênin và tìm thấy con đường cứu nước:
“Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Anh run rẩy cất lời một mình trong căn phòng nhỏ chật chội nhiều sách vở.
Bên ngoài ô cửa sổ nhỏ là vòm cây sáng óng ánh bởi nắng đã ngả sang chiều. Mùa hè nước Pháp chưa bao giờ đẹp và đáng yêu đến thế.”[5]
Toàn bộ những nội dung cốt yếu thuộc về nhân tố chủ quan làm nên tư tưởng Hồ Chí Minh sau này sẽ được người đọc tiếp nhận theo cách thi vị, lôi cuốn trong tập 2 bộ tiểu thuyết. Lý tưởng, hoài bão lớn, ý chí, nghị lực, khả năng tự học, tự kiếm sống của Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc; tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, giàu tính phê phán, đổi mới và cách mạng, tầm nhìn chiến lược… Tất cả những phẩm chất cá nhân đó của Người được khắc họa sinh động trong tập 2 cuốn tiểu thuyết.
Bên cạnh đó, vốn sống và trải nghiệm phong phú của Nguyễn Ái Quốc, hiểu biết sâu sắc chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và chế độ thực dân không chỉ trên lý thuyết mà qua hoạt động thực tiễn tại các nước đế quốc; sự thấu hiểu về phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều châu lục… Tất cả vốn hiểu biết và trải nghiệm đó cũng được tác giả Nguyễn Thế Kỷ khắc họa tài tình qua các trang viết để tạo nên hình tượng văn học Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, rất chân thực, rất sinh động và cuốn hút.
Đọc tập 2 bộ tiểu thuyết để thấy hành trình gian lao, vất vả, trải qua bao cực nhọc nhưng cũng thấm đẫm niềm vui, hạnh phúc và những dư vị ngọt ngào của tình người, tình đời trong 30 năm “Lênh đênh bốn biển” của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, chúng ta trân trọng hơn những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho đất nước và dân tộc Việt Nam, thấu hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh bắt đầu manh nha từ đó là sản phẩm được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, ngục tù; là sản phẩm được kết tinh trí tuệ mẫn tiệp của Người qua quá trình tự học, tự nhận thức, tự vận động mang tính cách mạng và nỗ lực không ngừng vượt qua nghịch cảnh.
Từ rất sớm, Người đã “chơi” với những người bạn Pháp tiến bộ, giàu lòng nhân ái, dựa vào sự giúp đỡ của họ để tìm cách chống lại thực dân Pháp xâm lược ở đất nước mình và ở nhiều nước khác. Hình tượng Phillipe và Annette là một sáng tạo văn học vô cùng độc đáo trong cuốn sách này. Tác giả dựng lên hình ảnh một người lính Pháp, đi lính tại Đông Dương, khi hết hạn được hồi hương trở về cùng trên con tàu đô đốc với Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc. Là người lính của chính quốc tại An Nam, Phillipe thấu hiểu chủ nghĩa đế quốc, thấu hiểu hơn xứ thuộc địa. Và từ sự thấu hiểu này, Phillipe đã trở thành bạn của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc, đã chia sẻ, giúp đỡ Nguyễn trong thời gian Người sống và hoạt động tại Pháp. Hình ảnh của anh chàng Phillipe thấp thoáng trong nhiều chương sách. Phillipe không chỉ hiện diện trong những ngày Nguyễn Ái Quốc ở Pháp mà còn hiện diện ở nhiều nơi trên hành trình của Người. Không chỉ Phillipe mà vợ anh, em gái anh – Annette và những người yêu thương khác cũng trở thành những điểm tựa về nhiều mặt để Nguyễn Ái Quốc có thể vững tâm trên hành trình đi tìm con đường cứu dân, cứu nước. Sáng tạo văn học của tác giả khi để cho Nguyễn Ái Quốc mặc bộ quần áo cưới của Phillipe tham dự Đại hội Tua thật là thú vị. Sáng tạo ấy tăng thêm ý nghĩa và sức cuốn hút của những câu chuyện được mô tả. Chính mối quan hệ tuyệt vời giữa người dân thuộc địa và người dân chính quốc đã góp phần tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, đem lại độc lập, tự do cho các thuộc địa. Thực dân Pháp là kẻ thù của nhân dân Việt Nam, nhưng nhân dân Pháp là bạn của nhân dân Việt Nam. Nhận thức mới mẻ ấy của Nguyễn Ái Quốc được củng cố sinh động qua những mối quan hệ của Người với những người bạn Pháp trên hành trình 30 năm đằng đẵng. Câu chuyện cảm động về quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với một người làm trong sở cảnh sát Paris, người đã bí mật báo tin cho Nguyễn Ái Quốc về việc anh bị cảnh sát theo dõi và đã giúp đỡ anh để đảm bảo sự an toàn cho anh là một trong nhiều câu chuyện cảm động được miêu tả trong tập 2 bộ tiểu thuyết.
“Trưa mùng 2 Tết năm 1941, cả đoàn về đến cột mốc biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc…. Con đường cách mạng phía trước còn rất dài và rất nhiều chông gai, ghềnh thác, nhưng nhất định ông sẽ cùng với đồng chí, đồng bào mình đi tới đích. Nguyễn Ái Quốc tự nhủ khi đặt tay lên cây cột mốc bằng đá trong ngày mùa xuân lạnh giá. Trời lạnh nhưng trong lòng ông như có một ngọn lửa vừa được thắp lên.”[6]
Thử tìm hiểu một chương của tập 2 - Chương 4
Chương 4 viết về Hội nghị Véc Xây và Bản yêu sách của nhân dân An Nam, là một điểm nhấn đặc sắc của tập 2. Trong 29 trang tiểu thuyết của chương 4, Nguyễn Thế Kỷ đã rất thành công khi tái hiện không khí của Hội nghị Véc Xây và sức ảnh hưởng khổng lồ của Bản yêu sách. Những nội dung lịch sử được chọn lọc đưa vào tiểu thuyết giúp người đọc hiểu rõ bối cảnh lịch sử và thái độ của các nước tham gia hội nghị Véc xây; hệ thống Hòa ước Véc xây; nội dung bản Yêu sách ký tên Nguyễn Ái Quốc; lý do Hội nghị lờ đi bản Yêu sách này; lý do Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách tới tay Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, lợi thế của hình thái văn học giúp tác giả có thể tạo dựng ra một không khí lịch sử sống động giúp người đọc hình dung các công việc và quá trình Nguyễn Ái Quốc truyền bá bản yêu sách trong cộng đồng nhười Việt ở Pháp và truyền bá tới tận thuộc địa Đông Dương. Ảnh hưởng khổng lồ của bản yêu sách trong cộng đồng kiều bào tại Pháp, trong dư luận quốc tế được thể hiện dưới hình thái các cuộc trò chuyện thú vị hoặc những tiểu tiết văn học đầy sức biểu cảm và hàm chứa. Em gái của Phillipe, bạn thân Nguyễn Tất Thành, chỉ bằng một lời chào “Chào anh Nguyễn Ái Quốc”, cái tên mà Nguyễn Tất Thành tự chọn cho mình và lần đầu tiên có người gọi anh như thế làm anh không khỏi bất ngờ. Những Việt kiều trong khu phố anh ở trọ, sau khi bản yêu sách ra đời đã tự chào anh bằng cái tên mới Nguyễn Ái Quốc và ngỏ ý sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ anh trong mọi việc cần thiết chỉ vì họ cũng là những người ái quốc.
Cuộc hẹn gặp Nguyễn Ái Quốc của Bộ trưởng Bộ thuộc địa Anbe Xarô sau khi bản yêu sách gây ra cơn bão trong dư luận nước Pháp, cuộc gặp với nhân viên sở mật thám Paris (mà điều bất ngờ lại là đồng minh của Nguyễn Ái Quốc) và những cuộc hội thoại là sản phẩm trí tưởng tượng của tác giả trên nền tảng sử liệu cùng kiến thức trải nghiệm của tác giả làm cho độc giả như được hòa mình trong không khí của Paris những năm đầu thế kỷ XX.
Vai trò của Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và một số người khác, ảnh hưởng của các ông tới hoạt động chính trị của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp; con đường mà các ông lựa chọn; con đường của cách mạng tháng Mười Nga; con đường còn chưa định hình rõ nét của Nguyễn Ái Quốc tới thời điểm tháng 6/1919 đã được thể hiện theo một cách thức lôi cuốn, thú vị và dễ nhớ dưới hình thái văn học thông qua các cuộc đối thoại.
Có những chi tiết đầy thú vị về lịch sử đã được tác giả khai thác thật tinh tế trong chương 4 của tập 2. Cuốn sách Le feu (Khói lửa) của Henri Barbusse viết về chiến tranh thế giới thứ nhất từ trải nghiệm thực tế của chính ông - một người tham chiến, đã được Nguyễn Ái Quốc đọc ngấu nghiến đến quên cả không gian, thời gian trong một mùa hè Paris năm 1919. Một cuốn sách mà tác giả của nó là công dân của một nước thực dân với vô số thuộc địa đã viết rằng: “Tương lai sẽ ở trong tay những người nô lệ”[7]. Cuốn sách mà Nguyễn Ái Quốc tin rằng sẽ trở thành một tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn học nước Pháp. Nguyễn Ái Quốc không thể ngờ rằng cuối giờ chiều đúng ngày bế mạc Đại hội Tua, ngày 30/12/1920, tác giả của “Khói lửa” đã đứng sẵn ở cửa phòng họp chờ bắt tay và trò chuyện cùng anh. Lúc đó Henri là một nhà báo. Cuộc trò chuyện đã gợi mở những điều lý thú về sự tương đồng giữa lý tưởng của hai con người đến từ hai quốc gia rất khác biệt thậm chí đối ngược nhau: một nước chính quốc và một nước thuộc địa của chính quốc ấy.
Chỉ với 29 trang tiểu thuyết, chương 4 đã đem lại cho người đọc những kiến thức và cảm xúc chân thực về những sự kiện lịch sử mà nếu như tiếp cận theo kiểu liệt kê sự kiện trong sử học như chúng ta bấy lâu nay vẫn làm thì lịch sử chỉ là lịch sử trên trang giấy, khó có thể đi vào trái tim và trí óc người học, người đọc.
Ở các chương khác của tập 2, người đọc cũng sẽ có cảm giác bất ngờ, thú vị khi tiếp cận các thông tin lịch sử quen thuộc dưới hình thái văn học, câu chuyện văn học làm các sự kiện lịch sử trở nên sống động và lôi cuốn.
Có thể nói, sau khi hoàn thành, đây sẽ là bộ tiểu thuyết đồ sộ về toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bộ tiểu thuyết không chỉ là một sản phẩm văn học đơn thuần mà hơn thế nữa, đây còn là một bộ tiểu thuyết lịch sử có giá trị cho việc tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của vị lãnh tụ yêu kính của bao thế hệ người Việt Nam - Bác Hồ. Tập 2 bộ tiểu thuyết giúp người đọc hình dung một cách rõ ràng, chi tiết mà không xa rời lịch sử chính thống 30 năm bôn ba nước ngoài của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Những sự kiện lịch sử rời rạc được liên kết lại trong một không gian lịch sử, với cốt truyện, với nhân vật và những câu thoại làm nên một hệ thống câu chuyện lịch sử hấp dẫn, lôi cuốn, logic về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên hành trình vạn dặm. Cách hình tượng hóa nhân vật lịch sử theo cách mà nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã làm rất nên được khuyến khích để giúp “dân ta phải biết sử ta”, để “tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Biết để trân trọng, để tự hào và để gìn giữ những thành quả cha ông đã phải đổi bằng máu, xương, nước mắt và biết bao sự hi sinh không thể cân đong đo đếm được.
[1] Nguyễn Thế Kỷ (2023), Tiểu thuyết Nước non vạn dặm, Tập 2, Lênh đênh bốn biển, NXB Văn học, Trang 9
[2] Sách đã dẫn, Tr 83, 84
[3] Sách đã dẫn, Tr 84
[4] Sách đã dẫn, Tr 63
[5] Sách đã dẫn, Tr 123
[6] Sách đã dẫn, trang 216, 217
[7] Sách đã dẫn, Trang 112
Nguồn tin: dangcongsan.vn: