Vào năm 2024, khi cơn bão YAGI tràn vào miền Bắc, hình ảnh người dân đồng lòng chống chọi bão lũ xuất hiện đầy xúc động trên mạng xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhanh chóng kêu gọi người dân quyên góp hỗ trợ cho những vùng bị thiệt hại do bão. Tuy nhiên, mạng xã hội lại là một con dao hai lưỡi. Khi mà một số người muốn đánh bóng tên tuổi và những cá nhân có sức ảnh hưởng (KOLs) đã lợi dụng sự tin tưởng của công chúng, đăng tải những hình ảnh sai sự thật, chỉnh sửa và làm giả thông tin về số tiền từ thiện.
Tiktoker V.A.P chỉnh sửa thông tin từ thiện
Sự việc này phản ánh một lối sống “phông bạt”, khoe khoang hời hợt của một bộ phận giới trẻ, khi mà thói quen “sống ảo” đã đi quá xa, dẫn đến sự ích kỷ và vô cảm với cộng đồng. Những hành vi này kéo theo nhiều hệ quả khôn lường, và chỉ khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai bản sao kê với hơn 12.000 trang PDF, sự thật mới được phơi bày. Nếu không có hành động này, có lẽ chúng ta sẽ khó mà “check VAR” để phân biệt thật giả.
Một trường hợp ủng hộ 2.000 đồng nhưng khoe trên mạng xã hội là 2 triệu đồng
Nhiều trường hợp còn tinh vi hơn khi cá nhân đứng ra quyên góp thay mặt cho tập thể lớp, tổ chức, công ty, doanh nghiệp… nhưng số tiền chuyển khoản thực tế chỉ là vài chục nghìn đồng, tạo ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận và làm mất đi niềm tin của người dân.
Cá nhân thay mặt tập thể từ thiện nhưng số tiền không đúng với thực tế
Một số cá nhân sau khi bị phát hiện “phông bạt”, nói dối và tự khai khống số tiền ủng hộ thì đã đăng tài bài viết xin lỗi trên mạng xã hội, thể hiện sự ăn năn hối lỗi.
Gần đây nhất, một TikToker nổi tiếng là P.T kêu gọi quyên góp hơn 16,7 tỉ đồng giúp bé B chữa ung thư, khẳng định cần ít nhất 4-7 tỷ để điều trị tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khi bị chất vấn về số tiền gần như đã rút sạch, chỉ còn hơn 50 triệu, mẹ bé B từ chối sao kê với lý lẽ “tiền tự tâm, ai không cho thì mới đòi hỏi”. Trong khi đó, P.T không giải thích rõ ràng mà tiếp tục quảng bá livestream cá nhân. Hành vi “phông bạt” của P.T thể hiện rõ khi tận dụng lòng tin cộng đồng để thu hút sự chú ý, nhưng lại né tránh trách nhiệm minh bạch, khiến dư luận phẫn nộ.
Ảnh minh họa: Yan Trend
Những hành vi “phông bạt”, giả mạo thông tin từ thiện không chỉ làm xói mòn niềm tin của cộng đồng mà còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Việc công khai minh bạch hóa các hoạt động từ thiện là điều cần thiết, vì nhờ có sự minh bạch và trung thực trong hoạt động từ thiện mới có thể bảo vệ lòng tin và giá trị đạo đức cộng đồng. Mỗi cá nhân cần phải có ý thức trách nhiệm, hành động đúng đắn và chân thành, để những hoạt động nhân ái thực sự lan tỏa, có ý nghĩa, thay vì trở thành công cụ cho những màn khoe khoang giả tạo. Việc “check VAR” không chỉ là một lời nhắc nhở về sự minh bạch, mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh về giá trị lòng tin và sự liêm chính trong thời đại số.