trongdong
text logo

VÕ THUẬT - MỘT DI SẢN VĂN HÓA DÂN TỘC

Tác giả bài viết: Tiểu Linh Bảo

Thứ năm - 13/02/2025 21:30
Đất nước chúng ta xưa nay như một vị tráng sĩ khổng lồ, cơ bắp cuồn cuộn, thông minh sáng suốt, sẵn sàng đối diện với mọi thách thức, mọi kẻ thù hắc ám. Khi thái bình, yên ổn thì lấy văn hóa mà trị nước theo nguyên tắc “văn trị chung tu chí thái bình” của Nguyễn Trãi, khi loạn lạc thì ngồi trên mình ngựa mà xông pha khói lửa, đao kiếm, đạp lũy, phá thành, giữ yên bờ cõi, biên ải.
Anh1
Võ cổ truyền Bình Định được biểu diễn trong Lễ kỷ niệm 233 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn , nguồn https://binhdinh.dcs.vn/
 
1. Nâng cao nhận thức về vai trò của võ thuật trong xã hội hiện đại
 
Hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều tồn tại ít nhiều những giá trị văn hóa có liên quan đến võ thuật. Do những yếu tố đặc trưng gắn liền với hoàn cảnh địa lý, chính trị, kinh tế mà mỗi khu vực, vùng miền lại có những nét riêng về tư duy và thực hành võ thuật nhằm bảo vệ cuộc sống an lành cho cộng đồng của mình.

Ở một số nền văn hóa như Tây Tạng, Nê Pan, dưới ảnh hưởng của tư tưởng nhân đạo, nhân văn của Phật giáo, người dân luôn tránh dùng đến bạo lực trong các mối quan hệ xã hội và ngay cả trong cách ứng xử với các giống loài từ sinh vật đến muông thú cũng vậy. Trong lịch sử của mình, họ cũng đã phải ít nhiều trả giá bởi những tư tưởng đó.

Nhưng ở Hy Lạp cổ xưa, có một quốc gia nhỏ bé là Sparta lại có quan điểm khác để tự bảo vệ đất nước mình. Cư dân nơi đây ngay từ đầu đã coi việc rèn luyện tinh thần chiến binh, dùng võ thuật và rèn luyện kỹ thuật thưc chiến là vũ khí quan trọng nhất để giữ gìn bờ cõi.

Bắt đầu từ bảy tuổi, những đứa trẻ Sparta đã bị đưa khỏi gia đình để tham gia các hoạt động võ thuật, huấn luyện quân sự, sống và rèn luyện theo các quy tắc kỷ luật sắt đá, ngủ giường cứng, dạy sớm, thức khuya, biệt cách tự mình vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Các chiến binh Sparta đánh đâu thắng đó, vinh quang nối tiếp vinh quang. Trong thời kỳ cường thịnh của mình, Sparta được coi là đất nước hùng mạnh nhất vùng Hy Lạp

Nói đến văn hóa Nhật Bản người ta không thể không nhắc đến tư tưởng “võ sĩ đạo”. Võ sĩ đạo là sự kết hợp giữa tư tưởng văn hóa chính trị trong quản lý xã hội với những nguyên tắc hành xử quyết liệt của các võ sĩ biểu hiện qua tầng lớp trí thức được giáo dục đầy đủ của người Nhật. Võ sĩ đạo Nhật Bản chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn đạo và võ đạo, tạo nên những thành tựu phát triển của nước Nhật cho đến ngày nay.

Ở nước ta, lịch sử quản trị quốc gia ngày xưa thường gắn liền với hai mặt, mặt văn và mặt võ. Hình ảnh một ông vua anh minh đứng giữa hai hàng quan văn, quan võ đối diện bên tả, bên hữu là biểu trưng cho sự hùng mạnh của quốc gia. Sức mạnh văn hóa gắn kết với sức mạnh thể chất của con người, xã hội tạo nên tiềm lực cho việc quản trị đất nước, giúp nhà vua bình trị thiên hạ.

Đất nước chúng ta xưa nay vẫn như một vị tráng sĩ khổng lồ, cơ bắp cuồn cuộn, thông minh sáng suốt, sẵn sàng đối diện với mọi thách thức, mọi kẻ thù hắc ám. Khi thái bình, yên ổn thì lấy văn hóa mà trị nước theo nguyên tắc “văn trị chung tu chí thái bình” của Nguyễn Trãi. Khi loạn lạc thì ngồi trên mình ngựa mà xông pha khói lửa, đao kiếm, đạp lũy, phá thành, giữ yên bờ cõi, biên ải.

Tuy vậy, thực tế xã hội nước ta lại cho thấy trong giáo dục thì có phần nào đó, văn vẫn được xã hội xem nặng hơn võ. Văn chương thi phú luôn được chăm bẵm, học hành, thi cử đỗ đạt, vài năm lại có một thế hệ những trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ mới, lại còn bảng vàng, bia đá, ghi khắc công lao học hành thi cử, vinh quy bái tổ, võng anh đi trước võng nàng theo sau.

Dường như hình ảnh những trí thức tao nhã, thậm chí cả những anh thư lại tay chân nhẽo nhợt, “trói gà không chặt” cũng vẫn thường được xã hội đề cao, tóat lên vẻ, hào hoa, thanh lịch, còn mấy anh học võ thì luôn được miêu tả là “võ biền”, “vai u thịt bắp” ăn nói thì cứ như Lý Quỳ, Trương Phi cả.

Sách văn chương thì xếp đày các kệ, tủ tới mức mà thi hào Nguyễn Du còn phải nói mai mỉa những kẻ mọt sách rằng “mãn giá tầm thư tích tự ngu” (đầy sách trên giá mà vẫn hiện lên một chữ ngu). Trong khi đó sách võ công thì dù săn lùng xuôi ngược mà vẫn khó tìm thấy, nhiều sách võ bị thất truyền, người học võ, đôi khi còn xung khắc với nhau chỉ vì muốn chiếm giữ những cuốn bí kíp gia truyền… Cụ Cao Bá Quát có lần cũng phải thốt lên “thập tải luân giao cầu cổ kiếm” (đi tìm một thanh kiếm cổ có giá trị sao mà khó thê, mười năm cũng chẳng thấy)…

Văn Miếu Quốc Tử Giám được nhà nước lập ra từ sớm nhưng võ miếu thì mãi sau này mới có. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, còn chép lại là Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 đời Lý Thánh Tông để vừa thờ phụng những người hiền tài, “nguyên khí quốc gia”, vừa làm nơi học hành thi cử thi thư, văn sách. Trong khi đó thì mãi tới năm 1770 chúa Trịnh Doanh mới cho lập võ miếu cho dù từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175), nhà  nước đã cho lập Giảng Võ trường, lấy đó làm nơi huấn luyện quân sự... Trên thực tế, nếu đem so sánh giữa võ miếu với văn miếu thì võ miếu đã không chỉ nhỏ bé hơn rất nhiều mà lại còn sớm bị rơi vào cảnh tàn lụi.

Trong những điều kiện của thế giới hiện đại, con người ngày nay đang ngày càng ít sử dụng công lực của võ thuật trong các mối quan hệ xã hội. Hình ảnh những võ sư, tráng sĩ, hiệp sĩ… oai vệ ngày trước, với thanh kiếm luôn bên mình, hễ thấy bất công xã hội là xông tới, đã không còn nữa. Ngày nay người ta đang nghĩ tới những cuộc chiến với các chiến binh ngồi phòng lạnh, bấm nút điện tử, với tầu chiến, máy bay không người lái. Cơ bắp con người được thay bằng sức mạnh của sắt thép, đạn bom, được điều khiển bằng các bộ óc điện tử. Các kỹ năng chiến đấu bằng võ nghệ trong nhiều trường hợp đã bị xem nhẹ.

Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần phải nghiên cứu, tìm hiểu một cách hệ thống, toàn diện và đầy đủ hơn về những tinh hoa võ thuật, những đóng góp của nó với xã hội, đặc biệt là việc nâng cao tinh thần thượng võ trong cuộc sống và ứng xử xã hội, việc rèn luyện tinh thần dũng cảm, tính kiên trì, nhẫn nại, vượt qua mọi cam go thử thách trong cuộc sống. Về phương diện này, những di sản về võ thuật của tổ tiên vẫn mãi mãi là quý báu, cần được gìn giữ và phát huy trong việc xây dựng một thế hệ người Việt Nam mới có đủ bản lĩnh để bảo vệ và phát triển đất nước.
 
2. Một tương lai cho di sản võ thuật Việt Nam
 
Trong những năm gần đây, trong hệ thống thông tin, truyền thông, chúng ta thấy đã xuất hiện khá nhiều những công trình khảo cứu về võ thuật Việt Nam. Các công trình này đã phản ánh được phần nào lịch sử sự hình thành và phát triển, những xu hướng và trường phái khác nhau, những đặc điểm về sức mạnh và hiệu quả hoạt động của võ thuật trong lịch sử dân tộc.

Chúng ta cũng đã phân tích được đặc điểm và sắc thái của nhiều môn phái khác nhau, giới thiệu, truyền bá rộng rãi được với những người quan tâm, thế hệ trẻ và bạn bè trong, ngoài nước về phẩm chất kỹ thuật và tinh hoa của võ thuật Việt Nam. Mới chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để làm rạng danh cho võ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những công trình khảo cứu dù có rất nhiều tâm huyết nói trên vẫn còn là tản mạn, mang nặng tính tuyên truyền, chưa thực sự hệ thống và toàn diện, thậm chí đôi chỗ còn thiếu xác thực.

Đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện, đầy đủ, trân trọng và sâu sắc hơn, đúng tầm vóc hơn về võ thuật Việt Nam với tính cách như là một di sản văn hóa vô giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho các thế hệ con cháu chúng ta.

Để thực hiện điều đó, trước mắt, chúng ta cần phải có kế hoạch nghiên cứu một cách khoa học, hệ thống về võ thuật Việt Nam, cần phải làm rõ được bản chất tự nhiên của việc hình thành tư duy và thực hành võ thuật Việt Nam, gắn liền với những điều kiện sống khắc nghiệt của công cuộc lao động, chiến đấu của người Việt trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nếu coi lịch sử của võ thuật Việt Nam như là quá trình vận hành của một cơ thể sống thì chúng ta phải tìm ra được đâu là bộ “gen” cơ bản nhất, xuyên suốt quá trình vận hành này. Chúng ta cũng phải làm rõ được những tư tưởng nào là cốt lõi chủ đạo, định hướng cho sự phát triễn võ thuật và vận hành võ thuật Việt Nam trong lịch sử,

Về mặt khoa học, chúng ta cũng phải làm rõ được những cơ sở lý thuyết và thực tiễn nào đã giúp cho việc hình thành những giáo lý cơ bản, những nguyên tắc phương pháp luận và phương pháp hệ cho sự tồn tại và phát triển của võ thuật Việt Nam. Chẳng hạn như, tại sao nhiều võ đường Việt Nam lại đề cao chữ “nhẫn” trong quá trình học tập, rèn luyện? Tại sao người Việt lại coi võ thuật như là một nơi không chỉ để tôi rèn ý chí mà còn để khám phá những khả năng được xem như là tiềm ẩn của chính mỗi con người, tại sao những người đi vào võ thuật lại có thể tin rằng, thông qua võ thuật người ta có thể vượt lên tất cả, vượt qua giới hạn của chính mình, chinh phục được mọi mục tiêu, mọi thách thức.

Chúng ta cũng cần tìm hiểu và làm rõ hơn những nguyên tắc học tập, rèn luyện và thực chiến cơ bản của võ thuật Việt Nam, phân biệt nó với những nền võ thuật khác, những nguyên tắc khiến người tập võ có thể vừa tạo ra cơ hội cho mình vừa sẵn sàng đương đầu với mọi rủi ro, thử thách. Đó cũng có thể là những nguyên tắc của sự nuôi dưỡng lòng tự trọng, sự can đảm, bình tĩnh, dũng cảm trước mọi đối thủ, cũng là sự kiên trì, nhẫn nại, khả năng chịu đựng, tính kỷ luật và cả tinh thần thượng võ, tình yêu thương và lòng vị tha đối với con người…

Chúng tôi vẫn thường nghe nhiều võ sư nổi tiếng đã dạy học trò của mình rằng: “Đối thủ lớn nhất của bạn chính là bạn”. Phải chăng đó cũng là một nguyên tắc quan trọng và cơ bản trong giáo lý võ thuật Việt Nam - Tập võ là để biết mình và vượt lên chính mình.

Chúng ta cũng cần nghiên cứu một cách hệ thống hơn về lịch sử võ thuật, những bước thăng trầm của võ thuật Việt Nam, những nền móng cơ bản của võ thuật được đặt ra ngay từ thuở khai thiên lập địa của dòng giống Lạc Hồng chúng ta, thông qua truyền thuyết dân gian, qua nghệ thuật truyền thống, qua các dấu tích lịch sử, văn hóa.

 Chúng ta cũng cần làm rõ hơn cái chung và cái riêng, tính thống nhất và tính đa dạng trong sự hình thành các môn phái võ ở nước ta. Điều đó không chỉ củng cố sự đoàn kết, gắn bó trong giới võ thuật Việt Nam mà còn tạo ra cơ sở cho sự truyền bá, phố biến những di sản quý báu chung để các môn phái có điều kiện học tập sáng tạo cho chính môn phái của mình.

Trên cơ sở những nghiên cứu trên, chúng ta cũng cần tập hợp đầy đủ các thông tin tư liệu cần thiết để sớm có thể xây dựng bộ hồ sơ trình lên tổ chức UNESCO công nhận võ thuật Việt Nam là một di sản văn hóa của thế giới.

Để thực hiện tốt những định hướng chiến lược trên, chúng ta cũng cần phải xác định một kế hoạch triển khai chung, thống nhất, đồng bộ, hướng tới sự chấn hưng võ thuật Việt Nam với tính cách là một di sản văn hóa.

Trước mắt, cần củng cố về mặt tổ chức, nâng cao vai trò của các tổ chức hội đoàn võ thuật, lựa chọn những người có tâm, có tài tham gia vào việc quản lý, nghiên cứu, giữ gìn, bảo vệ và phát triển võ thuật. Sưu tầm thông tin tư liệu, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về các giá trị văn hóa có liên quan đến võ thuật, ủng hộ sự mở rộng và phát triển của các môn phái võ, các võ đường

Cần phải thành lập một viện nghiên cứu có đủ tầm cỡ về cơ sở vật chất và con nguời để nghiên cứu và thực hành về võ thuật. Cần sớm kiến nghị với Nhà nước và các cơ quan quản lý văn hóa phục dựng trở lại võ miếu với tầm vóc tương xứng với những đóng góp của võ thuật nước nhà với lịch sử dân tộc, tôn vinh các võ sư, các danh tướng có công lao với đất nước.

Đẩy mạnh phong trào học tập, rèn luyện võ thuật. Tập võ để chống lại những sự yết ớt về tinh thần và thể chất, chống lại các sai lệch xã hội các tệ nạn xã hội như ma túy, rượu chè, cờ bạc, chống lại bệnh trầm cảm, sự yếu ớt trong tâm hồn.

Cần phải mở rộng việc kết hợp giáo dục võ thuật với giáo dục tinh thần thượng võ của người Việt Nam trong các trường học, tạo nên một thế hệ trẻ mới thông minh, sáng suốt về trí tuệ, mạnh mẽ về thể chất, “văn võ toàn tài” đối diện với mọi thách thức của thời đại hướng tới một tương lai ngày càng tươi sáng hơn.
 
Một số hình ảnh về Võ Bình Định, nguồn Internet
 
Anh2
Anh3
Anh4
Anh5

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây