trongdong
text logo

Phát huy giá trị di sản phố cổ Hà Nội

Tác giả bài viết: NGUYỄN THANH

Thứ tư - 11/11/2020 23:02
TTPT - Là di sản đô thị gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Kinh đô Thăng Long - Thủ đô Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) sở hữu khối di sản lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật... đồ sộ và phong phú. Gìn giữ, phát huy hiệu quả di sản phố cổ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng, thúc đẩy du lịch phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, song trong quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản phố cổ, góp phần phát triển du lịch. Trong ảnh: Du khách tham quan phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Nguyễn Quang

Vướng mắc giữa bảo tồn - phát triển

Khu phố cổ Hà Nội được xác định trong 79 tuyến phố, 83 ô phố thuộc 10 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Nơi đây sở hữu hơn 100 di tích đền, chùa, miếu, nhà cổ... cùng dấu ấn đậm nét về phong tục, tập quán, lối sống cư dân kinh thành ngàn năm, thông qua khối di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, từ ẩm thực dân gian, nghề thủ công... đến lễ hội truyền thống.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, khu phố cổ có vị trí đặc biệt trong nội đô lịch sử, gắn liền với tiến trình phát triển của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. “Với những giá trị này, khu phố cổ đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2004, được tập trung nguồn lực, triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh thương mại - du lịch”, bà Trần Thị Thúy Lan thông tin.

Bên cạnh những kết quả đạt được, không gian phố cổ Hà Nội cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là những vướng mắc trong “bài toán” bảo tồn và phát triển. Là di sản “sống”, lại nằm giữa Thủ đô, khu phố cổ Hà Nội có mật độ dân số dày đặc, các hoạt động kinh tế luôn sôi nổi, văn hóa đa dạng. Vì thế, việc giữ gìn hình thái không gian, kiến trúc cảnh quan còn gặp nhiều khó khăn, trong khi biện pháp cải thiện điều kiện sống bên trong các tuyến phố, nhà cổ xuống cấp vẫn chưa đồng bộ.

Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh nhận định, kinh tế phát triển, nhu cầu kinh doanh đa dạng khiến các phố nghề, phường nghề dần biến đổi. Hiện những khu phố gắn với nghề nghiệp hoặc mặt hàng đặc trưng ngày càng mất dần. Đa số các phố chỉ còn lại các tên gọi phố Hàng Gà, Hàng Da, Hàng Chiếu, Hàng Mắm… nhưng lại không còn kinh doanh các mặt hàng như tên gọi.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, từ năm 2013, quận Hoàn Kiếm đã triển khai Đề án giãn dân khu phố cổ Hà Nội, với mục tiêu di chuyển hơn 6.500 hộ, 27 nghìn người, giảm sức tải cho khu vực. Tuy nhiên, quá trình triển khai nảy sinh không ít vướng mắc, cần tiếp tục được điều chỉnh quy hoạch kiến trúc và thay đổi cơ chế đầu tư, dẫn đến hiệu quả triển khai chưa cao. Cùng với đó, việc khai thác du lịch trong không gian phố cổ chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, các di sản văn hóa chưa được kết nối thành vệt tham quan hiệu quả; chưa có nhiều cơ sở dịch vụ đăng ký tiêu chuẩn phục vụ; tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách vẫn tồn tại...

Giữ gìn bản sắc, tạo đà phát triển du lịch di sản        

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thanh Bình, để giải quyết những tồn tại, thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản phố cổ Hà Nội, giữ gìn hiệu quả bản sắc văn hóa, tạo đà cho du lịch di sản phát triển, quận Hoàn Kiếm cần tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án giãn dân khu phố cổ Hà Nội cũng như đầu tư cho công tác quy hoạch, bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, gồm: Không gian công cộng, bãi đỗ xe, không gian ngầm… Bên cạnh đó, cần chú trọng gìn giữ, nhân lên phong cách, lối sống thanh lịch Tràng An như một cách bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tăng sức hút cho hoạt động thương mại, du lịch tại đây.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, quận Hoàn Kiếm cần huy động sự tham gia hơn nữa từ phía cộng đồng, gắn quyền lợi kinh tế - xã hội của người dân với công tác bảo vệ, phát huy giá trị không gian phố cổ. Khi chính những người đang sinh sống ở phố cổ muốn bảo vệ và có ý thức bảo vệ những giá trị truyền thống của phố cổ thì mới đạt hiệu quả nhất.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của quận trong thời gian tới là thực hiện có hiệu quả Đề án giãn dân khu phố cổ; đồng thời hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để quản lý khai thác đối với các diện tích nhà, đất của các hộ dân đã di chuyển. Các giải pháp trọng tâm là huy động xã hội hóa nguồn lực; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản...

“Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang chờ UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quyết định điều chỉnh cơ chế đầu tư xây dựng dự án giãn dân phố cổ. Bên cạnh cơ chế, chính sách, vẫn cần sự chung sức, chung lòng của người dân trong nhiệm vụ gìn giữ, phát huy giá trị di sản đặc biệt này”, ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

Nguồn tin: nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây