Tác giả bài viết: Đông Nghi
Khi ý thức của người dân về sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được nâng cao, việc nhận thức và chuyển đổi sản xuất xanh, phân phối xanh là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp.
Tại tọa đàm “Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững”, ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) nhận định, việc nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như phân phối xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những xu thế trên thế giới, đặc biệt là những khu vực có những tiêu chuẩn cao. Do vậy, việc các doanh nghiệp nhận thức và chuyển đổi sản xuất xanh, sản xuất bền vững, phân phối xanh, phân phối bền vững là điều bắt buộc nếu muốn mở rộng sang các thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp của chúng ta ngày càng cạn kiệt. Hơn nữa, ý thức của người dân về sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được nâng cao. Do vậy, việc các doanh nghiệp nhận thức và chuyển đổi sản xuất xanh, sản xuất bền vững, phân phối xanh, phân phối bền vững là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp.
Trong Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tuy nhiên, để chuyển đổi sang nền sản xuất xanh, doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là phải lựa chọn được mô hình phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp. Đồng thời, những chính sách của nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi sang nền sản xuất xanh còn hạn chế.
Để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào những khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời sẽ đẩy mạnh áp dụng những mô hình về tái chế, tái thu hồi, tái sử dụng trong các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững tại các địa phương.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông, nâng cao được tư duy, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch và sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn: