Tác giả bài viết: Trần Thị Thùy Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn
Ngày 27/08, tại xã Trường Sơn, UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tổ chức lễ hội truyền thống “Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều”. Đây là nét đẹp lễ hội truyền thống đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội trỉa lúa được tổ chức với ý nghĩa hạt giống được cất giữ trong chiếc gùi của người Bru – Vân Kiều hàng năm, khi đem ra trỉa xuống đất, bản làng sẽ tổ chức lễ hội để cầu mong thần lúa, thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn, bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở, chắc hạt, nặng bông để đồng bào thu hoạch mùa màng bội thu. Lễ hội trỉa lúa từ xưa đến nay thường được tổ chức vào ngày 12 tháng 7 âm lịch, bao gồm hai phần, phần lễ và phần hội, trong các bản ở xã Trường Sơn, lễ hội trỉa lúa do đồng bào ở bản Khe Cát tổ chức có quy mô nhất, với nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.
Lễ hội thường tổ chức ở gò cao dưới chân núi Chồng, nơi đó có nhiều cây cổ thụ, trên đỉnh có 3 ngọn núi cao vút. Khám thờ được dựng bằng tre nứa, đặt tựa lưng vào hướng núi Chồng, mặt hướng qua núi Khe Cát mà dân gian bản xứ gọi là núi Vợ. Khi mặt trời chiếu xuống vùng đất lễ, bà con dân bản tập trung đông đủ để làm lễ tế sống (hiến sinh) có thể bằng bò, dê hoặc lợn trắng tuyền. Khoảng 7 giờ 30 phút sáng, khi già làng báo lệnh khai lễ, dân bản đứng khép vòng quanh con vật hiến sinh. Già làng bước vào giữa vòng, tay rót đầy ly rượu khấn to xin các vị thần phù hộ dân bản sức khỏe, may mắn; bày tỏ sự biết ơn trời đất, thần lúa đã ban cho bà con dân bản mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Tiếp theo, hai thanh niên khỏe mạnh khiêng đến một con lợn trắng tuyền nặng đặt xuống cạnh khe nước chảy. Việc trước tiên là làm lễ tế sống (hiến sinh) lợn, dân bản đứng khép vòng quanh con lợn (đang nằm yên ở trên mặt đất, cạnh bờ suối), già làng bước vào giữa vòng người, tay trái xách chai rượu, tay phải cầm chiếc ly thủy tinh nâng lên rót đầy rượu và cất lời khấn to cho mọi người cùng nghe. Khấn xong, già làng tưới rượu từ chiếc ly đang cầm trên tay lên đầu lợn, thân lợn, già làng lại rót rượu trong chai ra ly và chuyền vòng từ trái sang phải đến từng người dân bản, để ai cũng được uống rượu và hưởng lễ. Sau khi cúng xong tất cả dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ vừa thưởng thức những món ăn dân dã vừa chia sẻ với nhau về những dự tính cho mùa vụ sắp tới. Tiếp đến, bà con dân bản cùng hòa mình vào không gian của phần hội với các trò chơi dân gian, như: Chơi xà hùa, chi cà da, bóng má, cháy xà rì…
Đến với xã Trường Sơn theo đường tỉnh lộ 563, đến đường Hồ Chí Minh thuộc nhánh Tây cách thành phố Đồng Hới khoảng 60km là đến trung tâm hành chính của xã nằm giữa núi rừng đại ngàn hùng vĩ. Mặc dù đời sống đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở đây còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng, bà con rất được các cấp chính quyền huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã quan tâm, đem lại cuộc sống cho đồng bào đổi thay từng ngày về đời sống kinh tế cũng như văn hóa, xã hội./.
Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn: