trongdong
text logo

Tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong tư tương Hồ Chí Minh

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Phước Tài, TS. Nguyễn Thuận Quý

Thứ hai - 14/08/2023 22:49

Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc cứu nước giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của người là tài sản tinh thần vô giá góp phần đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội và hơn nữa là chủ nghĩa cộng sản. Bài viết đề cập đến ý nghĩa của tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là nội dung có ý nghĩa to lớn cả về lý luận lẫn thực tiễn trong công cuộc xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa và Chủ nghĩa cộng sản.

1665114477-anh-bac-ho1-1691987700.png

Bác Hồ với các anh hùng, chiến sỹ thi đua.

Cơ sở lý luận hình thành tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh đã tiếp thu, kế thừa có chọn lọc, khai thác và vận dụng sáng tạo những giá trị truyền thống dân tộc, những tư tưởng vĩ đại của nhân loại từ cổ đến kim, đặc biệt là nền tảng lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, để hình thành tư tưởng đặc sắc của mình về tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Hay nói cách khác, tư tưởng của Người là sự gặp gỡ giữa trí tuệ Hồ Chí Minh với trí tuệ của dân tộc, nhân loại và thời đại.

Đối với trí tuệ dân tộc, tinh thần đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh là sự phát triển đỉnh cao của tinh thần yêu nước truyền thống, của ý thức cố kết cộng đồng, của tình nghĩa xóm làng, của tinh thần nhân nghĩa và tấm lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ...của dân tộc Việt Nam.

Đối với trí tuệ nhân loại, tinh thần đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo những tư tưởng, tri thức của triết học Đông - Tây kim - cổ, như: quan niệm trung, hiếu của Nho giáo (Trung Quốc); tinh thần từ bi hỷ xả của Phật giáo (Ấn Độ); tinh thần nhân văn, bác ái, tự do của phương Tây v.v...

Đối với trí tuệ thời đại, tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế của Người mang tính sâu sắc nhất, ý nghĩa, thể hiện rõ bản chất giai cấp, mang đầy đủ tính dân tộc, nhân văn và cách mạng. Đó là khi Hồ Chí Minh tìm hiểu cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917 và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, “một học thuyết triết học đặt mục tiêu giải phóng triệt để con người thoát khỏi bóc lột, áp bức bất công và nô dịch, giải phóng con người khỏi nghèo khổ, tối tăm, ngu dốt, bị tha hóa, để có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và làm chủ”[4].

Tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong tư tưởng của Hồ Chí Minh chính là tư tưởng của một lãnh tụ dân tộc vĩ đại mà trí tuệ, tâm hồn và hành động luôn hướng tới mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Khi nước nhà bị ngoại xâm đô hộ thì Người bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân. Khi nước nhà độc lập, tự do thì Người ra sức chăm lo, phục vụ nhân dân. “Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù ở đâu hay trên bất cứ cương vị nào, hành động của Người luôn toát lên tình cảm chân thành, vì nhân dân, vì đất nước”[3].

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mà cụ thể là tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế không thể tách rời nhau, mà có quan hệ thống nhất biện chứng với nhau. Sự thống nhất biện chứng đó vừa thể hiện tình cảm thiêng liêng, máu thịt, son sắc, thủy chung của một tấm lòng vì nước, vì dân, vừa thể hiện một nguyên tắc cách mạng “bất biến” của Hồ Chí Minh.

Ý nghĩa tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh viết: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với gậy tầm vong và súng hỏa mai lúc đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch” [2, T6, tr. 281, 282]. Qua đây chúng ta thấy được rằng, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc quan hệ biện chứng với nhau, tạo nên một sức mạnh to lớn để dân tộc ta chinh phục tự nhiên, chiến thắng ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc và góp phần vào phong trào cách mạng thế giới.

Tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong tư tưởng của Hồ Chí Minh được thể hiện qua ý chí cách mạng của cả dân tộc Việt Nam: trên dưới một lòng một dạ vì nước, vì dân, vì chủ nghĩa xã hội. Ý chí đó trở thành mối tình đoàn kết gắn bó keo sơn, máu thịt, không một thế lực nào có thể chia cắt được. Người viết: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta” [2, T4, tr. 217-218]. Tinh thần đoàn kết dân tộc được Hồ Chí Minh được Người viết như sau: “Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ” [2, T6, tr. 241].

Để tiến lên chủ nghĩa xã hội thì việc cần làm trước tiên đó là độc lập và thống nhất tổ quốc. Để làm được điều đó thì cần phải xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phải làm cho người dân thuộc mọi tầng lớp đoàn kết với nhau, đặt lợi ích tối cao của dân tộc lên trên hết và trước hết. Bởi lẽ lợi ích tối cao của dân tộc có được đảm bảo thì lợi ích của mỗi bộ phận, mỗi người mới được thực hiện. Vì vậy, khối đại đoàn kết dân tộc chính là nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc, là cuộc sống ấm no, tự do và hành phúc của nhân dân hôm nay và mai sau.

Giá trị của “nguyên tắc” đại đoàn kết trong tư tưởng của Hồ Chí Minh chính là “đoàn kết - thương yêu nhau”. Nghĩa là “đoàn kết” dựa trên nền tảng “tình thương” đối với nhau. Hay nói cách ngắn gọn, đó là tình đoàn kết. Quan điểm đó bắt nguồn từ truyền thống “nhân nghĩa”, “yêu nước thương nòi”, ý thức cố kết dân tộc và tình yêu của mỗi cá nhân đối với gia đình, quê hương, đất nước, đồng bào và giai cấp.

Tinh thần “đoàn kết - thương yêu nhau” được thể hiện trong câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”; trong cách đối nhân xử thế của Hồ Chí Minh: “Quan sơn muôn dặm một nhà, Bốn phương vô sản đều là anh em!” [2, T10, tr. 195]. Tinh thần, ý thức ấy đã làm nên sức sống mãnh liệt giúp dân tộc ta chống chọi với thiên tai dịch họa, chiến thắng mọi thế lực xâm lăng, giữ vững bản sắc dân tộc. Nhờ đó mà kẻ thủ có bao nhiêu thủ đoạn thâm độc cũng không thể nào “làm nguội được tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong lòng người An Nam và tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau” [2, T2, tr. 116].

Đoàn kết thương yêu nhau của Hồ Chí Minh là “có lý có tính” [1, tr. 166], đoàn kết tự giác, kiên trung, trước sau như một. “Tư tưởng đó đã thực sự chuyển thành chiến lược đại đoàn kết, thành chính sách Mặt trận của Đảng ta, đã được Đảng ta vận dụng đúng đắn, sáng tạo, toàn dân ta hưởng ứng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của toàn dân tộc. Tư tưởng đó đã tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc ta, nhân dân ta, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa” [1, tr. 171, 172].

Đoàn kết dân tộc và quốc tế luôn có ý nghĩa chiến lược, biện chứng nên phải nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng. Trong ý nghĩa đó, ta nhận thấy quan điểm về “tình đoàn kết” dân tộc, “tình hữu ái” quốc tế của Hồ Chí Minh hết sức sâu sắc. Tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau của Hồ Chí Minh chính là chất xúc tác làm phát sinh và phát triển “tình đoàn kết” dân tộc và “tình hữu ái” quốc tế ấy, trước đây và ngay trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Tư tưởng nhất quán ấy của Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Người viết: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ” [2, T.7, tr. 438]. “Hễ là con Hồng cháu Lạc, người có lương tâm, thì chắc ai cũng tán thành và ủng hộ mục đích cao cả ấy. Cho nên chúng ta đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, yêu thống nhất trong cả nước và ở nước ngoài” [2, T8, tr. 197].

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về tình đoàn kết dân tộc và quốc tế, trước sau như một, luôn là sự đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó là cơ sở tạo nên sức mạnh bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, mang lại sự bình yên, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Bằng những câu chữ ngắn gọn, Hồ Chí Minh đã khẳng định khối tình đoàn kết dân tộc luôn có cơ sở, nguồn gốc và cũng như khẳng định một ý chí quyết tâm không ai có thể chia rẽ được. Người viết: “Nước Việt Nam là một khối thống nhất không thể chia cắt được. Dân tộc Việt Nam từ lâu đã xây đắp Tổ quốc mình suốt từ Bắc chí Nam cùng chung một lịch sử, một tiếng nói, một nền kinh tế, cùng đứng lên đánh đuổi thực dân” [2, T9, tr. 67]. “Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta” [2, T11, tr. 433].

Trong tư tưởng của Người vấn đề đại đoàn kết dân tộc bao giờ cũng xuất phát từ lòng yêu nước, lòng tin yêu đối với nhân dân. Người cho rằng trong mỗi con người “ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc” [2, T4, tr. 246] tiềm ẩn bên trong. Tấm lòng yêu nước ấy có khi bị bụi bậm che mờ. Chỉ cần làm thức tỉnh lương tri con người thì lòng yêu nước lại bộc lộ. Người viết: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày” [2, T.6, tr. 172].

Đối với những người lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải, Người vẫn kêu gọi họ về phía dân tộc, vẫn đoàn kết với họ mà hoàn toàn không định kiến, khoét sâu thêm cách biệt. Thậm chí đối với những người trước đây đã chống dân tộc, nhưng nay không chống nữa, khối đại đoàn kết dân tộc vẫn mở rộng cửa đón tiếp họ. Người cho rằng năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng cả năm ngón đều ở một bàn tay. Từ đó, Người nói lên sự cần thiết để thực hiện khối tình đại đoàn kết rộng rãi trong nhân dân. Người viết: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ” [2, T7, tr. 438].

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc thể hiện trong tư tưởng trung với nước và hiếu với dân của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ long yêu thương nhau như tình thân ruột thịt. Ý nghĩa to lớn đó là “tình đoàn kết quân dân” [2, T6, tr. 426]. Hồ Chí Minh cho rằng “không đâu thực hiện sự đoàn kết ấy sâu rộng và thấm thía hơn giữa quân đội và nhân dân ta” [2, T6, tr. 426]. Người viết: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. (...) Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau” [2, T11, tr. 350]. Với ý nghĩa đó, Người khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta, tình đoàn kết giữa quân và dân đã thành một lực lượng vô cùng to lớn mạnh mẽ” [2, T6, tr. 429].

Đối với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở tư tưởng và những lời kêu gọi mà trờ thành một chiến lược cách mạng, trở thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân ta. Nó thực sự đã trở thành sức mạnh vật chất, thành lực lượng to lớn của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cả dân tộc hay toàn dân chỉ trở thành lực lượng to lớn, trở thành sức mạnh khi được giác ngộ về tinh thần đoàn kết cách mạng, được tổ chức lại thành một khối vững chắc và hoạt động theo một đường lối chính trị đúng đắn.

Ý nghĩa to lớn của tình đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định. Từ tư tưởng của đó, Đảng ta đã tiếp tục vận dụng và phát triển trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng. Trên tinh thần đoàn kết trong tư tưởng của Hồ Chí Minh đã trở thành hành động cách mạng, thành lực lượng vật chất to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như Hồ Chí Minh từng khẳng định: “đoàn kết nhằm vào mục đích chung phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” [2, T8, tr. 325]. Với ý nghĩa đó, Đảng ta chủ trương đại đoàn kết dân tộc dựa trên lập trường tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới. Cụ thể như:

Thứ nhất, nó có ý nghĩa khơi dậy và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh toàn dân tộc. Đặt lợi ích chung của dân tộc, của đất nước và của con người lên hàng đầu. Lấy đó làm cơ sở để xây dựng các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội. Nếu trước kia sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc là chiến thắng giặc ngoại xâm, thì bây giờ sức mạnh ấy phải là sức mạnh để chiến thắng đói nghèo và tụt hậu. Phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, quyết tâm phát triển toàn diện đất nước, không bỏ lỡ thời cơ, vận hội; không chậm chạp trong khi thế giới đang biến đổi từng ngày, từng giờ; phát huy tinh thần tự lực tự cường, đẩy lùi mọi nguy cơ, vượt qua mọi thách thức.

Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc để xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Thực hiện di chỉ của Hồ Chủ tịch: “Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc” [2, T.10, tr. 605]. “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc” [2, T10, tr. 606],...

Thứ hai, ý nghĩa to lớn mà nó có được, xuất phát từ lợi ích dân tộc, phải tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước. Nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, sự tụt hậu xa về kinh tế, khoa học, kỹ thuật và công nghệ so với các nước trong khu vực và thế giới. Từng bước hội nhập kinh tế thế giới bền vững, “sánh vai với các cường quốc năm Châu” và “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” [2, T.12, tr. 512].

Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong điều kiện đất nước hội nhập kinh tế thế giới, là thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa diện với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các quốc gia trên thế giới. Mở rộng đoàn kết quốc tế trên tinh thần độc lập tự chủ, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước khác, mở rộng hợp tác cùng có lợi, phấn đấu vì hòa bình, phát triển, chống chiến tranh, đói nghèo, bất công, cường quyền, áp đặt trong quan hệ quốc tế. Khép lại những vấn đề của quá khứ, lịch sử, xoá bỏ mặc cảm, hận thù, nhìn về tương lai, xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc,...

Thứ ba, nó có ý nghĩa khi Đảng ta lãnh đạo thực hiện thành công nên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đảng ta chủ trương đi từ cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân.Trên tinh thần củng cố và phát huy truyền thống đoàn kết, tình nghĩa, tương thân tương ái của dân tộc, đảm bảo cải thiện và nâng cao đời sống của người lao động, làm cho đời sống của người dân khấm khá, giàu có, xã hội văn minh hiện đại.

Phải có chính sách nhất quán, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa khoa học, nhất quán để người dân tin tưởng, đem hết tài lực phát triển kinh tế - xã hội. “Ngày nay, với tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, thực hiện một nền kinh tế nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy được mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước tiên lên chủ nghĩa xã hội” [1, tr. 345].

Thứ tư, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong thời đại mới luôn đòi hỏi phải xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh. Đảng viên phải thật sự “đoàn kết, thương yêu nhau”, làm gương cho quần chúng. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ta có một Đảng to lớn. To lớn mạnh mẽ là vì có chủ nghĩa Mác – Lênin, vì sự cố gắng không ngừng của toàn thể đảng viên, vì được toàn quân và toàn dân thương yêu, tin cậy, ủng hộ” [2, T.6, tr. 176].

Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước trên tinh thần “hết lòng trung thành phục vụ nhân dân, phục vụ những người lao động, mong muốn đoàn kết chặt chẽ trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa” [2, T9, tr. 316]. Đảng lãnh đạo đất nước trong giai đoạn đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế là phải luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới là yếu tố nội sinh có ý nghĩa quyết định, nhằm tạo lực và thế để vươn ra bên ngoài. Đồng thời, mở cửa, hội nhập quốc tế là nhằm làm cho lực và thế nước ta ngày càng tăng lên.

Sự nghiệp đổi mới bắt nguồn từ việc vận dụng, phát huy tư tưởng trung với nước và hiếu với dân của Hồ Chí Minh của Đảng ta là sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân. Cho nên mọi chủ trương chính sách của Đảng ta đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, vì hạnh phúc của nhân dân, vì mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Phải nhận thức rằng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân chính là tiền đề, nền tảng cơ bản của khối đại đoàn kết toàn dân. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin” [2, T.10, tr. 197].

Thứ năm, thực hiện đại đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế. Chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Đó là tư tưởng biện chứng có ý nghĩa to lớn trong di sản Hồ Chí Minh. Phải xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thề giới. Cách mạng Việt Nam chỉ có thể giành được thắng lợi, đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, khi biết đoàn kết chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới, các lực lượng tiến bộ khác.

Đại đoàn kết dân tộc phải là cơ sở cho việc thực hiện đoàn kết quốc tế. Nếu đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, thì đoàn kết quốc tế cũng là một nhân tố hết sức quan trọng giúp cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế là di sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta

Mối quan hệ biện chứng trong tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong việc định hướng xây dựng một nền tảng đạo đức mới, đời sống mới, con người mới trong giai đoạn phát triển phát triển hiện nay của đất nước - xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng của Người gắn kết với nền tảng lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành những chuẩn mực giá trị đạo đức cao nhất, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ở nước ta.

Thông qua việc tìm hiểu tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế chúng ta thấy được lòng yêu nước của con người được thể hiện trước hết là sự tôn trọng người với người, đoàn kết yêu thương dân tộc và nhân loại. Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy được tinh thần này đã trở thành “kim chỉ Nam” cho hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trên con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam - Một tinh thần có giá trị nhân văn vô cùng quý giá./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Võ Nguyên Giáp (2000), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2]. Hồ Chí Minh Toàn tập (2000), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[3]. Bùi Đình Phong, Hồ Chí Minh học và minh triết Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.5.

[4]. Hà Thiên Sơn, Lịch sử triết học (tái bản lần thứ tư), Nxb. Trẻ, 2004, tr. 323.

Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây