trongdong
text logo

Tuyên Quang: “Điểm tựa” tín dụng chính sách

Tác giả bài viết: Thu Huyền

Thứ tư - 06/11/2024 07:53
Nhờ thực hiện tích cực chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40), cấp ủy chính quyền các cấp tỉnh Tuyên Quang đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn ngày càng phát huy hiệu quả, nguồn vốn được đưa đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.
z6001927111338 f65b6579ee7411c9abf5cb4cc84ba2bc
Cán bộ NHCSXH đến thăm cửa hàng của hộ vay Hà Thị Toán, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang
* Tạo sinh kế
Từ một quầy tạp hóa nhỏ, nhờ có sự hỗ trợ từ nguồn tín dụng chính sách, chị Hà Thị Toán, dân tộc Tày, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang đã có một cửa hàng rộng rãi với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhân dân quanh vùng. Chị Hà Thị Toán chia sẻ, chị không có vốn, hàng hóa ít, buôn bán cũng bấp bênh, nên cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn.
Nắm bắt thông tin từ Hội Phụ nữ xã Xuân Quang, chị Toán mạnh dạn làm đơn đăng ký vay vốn tín dụng chính sách để làm ăn. Qua bình xét, chị Toán được vay 50 triệu đồng từ “Chương trình cho vay thương nhân hoạt thương mại tại vùng khó khăn” của Ngân hàng Chính sách xã hội. Chị dùng để mở rộng cửa hàng, mua máy khâu để phục vụ nhu cầu may mặc của người dân, bán thêm quần áo may sẵn, nguyên vật liệu, đồ gia dụng,.. Nhờ đa dạng về mặt hàng nên cửa hàng của chị Hà Thị Toán ngày càng đông khách, kinh doanh ổn định, cuộc sống gia đình cũng nhờ vậy mà có của ăn, của để, thêm điều kiện cho con cái học hành.
Gia đình ông Lưu Văn Quế thuộc hộ cận nghèo của thôn Ngầu 2, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa. Có ý định cho con đi xuất khẩu lao động nhưng do chi phí xuất cảnh cao, gia đình không có điều kiện lo liệu. Thông qua chương trình tín dụng cho vay xuất khẩu lao động của Ngân hàng chính sách xã hội, tháng 1/2024, con trai ông, đã được vay 100 triệu đồng để ký quỹ đi làm việc tại Hàn Quốc.
Theo ông Quế, nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách mà gia đình ông giảm bớt được nỗi lo tài chính khi cho con đi xuất khẩu lao động, Hiện tại, con trai đã được thu xếp công viêc và chỗ ở ổn định. Hai tháng nay, trừ chi phí sinh hoạt, con trai ông cũng đã dành dụm gửi được tiền về để gia đình trả khoản vay ngân hàng và phụ giúp sinh hoạt.
Theo bà Hà Thị Minh Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Chỉ thị 40, huyện Chiêm Hóa đã phối hợp lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển công tác giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho con em trên địa bàn. 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, huyện Chiêm Hóa đã giải ngân 1.599 tỷ đồng đến trên 50 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Cũng theo bà Hà Thị Minh Quang, đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 729 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách tạo điều kiện cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn ổn định về nơi, học tập, lao động, phát triển sản xuất, góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện giảm từ 1,5-2%.
z6001927429063 e5508300c1e81c1827835ae05cd73b3d
Nhờ 100 triệu đồng để ký quỹ với NHCSXH, ông Lưu Văn Quế thôn Ngầu 2, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa có điều kiện cho con đi làm việc tại Hàn Quốc.
* Giảm nghèo bền vững
Gia đình chị Nguyễn Thị Lụa, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành, huyện sơn Dương được biết đến là cơ sở phân phối gà thịt uy tín ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Chị Nguyễn Thị Lụa, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang cho biết, cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ những đồng vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ kịp thời trong lúc gia đình đang chật vật lo vốn để làm ăn.
Trước kia, gia đình chị có 1 chuồng nuôi gần 500 con gà thịt, chủ yếu bán cho bà con trong xã. Khoảng 2 năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng cao, chị Lụa bàn với gia đình mở rộng quy mô, nuôi thêm gà thịt. Chị đăng ký vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sơn Dương để đầu tư mở rộng chuồng trại.
z6001927914952 839b4f998ac2407888c98c314786bfc6
Cán bộ NHCSXH thăm trang trại gà thịt của gia đình chị Nguyễn Thị Lụa, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang
Tháng 10/2023, qua bình xét, chị được cho vay 70 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với số vốn liếng và vay mượn người thân, gia đình chị Lụa xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, gia đình chị có 5 chuồng nuôi gà với gần 1 vạn con gà thịt. Cứ khoảng 4 tháng, chị Lụa lại xuất 1 lứa gà đi các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, với giá bán giao động 48 – 50 nghìn đồng/kg, mỗi lứa, chị Lụa tổng thu về trên 120 triệu đồng.
Cũng tại xã Hợp Thành, huyện sơn Dương, nhận thấy cây chuối tiêu hồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, năm 2023, ông Đặng Văn Minh, thôn Cầu Trắng đã trồng thử nghiệm 100 cây chuối tiêu hồng tại vườn đồi của gia đình. Nhận thấy cây hợp đất, phát triển tốt, tiêu thụ cũng dễ, ông Minh mạnh dạn mạnh dạn vay 35 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để trồng thêm chuối tiêu hồng. Hiện tại, gia đình ông có gần 3000 gốc chuối tiêu hồng, dự kiến cho thu hoạch vào cuối năm nay. Đồng thời, nguồn lá chuối cũng được ông sử dụng làm thức ăn cho 2 ao cá của gia đình. Giờ đây, mô hình trang trại tổng hợp không chỉ giúp ông phát triển kinh tế gia đình mà còn là địa chỉ để nhiều người trong và ngoài thôn đến học hỏi kinh nghiệm.
z6001928237345 47faaa167e613c28f04bb683ad3434e8
Cán bộ NHCSXH thăm vườn chuối tiêu hồng của ông Đặng Văn Minh, thôn Cầu Trắng, xã Hợp Thành, Sơn Dương, Tuyên Quang
Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương cho biết, thời gian qua, huyện Sơn Dương luôn chủ động cân đối và tích cực huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40, huyện đã chuyển trên 7, 6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của huyện, ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, tính đến ngày 30/6/2024 Phòng giao dịchNgân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương đã và đang triển khai thực hiện cho vay 21 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt trên 858 tỷ đồng với trên 20 nghìn hộ vay còn dư nợ, tăng trên 543 tỷ đồng, so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm của tỉnh Tuyên Quang qua 10 năm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, theo bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Trường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang, Để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện thường xuyên; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực để tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động...; công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đến Nhân dân cần được quan tâm, đẩy mạnh; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với tín dụng chính sách; chú trọng động viên, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác về kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từ đó, chủ động vươn lên thoát nghèo và làm chủ cuộc sống...
Cùng với đó, việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội phải gắn với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, chính sách an sinh xã hội; Ưu tiên bố trí, huy động nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, phương tiện, nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả của các chương trình tín dụng. Tập trung các nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào Ngân hàng Chính sách xã hội, bảo đảm cấp bù lãi suất, chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội...; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật, tâm huyết, nhiệt tình trách nhiệm, có tinh thần, thái độ tận tâm phục vụ Nhân dân../.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây