Dường như trong sự hối hả có phần xô bồ, bụi bặm của lối sống công nghiệp đã và đang định hình, chắc hẳn không có nhiều những làng quê vừa lưu giữ được nét đẹp hào hoa, cổ kính trong di sản truyền thống mà còn vừa tiếp tục phát triển, tiếp biến hệ giá trị văn hóa, lưu truyền những báu vật cha ông cho các thế hệ mai sau. Hành Thiện là trường hợp đặc biệt, một trong số những làng khoa bảng nổi tiếng nhất với không gian học thuật và văn hóa đặc sắc có một không hai của khu vực đồng bằng Bắc bộ. Đến Hành Thiện, những ngày lễ hội chùa Keo tháng 9 Âm lịch để cảm nhận sự thanh tịnh, tinh tế trong tâm thức Phật giáo Lý - Trần trên từng nét hoa văn thuần Việt, trải nghiệm lễ hội bơi trải đặc sắc, hương vị dẻo, thơm của những chiếc bánh giầy to cùng với giò chả giã tay, nem nắm truyền thống, vị cay nồng của men rượu gạo thành Nam…Hơn tất cả vẫn là giá trị đậm nét nhất trong văn hóa, con người Hành Thiện, đó là sự coi trọng di sản “chữ nghĩa” - biểu trưng học vấn, trí tuệ người Việt được hun đúc và nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ.
Hành cung trang và mảnh đất huyền thoại hình cá chép
Theo từ điển Bách khoa mở (Wikipedia) và sách cổ Hành Thiện xã chí (thế kỷ XIX) gốc tích làng Hành Thiện xuất phát từ ấp Hộ Xá, làng Giao Thủy, huyện Hải Thanh (sau được nâng thành phủ và đổi tên là phủ Thiên Trường). Làng Giao Thủy, có tên Nôm là làng Keo, là một làng cổ có từ trước thế kỷ thứ X, về địa lý, làng Hành Thiện nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ, tiếp giáp với huyện Vũ Thư (Thái Bình) và huyện Trực Ninh (Nam Định).
Nhiều “nhà” phong thủy cho rằng đất làng hình "Lý ngư" (cá chép), ở tư thế sinh động, vẫy vùng trong nước là vô cùng đặc biệt, tượng trưng cho giai đoạn sắp “vượt vũ môn”, “hóa rồng”. Đầu cá quay ra sông Ninh Cơ, đuôi quẫy về phía sông Hồng, trước, sau đều thông thoáng, có trời, có nước, có cỏ, cây, hoa, lá, vạn vật hữu tình, sinh sôi, nẩy nở như con người gặp thời vận thỏa chí tang bồng vậy.
Bản đồ Hành Thiện hình “Lý ngư” (cá chép) (ảnh website làng Hành Thiện)
Hành Thiện về đêm (ảnh trang tin làng Hành Thiện)
Mặt trước chùa Keo - Hành Thiện ngày lễ hội (ảnh trang tin làng Hành Thiện)
Cảnh đẹp Hành Thiện (ảnh trang tin làng Hành Thiện)
Từ xa xưa, làng cổ đã chia làm 14 giong ứng với 14 xóm (nay là 15 xóm). Các đường giong thong thẳng từ lối trước ra lối sau như chia hình cá ra làm 14 khúc. Cư dân làng theo địa thế “lý ngư” mà dựng nhà, sống tập trung hai bên đường giong, nên dù con đường dài và thẳng nhưng từ đứng đầu xóm, có thể nhìn tận cuối xóm. Dân Hành Thiện xưa chia đất cho các gia đình khá đều. Mỗi một thửa đất được chia khoảng 1,5 sào Bắc bộ (540m2), không phân biệt sang, hèn. Cũng vì vậy mà quy hoạch làng khá đều và vuông vắn.
Giong (xóm) Hành Thiện (ảnh trang tin làng Hành Thiện)
Cổng trước các xóm (ảnh trang tin làng Hành Thiện)
Đời Lý, làng Hành Thiện đã được biết đến khi xuất hiện nhân vật nổi danh trong Phật giáo là Thiền sư Dương Không Lộ, được vua Lý Thánh Tông ban tặng danh hiệu Quốc sư (1061) và cho phép xây dựng chùa Nghiêm Quang Tự (tiền thân của chùa Keo ngày nay). Trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, các vua Trần cho rút triều đình khỏi Thăng Long về phủ Thiên Trường, nên Hành Thiện được nằm trong khu vực có ý nghĩa quan trọng, có vai trò“thủ đô kháng chiến”, tuy nhiên hiện vẫn chưa tìm thấy tài liệu lịch sử nào ghi chép về các sự kiện làng thời kỳ này. Sau khi chiến thắng giặc Mông, khải hoàn kinh sư, các vua Trần vẫn coi phủ Thiên Trường là kinh đô thứ 2, nên vẫn thường về lui về, ghé thăm Hành Thiện, du ngoạn và thưởng thức loại sản vật nơi đây. Tương truyền làng Hành Thiện có một loại cam vị thơm, ngọt khá đặc biệt được nhắc đến trong sử sách thời Trần. Cái tên cổ của Hành Thiện là Hành Cung Trang (trang trại là cung nghỉ của vua khi vi hành) xuất phát từ đó.
Thời Lê, làng nâng cấp thành đơn vị xã những vẫn giữ tên Hành Cung. Năm 1823, vua Minh Mạng dường như có cảm xúc rất đặc biệt với mảnh đất địa linh nhân kiệt này, nên đích thân đổi tên làng là Hành Thiện (行善) với ý nghĩa "nơi thực hành điều thiện". Vua đồng thời ban tặng cho làng 4 chữ "Mỹ tục khả phong" (đạo sắc phong cho vùng đất nhiều phong tục đẹp) với hàm ý biểu dương việc học hành, biểu dương những con người luôn biết bảo ban nhau, lưu truyền giá trị tri thức cho các thế hệ kế tiếp.
Lò tôi luyện nhân tài đến truyền thống khoa bảng
Không biết có phải do sự đặc sắc về phong thủy, hay do khí hậu ôn hòa, gần gũi thiên nhiên, sông nước, mây trời, mà mảnh đất “cá chép hóa rồng” từ lâu đã phát tiết tinh hoa, nổi danh về khoa bảng, cung cấp nguồn tài nguyên trí tuệ, trí thức dồi dào cho các triều đại khác nhau. Những câu nói “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi”, “Đậu phụ Thủy Nhai, Tú tài Hành Thiện” lưu truyền trong dân gian là sự tổng kết những câu chuyện học hành kỳ thú với những nhân vật lịch sử “vang bóng một thời” xung quanh ngôi làng ngàn năm tuổi kỳ lạ này.
Vinh quy bái tổ (tranh dân gian)
Theo sử liệu và thống kê các dòng họ, trong thời kỳ Nho học, ngôi làng hình cá chép tuy bé nhỏ chưa đầy 6000 cư dân sinh sống nhưng đã cống hiến tới 419 người đỗ đạt, từ cấp tú tài, đến cử nhân, phó bảng, tiến sĩ. Tương truyền, người khai khoa cho làng là cụ Nguyễn Thiện Sĩ đỗ Cử nhân năm 1522. Trong 7 người đỗ đại khoa thì cao nhất là cụ Đặng Xuân Bảng, đỗ Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh năm 1856. Từ học vấn, thi cử, đỗ đạt thì không ít người làng được triều đình trọng dụng, phong quan chức. Thời phong kiến, Làng có 04 người làm quan tới Thượng thư, 04 người làm Tuần phủ, 04 người làm Tổng đốc, 23 người làm quan giúp việc triều đình; 69 người làm quan Tri phủ, Tri huyện, chưa tính đến các danh sĩ ẩn dật, dạy học tại làng. Thời hiện đại, cũng có nhiều trí thức Hành Thiện giữ chức vụ lớn, đứng đầu nhiều cơ quan bộ, ngành, địa phương. Đây cũng là quê hương của cố Tổng bí thư Trường Chinh.
Không gian bên trong Nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh tại Hành Thiện (ảnh sưu tầm)
Nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh (ảnh sưu tầm)
Trong sách “Làng Hành Thiện và các nhà Nho Hành Thiện dưới triều Nguyễn” cụ Đặng Hữu Thụ, có mô tả về đám rước vinh quy hai cụ Nghè (tiến sĩ) Nguyễn Ngọc Liên và Đặng Hữu Dương, về làng Hành Thiện sau thi Đình khoa thi năm 1889 thật sống động như sau: “Đi đầu đám rước là 10 lá cờ ngũ sắc do 10 thanh niên đội nón sơn son, áo màu đỏ có giây lưng vàng thắt nịt vào người. Kế đó là đồ lỗ bộ là gươm, giáo, kiếm, kích, bát xà mâu, chuỳ, đao, thương bằng đồng sáng loáng do tám dân phu vác. Các dân phu này cũng nón áo y hệt các thanh niên cầm cờ và tất cả các dân phu trong đám rước vinh quy đều vận y phục như vậy. Một dân phu cầm lá cờ “Đệ Tam Giáp Tiến Sĩ” có một lọng vàng che do một dân phu khác vác.
Tấm biển sơn đỏ một mặt khắc chữ vàng “Ân Tứ Vinh Quy” được một dân phu vác và được một dân phu vác tán đỏ thêu kim tuyến che. Sau đó một thanh niên mang trống tiêu cổ điểm từng tiếng tùng, tùng để dẫn đường. Liền sau đó là một chiếc kiệu sơn son thiếp vàng do bốn dân phu khiêng. Kiệu này mang sắc Vua ban và những đồ Vua ban trong ngày thi Đình như ấm, chén, bát, đĩa, choé, liễn là đồ sứ Giang Tây, Nhật Bản, đũa ngà, dao cán bạc, khay khảm xà cừ, khay sơn son thiếp vàng, tráp sơn đen chạm rồng vàng, mâm đồng nhỏ có chạm trổ.
Hai bên kiệu có hai dân phu vác lọng vàng che kiệu. Kế đó là phường bát âm hoà những bản nhạc vui như cao sơn, lưu thuỷ. Các người trong phường bát âm đều đội khăn lượt, mặc áo sa đen. Sau phường bát âm là võng cáng cụ Nghè Liên. Võng này do hai dân phu khiêng và có hai dân phu cầm lọng che. Cụ Nghè Dương không đi võng, cụ cỡi ngựa bạch và cũng được hai dân phu, một ở bên phải và một ở bên trái ngựa che hai lọng. Cụ Nghè Liên cũng như cụ Nghè Dương, đội mũ cánh chuồn, bận áo tiến sĩ, đi hia…Chánh tổng Hành Thiện và các lý trưởng tám xã tổng Hành Thiện cùng một số người nhà của mỗi cụ Nghè đi phía sau đám rước.
Trong quan niệm khá độc đáo của người Hành Thiện xưa nay, học hành dường như là phương thức duy nhất để tồn tại, nó được giống như “đạo làm người” vậy. Chẳng biết truyền thống có từ bao giờ, nhưng đến nay ở ngôi làng hình cá chép này, người ta ham học kỳ lạ. Chẳng quý gì bằng chữ và chữ nghĩa là cái gì đó thật kỳ lạ, vừa giống như thức ăn, khí trời, vừa là thứ được người dân coi là thiêng liêng, tôn kính. Người, người đi học, nhà, nhà đi học, học không có điểm dừng, học không có bắt đầu cũng như không có kết thúc. Trẻ con làm thơ phú nghêu ngao ngoài ngõ vốn là chuyện rất bình thường ở mỗi gia đình Hành Thiện trước đây. Người ta nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng khẩu khí từ học vấn, trí tuệ, bằng sự ẩn dụ, thâm thúy trong “kinh điển”, mà cũng bằng văn hóa “tôn sư trọng đạo”, “tôn trọng bằng hữu”, luôn “kính lễ” nhau, chứ không phải chỉ là ngôn ngữ thường ngày. Bố mẹ nghèo khó đến đâu, dù phải làm thuê, cuốc mướn cực khổ, thì vẫn phải dành dụm tiền chu cấp cho con cái học hành tử tế. Như vậy mới là làm tròn “đạo” của người làm cha, làm mẹ. Một người học hành giỏi giang, thành công, thành danh thì không chỉ là tự hào của gia đình mà còn của cả dòng tộc, quê hương, được tôn vinh bằng những nghi thức văn hóa truyền thống cầu kỳ, trong đó có nghi lễ tôn vinh và khắc tên các tiến sĩ trên bảng lưu danh và bia đá của làng.
Theo chuyện các cụ kể, cái “sự học” ở Hành Thiện rất kỳ lạ. Tri thức luôn là sự đan xen giữa lý thuyết và thực hành, ứng dụng, giữa khoa học phương Tây và truyền thống đạo đức phương Đông, thậm chí là sự đan xen giữa khoa học tự nhiên, kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn. Trước đây, mọi tri thức mới dường như đều được cập nhật tại làng quê nhỏ bé này, không thua kém gì phố thị.
Đầu thế kỷ XX, khi phong trào Đông Du, phong trào Tây học ở Hành Thiện phát triển thì trong cùng một làng, nhà học theo Tây thì các cụ nói tiếng Pháp, mặc vest, cắt tóc ngắn. Trái lại, các cụ theo Nho thì vẫn khăn xếp, áo the, ngồi chõng tre, tay phe phẩy quạt giảng Tứ thư, Ngũ kinh cho các cháu tóc còn để chỏm trên đầu. Trong làng một bên thì các cháu nhỏ thuộc làu, đọc ra rả Tam tự kinh, Ngũ tự kinh. Nhà bên thì lại có chuyện bà cụ già ngoài 60 tuổi đọc “Những người khốn khổ” của văn hào Vitor Hugo tiếng Pháp rồi kể cho con cháu nghe. Có nhà thì con với bố cùng đỗ một khoa thi. Có khi con đỗ đạt, bố mới đi học rồi mới thi đỗ. Nhà khác thì không chỉ “Tứ tử đăng khoa” mà đến con rể cũng cùng thi rồi cùng “đăng khoa”. Có nhà thì cho rằng Nho học bảo thủ, bỏ làng, di cư tận Pháp sống để rồi thành các nhà khoa học lớn ở trời Tây.
Trong không gian học thuật ở Hành Thiện, điều kỳ lạ nhất là dường như ai cũng tôn trọng nhau, từ trí thức lớn đến các em nhỏ, dù khác quan điểm thì gần như chưa hề xảy ra chuyện xung đột học thuật hay tư tưởng. Các dòng tộc lớn như Đặng (Đặng Xuân, Đặng Vũ, Đặng Đức, Đặng Hữu…) Nguyễn, Phạm đều có những hoạt động khuyến học riêng của dòng tộc mà cũng không hề xảy ra xung đột, trái lại cùng chung tay phối hợp để tổ chức các hình thức khuyến học thường xuyên trong làng.
Nơi sân đình làng hiện nay có những tấm bia đá, khắc tên những người đỗ đạt trong làng từ xưa đến nay, trở thành biểu tượng văn hóa mà người già, trẻ con của làng đều phải tôn kính, đồng thời cũng rất tự hào với những du khách ghé thăm. Đến năm 2023, tổng kết bia làng đã khắc tên hơn 220 tiến sĩ (trong đó có hơn 80 giáo sư, phó giáo sư) thời hiện đại. Đây một con số ấn tượng và rất đáng tự hào dường như không một làng quê nào ở Việt Nam có được.
Bia đá Hành Thiện (ảnh sưu tầm)
Bên cạnh đó, làng Hành Thiện cũng là nơi sản sinh nhiều trí thức lớn, danh nhân có công với quốc gia, dân tộc từ thời kỳ phong kiến cho đến hiện đại. nói đến Hành Thiện không thể không nhắc tới nhân kiệt nổi tiếng như Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên, Tiến sĩ Đặng Hữu Dương (thế kỷ XIX), Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, Tổng bí thư Trường Chinh, Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu; Giáo sư Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Bác sĩ Đặng Hồi Xuân, Tướng quân Đặng Quốc Bảo, Đặng Quân Thụy, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, Giáo sư Đặng Cảnh Khanh (Thế kỷ XX)…Vượt ngoài phạm vi quốc gia, cũng có những trí thức trẻ thành công lớn ở nước ngoài, điển hình như Giáo sư Đặng Vũ Thiên Thanh, người đã giành 12 giải thưởng Y học danh tiếng của thế giới khi mới khoảng trên dưới 30 tuổi.
Tác giả thăm nơi an nghỉ của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu tại Hành Thiện
Hiện nay, trí thức Hành Thiện cũng không thiếu nhân vật thành danh, được ghi nhận bằng những cống hiến trong nhiều lĩnh vực trọng yếu của đất nước từ quản lý nhà nước cho tới khoa học, giáo dục, y tế, báo chí, nghệ thuật…Học hành vẫn là truyền thống được giữ gìn cẩn trọng qua các thế hệ con cháu Hành Thiện. Hàng năm cứ khoảng trước năm học mới làng lại tổ chức nghi lễ vinh danh các tiến sĩ, các cháu học sinh, sinh viên có thành tích tốt trong học tập. Quỹ khuyến học tại làng và quỹ khuyến học người Hành Thiện tại Hà Nội luôn vượt hơn 11 chữ số, nhờ sự đóng góp tích cực của lớp thế hệ thành công đi trước. Quỹ khuyến học không chỉ là nơi phát hiện, ươm mầm, nuôi dưỡng những tài năng Hành Thiện mà còn là biểu tượng văn hóa trường tồn của một vùng quê – đất học.
Trao giải học sinh giỏi làng Hành Thiện 2023
Kết thúc Kỳ 1 (còn tiếp).
Kỳ 2: Chùa Keo - biểu tượng văn hóa Phật giáo mang tinh thần Việt, di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia